Thông báo 434/TB-VPCP năm 2024 về Kết luận Hội nghị chuyên đề về "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến" của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 434/TB-VPCP
Ngày ban hành 25/09/2024
Ngày có hiệu lực 25/09/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Trần Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 434/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ VỀ “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN” CỦA ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Ngày 31 tháng 8 năm 2024, tại điểm cầu Thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến” (sau đây gọi tắt là Hội nghị). Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn; 09 Bộ trưởng[1] và Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Vụ trưởng, Cục trưởng, Giám đốc các sở, ban, ngành có liên quan.

Sau khi nghe Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tổng quan về cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ý kiến phát biểu, tham luận của bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số kết luận Hội nghị như sau:

I. VỀ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở. Từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 Quyết định, 05 Chỉ thị[2]; 63/63 địa phương đã ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

2. Nhận thức và hành động về nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nhiều chuyển biến tích cực. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính tăng từ 90% năm 2022 lên 93% đến tháng 8 năm 2024.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2024, Chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam xếp hạng 71/193, tăng 15 bậc so với năm 2022, trong đó dịch vụ công trực tuyến xếp ở mức cao, hạng 75/193, tăng 01 bậc so với năm 2022, 6 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp hạng 77/193, tăng 10 bậc so với năm 2022, 20 bậc so với năm 2020.

3. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho số hóa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai tích cực. Đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật Căn cước; Chính phủ ban hành 06 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 09 Quyết định; các bộ, ngành đã ban hành các Thông tư cho việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

4. Thủ tục hành chính tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng cao. Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 3 nghìn quy định kinh doanh; phân cấp cho địa phương gần 700 thủ tục hành chính; đã cung cấp thêm gần 1,8 nghìn dịch vụ công trực tuyến, đạt 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 70% tổng số thủ tục hành chính. Đặc biệt, đã triển khai 45/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu[3]; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã được thực hiện toàn trình, giúp tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3,5 nghìn tỷ đồng/năm. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành tăng 23% (đạt 43,4%), của địa phương tăng 35% (đạt 64,3%) so với năm 2023.

5. Hạ tầng số, nền tảng số, thiết bị, công nghệ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp được quan tâm đầu tư. 100% cơ quan nhà nước đã được triển khai mạng Truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã; 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; 82,2% hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng; 84% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh.

6. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh xây dựng, kết nối, chia sẻ, ví dụ: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 04 doanh nghiệp nhà nước; cấp trên 87,7 triệu thẻ CCCD gắn chip; kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản VNeID,... Năm 2023 được xác định là “Năm Dữ liệu số” để thúc đẩy tạo lập và khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới; đồng thời, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

7. Một số bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đổi mới, thực hiện các mô hình, giải pháp hữu hiệu trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến như các Bộ: Công an, Tài chính, Công Thương; các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cà Mau, Tây Ninh... Đây là các mô hình mới, cách làm hay cần được biểu dương, ghi nhận và có đánh giá, học tập, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng trên toàn quốc.

8. Tích cực triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại, sẵn sàng thực hiện Hải quan số. Trong đó, (i) đã làm việc rất tích cực với Trung Quốc về Hải quan thông minh, tạo tiền đề để mở rộng dần việc triển khai các cửa khẩu thông minh với Trung Quốc, Lào, Campuchia; đang thực hiện kết nối và trao đổi tờ khai hải quan ASEAN với 08 nước thành viên ASEAN, tạo tiền đề để thực hiện với Hàn Quốc, Liên bang Nga, New Zealand; (ii) Cơ chế một cửa quốc gia đã cung cấp 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành, với sự tham gia của trên 70 nghìn doanh nghiệp; hàng chục triệu bộ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trên môi trường điện tử, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thông quan.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, góp phần thực hiện thành công mục tiêu mà Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội đã giao về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ, giảm nợ nước ngoài, giảm bội chi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung, thực hiện chuyển đổi số toàn diện, trong đó có cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng.

II. VỀ TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách cần phải thực hiện tốt hơn, ví dụ: cần sớm trình, ban hành Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng; các Nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử...

Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính vẫn còn chậm, thủ tục còn rườm rà (còn 400 thủ tục hành chính chưa thực hiện phân cấp và 30% thủ tục hành chính chưa được đơn giản hóa theo các Nghị quyết của Chính phủ). Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét; không đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị, cụ thể: (i) Kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa chưa cao (Chỉ tiêu năm 2025: 100%; đến nay các bộ, ngành mới đạt 43,5%, các địa phương mới đạt 61%); (ii) Nhiều dịch vụ công trực tuyến người dân, doanh nghiệp sử dụng còn thấp hoặc chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp mức độ toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình của địa phương mới đạt 17,9%, trong khi mục tiêu đến năm 2025 là tối thiểu 80%; (iii) Việc tái sử dụng dữ liệu để người dân chỉ cung cấp thông tin một lần còn rất thấp (ở địa phương đạt 12,3%; ở bộ, ngành đạt 1,3%); một số dữ liệu gốc về hộ tịch, đất đai của một số địa phương đã được số hóa nhưng chưa được sử dụng để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; (iv) Vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; người dân, doanh nghiệp vẫn phải gặp trực tiếp, dễ phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.

Thứ ba, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia còn nhiều bất cập. Có 60 Cổng dịch vụ công chưa đạt ở tiêu chí về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư; 39 Cổng dịch vụ công chưa đạt ở tiêu chí về mức độ tiếp cận đối với người khuyết tật. Công tác cắt giảm và thực hiện thủ tục hành chính nội bộ trên môi trường điện tử chưa được quan tâm, chú trọng (hiện cấp Bộ có gần 850 thủ tục hành chính nội bộ và địa phương có hơn 500 thủ tục hành chính nội bộ nhưng chưa quan tâm cắt giảm, đơn giản hóa).

Thứ tư, nhân lực số, hạ tầng số chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đột phá: (i) Còn 08/22 bộ, ngành chưa hoàn thành việc nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Còn 7 bộ, ngành chưa hoàn thành việc kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử với Cổng Dịch vụ công quốc gia (phụ lục kèm theo); (ii) Cơ sở vật chất đầu tư cho thực hiện thủ tục hành chính và số hóa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn rất khiêm tốn, thậm chí dè dặt, lúng túng, không dám quyết định; (iii) Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu.

Thứ năm, tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh, trong khi đó 33/135 hệ thống thông tin chưa đáp ứng tất cả tiêu chí về an toàn, an ninh mạng theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; 23/135 hệ thống thông tin chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng.

Thứ sáu, công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và triển khai Đề án 06 nhiều lúc, nhiều nơi chưa được coi trọng. Một số phương tiện thông tin đại chúng có quan tâm dành thời lượng tuyên truyền nhưng chưa đúng tầm với vị trí, vai trò quan trọng của công tác này.

2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

Gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan là chủ yếu, trong đó: (i) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa quyết liệt, sát sao, bám sát tình hình thực tế để tập trung triển khai, tháo gỡ khó khăn, tạo chuyển biến; (ii) Tổ chức thực hiện, bao gồm cả lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan tham mưu và cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp, có nơi, có lúc chưa đầu tư thỏa đáng, chưa dành nguồn lực và cũng chưa nỗ lực, cố gắng và chưa lan tỏa được tinh thần “biến không thành có”, “biến khó thành dễ”, “biến không thể thành có thể”; (iii) Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân còn thiếu chặt chẽ và hiệu quả; (iv) Chưa tạo được phong trào, xu thế cho người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng; (v) Ngoài ra còn có các nguyên nhân liên quan đến thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực và nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện.

III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Bên cạnh bài học kinh nghiệm mà các bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ, cần nhấn mạnh 3 bài học kinh nghiệm sau:

1. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc dành thời gian, công sức quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, kịp thời biểu dương, khen thưởng và xử lý những vi phạm, khuyết điểm theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

[...]