BỘ NGOẠI GIAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
43/2013/TB-LPQT
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 08 năm 2013
|
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại khoản
3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005,
Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định Văn hóa giữa Chính phủ nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Hy Lạp, ký tại
A-ten ngày 09 tháng 6 năm 2008, có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 8 năm 2013.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao
Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Ngự
|
HIỆP ĐỊNH
VĂN HÓA GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH
PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA HY LẠP
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Hy Lạp (sau đây gọi là "các
Bên");
Mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ
hợp tác văn hóa giữa Chính phủ và nhân dân hai nước trên cơ sở có đi có lại và
cùng có lợi;
Nhận thức được rằng việc hợp tác sẽ
góp phần thức đẩy mối quan hệ và hiểu biết lẫn nhau hơn giữa nhân dân hai nước;
Đã quyết định ký Hiệp định văn hóa
này với nội dung sau đây:
Điều 1.
1. Các Bên xúc
tiến việc hợp tác cũng như tạo cơ hội thích hợp cho các cuộc tiếp xúc trực tiếp
trong các lĩnh vực:
a. Ngôn ngữ và văn học, âm nhạc, xuất
bản, nghề thủ công, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác và các hoạt động
khác thuộc lĩnh vực văn hóa;
b. Giáo dục và nghiên cứu;
c. Truyền thông đại chúng;
d. Các hoạt động xã hội và thanh
niên;
e. Thể thao.
2. Để đạt được mục đích này, các Bên
khuyến khích và tạo điều kiện, trên cơ sở có đi có lại và cùng có lợi, các hoạt
động hợp tác đã nêu trên thông qua:
a. Trao đổi các triển lãm và trưng
bày các tác phẩm văn hóa và văn học, nghệ thuật;
b. Dịch và xuất bản các tác phẩm văn
học, nghệ thuật;
c. Giới thiệu các tác phẩm kịch, múa
và âm nhạc;
d. Cử đại diện tham gia các đại hội,
hội thảo, hội nghị, diễn đàn, liên hoan, các cuộc thi, các hội chợ sách và các
sự kiện văn hóa quốc tế khác được tổ chức tại mỗi nước;
e. Trao đổi chuyên gia và thông tin
cũng như phát triển hợp tác trong lĩnh vực lưu trữ, thư viện, lịch sử, bảo
tàng, khảo cổ, kiến trúc, hội họa, điêu khắc, văn học, văn nghệ dân gian, sân
khấu, âm nhạc, xuất bản và các lĩnh vực nghệ thuật liên quan khác;
f. Trao đổi trong lĩnh vực truyền
thông đại chúng;
g. Liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở
giáo dục các cấp.
Điều 2.
Các Bên khuyến
khích việc trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh, học giả, giáo viên, giảng viên,
các nhà nghiên cứu, các giáo sư, các cán bộ quản lý cũng như các chuyên gia
khác trong lĩnh vực giáo dục trên cơ sở phù hợp với các quy định của luật pháp
mỗi nước.
Điều 3.
Các bên, trên
cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật mỗi nước, sẽ trao đổi các học bổng
đại học, sau đại học cũng như nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo đại học trong
các lĩnh vực do Các bên thỏa thuận.
Điều 4.
Các Bên, phù hợp
với quy định của pháp luật mỗi nước, cố gắng khuyến khích và tạo điều kiện cho
việc học ngôn ngữ, văn học và văn hóa của nước kia.
Điều 5.
Phù hợp với quy
định của pháp luật mỗi nước, các Bên sẽ trao đổi thông tin và tài liệu nhằm
giúp các cơ quan có thẩm quyền công nhận các chứng chỉ, giấy chứng nhận, văn bằng
và các danh hiệu học hàm và học vị.
Điều 6.
Các Bên, phù hợp
với quy định của pháp luật mỗi nước, xúc tiến việc hợp tác cũng như khuyến
khích trao đổi đoàn và tiếp xúc giữa các cơ quan liên quan trong lĩnh vực điện ảnh,
phát thanh và truyền hình, báo chí và xuất bản.
Điều 7.
Các Bên, trên
cơ sở phù hợp với chính sách và quy định của pháp luật mỗi nước, xúc tiến việc
trao đổi thanh niên, hợp tác và tiếp xúc trực tiếp giữa các tổ chức thanh niên
hai nước.
Điều 8.
Các Bên khuyến
khích tiếp xúc trực tiếp và hợp tác trong lĩnh vực thể thao, giáo dục thể chất
giữa các tổ chức thể thao của mình.
Điều 9.
Các Bên khuyến
khích và tạo điều kiện, trên cơ sở cùng có lợi, trao đổi và hợp tác trong các
lĩnh vực khoa học lý thuyết và ứng dụng và tạo các cơ hội thích hợp cho việc tiếp
xúc trực tiếp giữa các viện và tổ chức khoa học, các cơ sở nghiên cứu và các
trường đại học cũng như là các cơ sở đào tạo sau đại học, các học giả, các nhà
nghiên cứu và các chuyên gia của hai nước. Các bên cũng đồng thời khuyến khích
các hoạt động chung trong các lĩnh vực chuyên ngành và chủ đề mà hai Bên cùng
quan tâm.
Nhằm thực hiện việc hợp tác khoa học,
các Bên sẽ chỉ định các cơ quan, tổ chức liên quan để xây dựng phương thức phù
hợp cho chương trình hoạt động chung dưới các hình thức dưới đây:
a. Thăm quan, khảo sát và tư vấn của
các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các chuyên gia khác;
b. Hợp tác và cùng thực hiện các
chương trình, dự án nghiên cứu và tiến hành trao đổi các kết quả nghiên cứu từ
các chương trình, dự án này;
c. Tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo
và hội nghị chung;
d. Trao đổi các tư liệu nghe nhìn
mang tính khoa học;
e. Tổ chức các cuộc triển lãm, trưng
bày khoa học;
f. Trao đổi các tài liệu, văn bản và
thông tin khoa học.
Điều 10.
Các Bên thúc đẩy
việc chủ động hợp tác trong các tổ chức quốc tế trên các lĩnh vực văn hóa, giáo
dục và khoa học.
Điều 11.
Để thực hiện
Hiệp định này, đại diện của các Bên sẽ họp luân phiên tại Việt Nam và Hy Lạp để
cụ thể hóa chương trình hoạt động cũng như các điều kiện về tài chính.
Điều 12.
Hiệp định này
có hiệu lực kể từ ngày phát hành thông báo cuối cùng của một Bên cho phía Bên
kia về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để Hiệp định có hiệu lực.
Điều 13.
Bất kỳ tranh
chấp hoặc bất đồng nào giữa các Bên nảy sinh từ hoặc liên quan đến việc thực hiện
hoặc giải thích Hiệp định này sẽ được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận giữa các
Bên thông qua đường ngoại giao.
Điều 14.
Hiệp định này
có thể được sửa đổi nếu có sự chấp thuận bằng văn bản của các Bên thông qua đường
ngoại giao.
Điều 15.
Hiệp định này
có hiệu lực trong thời hạn năm (5) năm và được mặc nhiên gia hạn từng năm (5)
năm một, trừ khi một trong hai Bên thông báo bằng văn bản cho phía Bên kia trước
sáu (6) tháng về ý định muốn chấm dứt Hiệp định này.
Hiệp định này được ký tại A-len, ngày
09 tháng 6 năm 2008, thành hai bản gốc, bằng tiếng Việt, tiếng Hy Lạp và tiếng
Anh. Tất cả các văn bản có giá trị pháp lý như nhau. Trong trường hợp có sự giải
thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG
BỘ VĂN HÓA - THỂ THAO - DU LỊCH
Huỳnh Vĩnh Ái
|
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA
HY LẠP
THỨ TRƯỞNG
BỘ NGOẠI GIAO
Theodoros Kassimis
|