Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông báo 4636/TB-BNN-VP năm 2023 kết luận của Thứ trưởng Hoàng Trung tại Hội nghị Quản lý chất lượng giống cây ăn quả phía Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 4636/TB-BNN-VP
Ngày ban hành 17/07/2023
Ngày có hiệu lực 17/07/2023
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Văn Thành
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4636/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG HOÀNG TRUNG TẠI HỘI NGHỊ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG GIỐNG CÂY ĂN QUẢ PHÍA NAM

Ngày 06/7/2023, tại Thành phố Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị “Quản lý chất lượng giống cây ăn quả phía Nam”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT (Các Cục: Trồng trọt, Bảo vệ thực vật; các Vụ: Pháp chế, Khoa học Công nghệ và Môi trường; Thanh tra Bộ; Trung tâm khuyến nông Quốc gia; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc: Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ, Viện NC Bông và PTNN Nha Hố, Viện KHKTNLN Tây Nguyên; Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia và các đơn vị trực thuộc); Hiệp hội Rau quả Việt Nam; Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam; một số doanh nghiệp, trường đại học; Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, TP phía Nam và đại diện một số đơn vị trực thuộc (Chi cục TTBVTV, Thanh tra Sở, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm giống); đại diện doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất kinh doanh giống cây ăn quả tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bến Tre và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương.

Sau khi nghe báo cáo của Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre, Viện Cây ăn quả miền Nam, ý kiến tham luận của đại diện các địa phương, các Viện nghiên cứu, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam và doanh nghiệp tham dự, Thứ trưởng Hoàng Trung kết luận như sau:

1. Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả nước ta có sự phát triển và vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành hàng chủ lực. Nhờ việc quan tâm đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo giống, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ, đến nay cả nước đã có khoảng 50 chủng loại trái cây, quy mô diện tích trên 1,2 triệu ha, tổng sản lượng hàng năm hơn 13,5 triệu tấn; phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời gia tăng xuất khẩu cả về chủng loại, cơ cấu sản phẩm, thị trường và giá trị kim ngạch; đã và đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng ngành nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống, vươn lên làm giầu cho nhân dân tại nhiều vùng, địa phương.

2. Giống là một trong các yếu tố đầu vào quan trọng, có tính then chốt, quyết định trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất cây ăn quả nói riêng. Việc sử dụng cây giống giả, cây giống chất lượng kém ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa và năng lực cạnh tranh, hiệu quả đầu tư, thời gian và công sức của nhà vườn.

Với sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương, cho đến nay trên toàn quốc đã công nhận, hình thành được hệ thống hàng trăm cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; bước đầu xây dựng, ban hành được các TCVN, QCVN phục vụ công tác quản lý, sản xuất, cung ứng giống cây ăn quả chất lượng. Với hệ thống cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây ăn quả gồm nhiều thành phần tham gia: Các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp, trung tâm giống, tổ hợp tác, hộ sản xuất... đáp ứng được nhu cầu lớn về cây giống cho trồng mới, trồng tái canh hàng năm (từ 255 - 276 triệu cây giống/năm, trong đó có 35 - 40 triệu cây giống lâu năm), góp phần quan trọng cho tăng trưởng sản xuất cây ăn quả.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả hiện còn những hạn chế, bất cập như:

- Hệ thống sản xuất và cung ứng giống ở quy mô hộ kinh doanh, nhỏ lẻ hiện chiếm chủ yếu. Nhiều cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ quy định (không có cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; cơ sở vật chất đảm bảo để sản xuất giống sạch bệnh…) vẫn tham gia sản xuất, kinh doanh, khó khăn trong quản lý, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng cây giống.

- Số lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây ăn quả được đề nghị bình tuyển, thẩm định, công nhận còn rất khiêm tốn so với thực tế nhu cầu sản xuất giống.

- Tình trạng cây giống kém chất lượng, giống chưa được lưu hành/tự công bố lưu hành, chưa được kiểm soát tốt về chất lượng vẫn được sản xuất, lưu thông và sử dụng, nguy cơ gây thiệt hại cho người sản xuất.

- Công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất kinh doanh giống cây ăn quả của các địa phương còn ít về số lượng và chưa hiệu quả; thậm chí còn mang tính hình thức, chưa kiên quyết xử lý, răn đe đối tượng vi phạm…Đặc biệt, Luật Trồng trọt đã chuyển phương thức quản lý giống cây trồng từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đòi hỏi ngày càng cao về công tác thanh, kiểm tra ở cấp cơ sở.

Do vậy, việc tăng cường quản lý chất lượng giống cây ăn quả là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt đối với các tỉnh phía Nam, vùng sản xuất chủ lực chiếm trên 62% diện tích cây ăn quả toàn quốc.

3. Định hướng công tác quản lý chất lượng giống cây ăn quả trong thời gian tới

- Hạn chế tối đa tình trạng lưu thông, sử dụng cây giống trôi nổi, giống chưa được lưu hành, chất lượng kém, không rõ nguồn gốc.

- Xây dựng hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây ăn quả chất lượng, sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời với áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác tiên tiến, thực hành nông nghiệp tốt góp phần xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, đảm bảo năng suất, chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc, gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; phát triển ngành hàng cây ăn quả hiệu quả cao, bền vững, nâng cao vị thế sản phẩm trái cây Việt Nam.

4. Phân công tổ chức thực hiện

a) Cục Trồng trọt: Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thuộc Bộ, các địa phương:

- Tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản QPPL về quản lý sản xuất, buôn bán giống cây trồng nói chung, giống cây ăn quả nói riêng. Hướng dẫn công tác bảo hộ, công nhận, công nhận lại với giống cây ăn quả, đặc biệt là đối với các giống tạo ra bằng nguồn ngân sách nhà nước.

- Rà soát, đề xuất các nội dung bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện văn bản QPPL liên quan công tác quản lý nhà nước trong sản xuất kinh doanh giống cây trồng/giống cây ăn quả, đảm bảo phù hợp, hiệu quả.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ công tác quản lý nhà nước về giống cây ăn quả; trước mắt ưu tiên các cây ăn quả thuộc danh mục loài cây trồng chính (cam, bưởi, chuối) và các loại cây ăn quả chủ yếu, có quy mô sản xuất hàng hóa lớn.

b) Thanh tra Bộ: Tăng cường xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm về thanh tra công tác thực hiện quy định pháp luật trong sản xuất, buôn bán giống cây ăn quả; kịp thời xử lý vi phạm, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng giống cây ăn quả.

c) Các Viện nghiên cứu (Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện KHKTNLN Tây Nguyên, Viện KHKTNN Duyên hải NTB, Viện Nghiên cứu Bông và PTNN Nha Hố):

- Tiếp tục quan tâm đề xuất nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sinh vật gây hại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Rà soát, tổng hợp kết quả nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện quy trình phục tráng, quy trình nhân giống cây ăn quả chất lượng, sạch bệnh, với chi phí giá thành phù hợp để phổ biến áp dụng trong sản xuất giống cây ăn quả.

- Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các dự án được phê duyệt, giao thực hiện thuộc Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng cây giống chất lượng cao cho sản xuất.

- Tăng cường phối hợp các địa phương trong công tác rà soát đánh giá chất lượng, phục tráng giống cây ăn quả đặc sản; bình tuyển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng trên địa bàn.

[...]