Thông báo 432/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 432/TB-VPCP
Ngày ban hành 24/09/2024
Ngày có hiệu lực 24/09/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sỹ Hiệp
Lĩnh vực Đầu tư,Giao thông - Vận tải

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 432/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ 14 BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA, TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ngày 17 tháng 9 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo). Tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Phó Trưởng Ban Thường trực, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (QLVNN) Nguyễn Hoàng Anh và lãnh đạo các Bộ, cơ quan là Ủy viên Ban Chỉ đạo: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải (GTVT), Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Xây dựng, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; các Tập đoàn, Tổng công ty: Điện lực Việt Nam (EVN), Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Quản lý bay Việt Nam (VATM), Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và đại diện các cơ quan, Ban Quản lý dự án (Ban QLDA), Tư vấn và một số nhà thầu; tại điểm cầu 44 tỉnh, thành phố có các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố và đại diện các sở, ngành liên quan.

Sau khi nghe Bộ GTVT (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) báo cáo tổng hợp tình hình triển khai các công trình, dự án, báo cáo của một số cơ quan, đơn vị, ý kiến thảo luận của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thời gian qua, cơn bão số 3 Yagi đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nước ta, gây ra mất mát rất lớn về người, thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân (tổng thiệt hại khoảng trên 40.000 tỷ đồng), ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, có thể làm giảm GPD cả nước năm 2024 khoảng 0,15%. Một lần nữa tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, tình quân dân, nghĩa đồng bào, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc lại được thể hiện một cách rõ nét.

Trong bối cảnh phải bứt phá triển khai các công việc để hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, trong đó có 3.000km đường cao tốc đến năm 2025; vừa là động lực tăng trưởng cho các địa phương và cả nước, tạo không gian phát triển mới (khu dịch vụ, công nghiệp, đô thị mới...), tạo ra giá trị gia tăng của đất đai; giảm chi phí vận tải giúp cạnh tranh của hàng hóa; tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp đi lại; hơn nữa trong tình hình cả nước đang chung tay khắc phục hậu quả của bão, lũ, chúng ta phải đẩy mạnh cho tăng trưởng, ưu tiên tăng trưởng, thì việc triển khai các dự án lại càng cấp thiết và là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư công, trong đó đầu tư hạ tầng giao thông vận tải cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ động hoàn thành các cam kết, lời hứa, lời nói của mình.

Để góp phần khắc phục hậu quả bão, lũ, góp phần giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, các bộ, ngành địa phương, các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công theo chức năng nhiệm vụ được giao cần nỗ lực triển khai các dự án với tinh thần đã hứa phải làm, đã làm thì có kết quả, có sản phẩm cụ thể, quan tâm đến chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường; phát huy tinh thần “vượt nắng thắng mưa, không thua bão lũ”, thích ứng với tự nhiên, thời tiết bất thường.

Tổng số dự án thuộc danh mục Ban Chỉ đạo là 40 dự án/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực là đường bộ, đường sắt và hàng không; đi qua địa phận của 48 tỉnh, thành phố. Đến nay đã hoàn thành 2.021 km đường cao tốc; đang thi công khoảng 1.700 km đường cao tốc và đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công tiếp khoảng 1.400 km đường bộ cao tốc. Như vậy mục tiêu hoàn thành 3.000 km vào năm 2025 là khả thi và có thể đạt được nhưng không thể chủ quan nhất là trong thời gian tới thời tiết còn có mưa bão, biến đổi bất thường, bất lợi.

Kinh nghiệm thời gian qua nhất là trong công tác phòng chống đại dịch Covid 19, xây dựng đường dây 500KV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Phố Nối, triển khai cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020,... cho thấy, các nhiệm vụ, các mục tiêu tuy có khó khăn, đôi lúc tưởng chừng không thể thực hiện nhưng nếu có sự quyết tâm, sự nỗ lực cố gắng, vượt qua chính mình, sự đoàn kết, nhất trí, huy động sức mạnh tổng hợp sẽ vượt qua và chiến thắng, cần phát huy kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua nhất là phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc.

Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 13, đến nay các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 11 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, đang tích cực triển khai 28 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên và 01 nhiệm vụ chưa đến hạn. Trong đó các địa phương đã thực hiện tốt các nhiệm vụ Ban chỉ đạo giao trong công tác chuẩn bị đầu tư như: (1) Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các tỉnh liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; (2) Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; (3) Tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ các ý kiến thẩm định về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; (4)- Các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Lâm Đồng, Bình Dương đang lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành bám sát tiến độ đề ra; (5) tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt dự án Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình. Thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ biểu dương tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm của các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh nêu trên, vì mục tiêu đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông của địa phương và cả nước để phấn đấu đạt mục tiêu Đại hội đảng lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Thay mặt Ban chỉ đạo, biểu dương đánh giá các Bộ và các cơ quan đã thực hiện tốt các nhiệm vụ Ban chỉ đạo giao; đồng thời biểu dương tinh thần của tỉnh Đắk Lắk đã chủ động, nỗ lực tổ chức triển khai dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (dự án thành phần số 3) bảo đảm tiến độ.

Bên cạnh đó, một số địa phương cần rút kinh nghiệm trong việc triển khai chậm công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm. Một số địa phương thực hiện thủ tục cấp mỏ, nâng công suất, điều phối vật liệu cho các dự án khu vực phía Nam còn chậm như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Các nhiệm vụ chung

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu của Phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” đã được Thủ tướng Chính phủ phát động vào ngày 18 tháng 8 năm 2024 tại tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời cần phát huy những bài học kinh nghiệm đã được đúc kết trong thời gian vừa qua như sau:

Thứ nhất, bài học về công tác quản lý lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo, chỉ huy với tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả; kết quả phải cân đong, đo, đếm được để từ đó dễ kiểm tra, dễ giám sát và dễ đánh giá; tăng cường kiểm tra giám sát.

Thứ hai, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động nguồn lực toàn xã hội, huy động cả hệ thống chính trị xác định các dự án trọng điểm là nhiệm vụ trọng tâm; các cấp ủy phải vào cuộc, lãnh đạo chỉ đạo; các cấp chính quyền tổ chức thực hiện; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, ban dân vận theo chức năng nhiệm vụ hỗ trợ, phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng với tinh thần “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; thực hiện 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, hậu cần tại chỗ; các nhà thầu chính phối hợp, kết hợp nhà thầu phụ tại địa phương thi công để phát huy lợi thế hiểu rõ điều kiện địa hình, điều kiện tự nhiên tại khu vực vừa tạo việc làm, vừa giúp doanh nghiệp địa phương trưởng thành, lớn mạnh; trong tương lai có thể tiếp tục tham gia triển khai các dự án lớn, quan trọng quốc gia qua các địa phương.

Thứ ba, chủ đầu tư, các đơn vị thi công thực hiện dự án phải nỗ lực không ngừng nghỉ, chủ động tích cực, bản lĩnh của ngành giao thông vận tải và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp ở cả Trung ương và địa phương, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, các nhà thầu chính tạo điều kiện, hợp tác để các doanh nghiệp, nhà thầu địa phương làm nhà thầu phụ để từng bước lớn mạnh, với tinh thần "chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển, cùng có niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".

Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng, giữa các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị bảo đảm khoa học, hiệu quả công việc; phải có chính kiến, không đùn đẩy né tránh.

Thứ năm, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm; xây dựng, phát động phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, kịp thời động viên, khen thưởng, tạo không khí hăng say làm việc, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; các cơ quan truyền thông, báo chí nỗ lực, làm tốt công tác tuyên truyền, khắc họa gương người tốt, việc tốt trên công trường, dự án, vận động người dân, tạo sự đồng thuận, đồng lòng triển khai Dự án. Phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham ô, tham nhũng.

2. Nhiệm vụ cụ thể

2.1. Các địa phương

a) Về chuẩn bị đầu tư

- Thành phố Hà Nội, Cao Bằng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, hoàn thành trước ngày 15 tháng 10 năm 2024.

- Các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Bình Dương bám sát kế hoạch đề ra, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để hoàn thành các thủ tục, sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình - Mộc Châu (hoàn thành trong tháng 10 năm 2024); Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định, Thái Bình theo phương thức PPP (phấn đấu hoàn thành tháng 10 năm 2024); Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo Nghị quyết của Chính phủ.

- Tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc ngày 04/9/2024, rà soát phương án đầu tư, sớm phê duyệt dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; hoàn thành trong tháng 10 năm 2024.

- Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các thủ tục đầu tư để sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

- Thành phố Hà Nội chủ trì tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

[...]