Thông báo số 42/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 42/TB-VPCP
Ngày ban hành 14/03/2007
Ngày có hiệu lực 14/03/2007
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Quốc Huy
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 42/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2007

 

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HÀ GIANG

Ngày 10 và 11 tháng 02 năm 2007, sau khi thăm 4 huyện vùng cao, núi đá của tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thương mại, Ủy ban Dân tộc và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2006 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2007; ý kiến của các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

Về cơ bản đồng tình với báo cáo của Tỉnh và ý kiến phát biểu của các Bộ ngành, đồng thời nhấn mạnh:

I. VỀ ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Những năm qua, tuy là địa bàn khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và đồng bào các dân tộc Hà Giang đã có sự nỗ lực rất lớn, vượt qua khó khăn để đạt được những thành tựu tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội: tốc độ tăng trưởng GDP khá cao (11,1%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm 41,04%, giảm được 0,99% so với năm 2005; Công nghiệp - xây dựng chiếm 23,53%, tăng 0,44%; Thương mại - dịch vụ đạt 35,43%, tăng 0,55%. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đã được tập trung chỉ đạo để khắc phục những tồn tại và đảm bảo thực hiện đúng quy định. Vốn đầu tư được sử dụng đúng mục đích, có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả. Nhờ đó hạ tầng kinh tế - xã hội của Tỉnh ngày càng được cải thiện, nợ xây dựng cơ bản từng bước được giải quyết. Thu ngân sách trên địa bàn tăng so với năm trước; đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 3,5 triệu đồng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt; an ninh lương thực được đảm bảo, bình quân gần 400 kg lương thực/người/năm. Các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, chủ quyền lãnh thổ, biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và tăng cường, không có vụ việc phức tạp xảy ra. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp.

Chính phủ đánh giá cao và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực và những thành tích mà Đảng Bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đạt được trong những năm qua, nhất là năm 2006.

Tuy nhiên, Hà Giang còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhìn chung vẫn là một tỉnh nghèo, quy mô kinh tế còn quá nhỏ bé, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế (41,04%), sản xuất công nghiệp - xây dựng và các ngành dịch vụ tăng ở mức thấp, thu hút đầu tư còn hạn chế, thu ngân sách trên địa bàn thấp. Chất lượng nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao còn khó khăn, đặc biệt là nước sinh hoạt.

II. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:

Về cơ bản, đồng tình với báo cáo của Tỉnh về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2007 và những năm tiếp theo, trong đó nhấn mạnh: hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của Tỉnh còn lớn, chiếm trên 43%. Riêng huyện Đồng Văn hộ nghèo chiếm tới 69%. Do vậy để phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của Tỉnh, nhiệm vụ trọng tâm là phải tập trung vào đẩy mạnh phát triển sản xuất đi đôi với làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo.

Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2007 và những năm tiếp theo của Tỉnh là rất nặng nề. Nhưng phương hướng phát triển từng lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... của Tỉnh cũng đã tương đối rõ. Tỉnh cần phát huy những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay, cách làm phù hợp; đồng thời ra sức khắc phục những tồn tại, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; ban hành và hướng dẫn về thể chế; kiểm tra, giám sát thực hiện; cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế chính sách hiện hành để huy động tối đa các nguồn lực, đề nghị các Bộ, ngành tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp cho Hà Giang để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất và xóa đói giảm nghèo, cụ thể về hướng phát triển đối với một số ngành, lĩnh vực sau:

1. Về Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp:

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để tự lúc lương thực ở những nơi có điều kiện, cần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong đó cần tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc ăn cỏ và tập trung vào làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng để người dân có cuộc sống ổn định từ rừng, tiến tới làm giàu từ rừng và giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân.

Đối với 4 huyện vùng cao, núi đá (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) là các huyện khó khăn nhất của Tỉnh, cần có chương trình riêng để đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện đồng bộ các nội dung, nhưng trong đó tập trung vào 3 nội dung chính: một là phát triển sản xuất để tự túc lương thực ở những nơi có điều kiện; đồng thời, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc hàng hóa (trâu, bò, dê); hai là trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo vệ rừng để có thu nhập từ rừng và được hỗ trợ lương thực, chuyển đổi số diện tích rừng đủ điều kiện sang rừng kinh tế. Đối với việc giao bảo vệ và khoanh nuôi số rừng phòng hộ và rừng đặc dụng cho đồng bào được áp dụng chính sách như vùng Tây Nguyên (trợ cấp lương thực, Bộ Tài chính trợ cấp lương thực từ nguồn dự trữ quốc gia); ba là giải quyết nước sinh hoạt cho đồng bào.

Cùng với việc chủ động triển khai thực hiện của Tỉnh, các Bộ, ngành liên quan, theo chức năng nhiệm vụ, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, giúp đỡ Tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giải quyết nước sinh hoạt trên địa bàn toàn Tỉnh nói chung và 4 huyện vùng cao núi đá nói riêng. Trước hết cần làm tốt công tác qui hoạch, bố trí sản xuất, xây hồ chứa nước; rà soát điều chỉnh phân loại 3 loại rừng và đất lâm nghiệp, đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng và nhà nước đối với vùng khó khăn, biên giới, chính sách dân tộc, xóa đói giảm nghèo, chính sách di dân định canh định cư... trên cơ sở đó thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất, trồng và bảo vệ rừng, khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chính sách tín dụng và các dịch vụ sản xuất, đời sống và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân; gắn kết chặt chẽ các khâu từ nuôi trồng chế biến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm tăng thu nhập cho người dân.

2. Về công nghiệp: tiếp tục sắp xếp, bố trí lại sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của Tỉnh, nhất là về tài nguyên khoáng sản và phát triển thủy điện, chế biến nông lâm sản, phát triển tiểu thủ công nghiệp. Trên cơ sở qui hoạch thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản, quy hoạch phát triển thủy điện, phát triển khu công nghiệp được duyệt, Tỉnh chủ động và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan làm tốt công tác khuyến công, có chính sách thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh. Yêu cầu Bộ Công nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên mua điện của đơn vị, cá nhân đầu tư trên địa bàn Hà Giang. Bộ Công nghiệp và Tỉnh cần chú trọng sản xuất, chế biến nguyên liệu công nghiệp đảm bảo chất lượng, gia tăng giá trị thành phẩm, không xuất khẩu quặng thô và đặc biệt cần chú ý đến môi trường sinh thái. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với Tỉnh về việc phân cấp cho Tỉnh cấp phép khai thác mỏ.

3. Phát triển du lịch - dịch vụ: Hà Giang có lợi thế là Tỉnh có biên giới với Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu, cần phát triển du lịch, thương mại và các dịch vụ liên quan để tăng nguồn thu. Trước mắt, cần tăng cường quảng bá, kêu gọi các nhà đầu tư trong, ngoài Tỉnh và huy động các nguồn lực cùng tham gia đầu tư phát triển du lịch, thương mại và các dịch vụ liên quan; chú ý khi xây dựng cơ sở hạ tầng phải bảo vệ môi trường sinh thái, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.

4. Công tác giáo dục - đào tạo: Tỉnh muốn phát triển, phải có nguồn nhân lực, do đó phải quan tâm chỉ đạo phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực kể cả dạy nghề, xuất khẩu lao động.

5. Tăng cường công tác đối ngoại, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, trong đó tiếp tục thực hiện tốt công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; xây dựng biên giới hòa bình - hữu nghị - hợp tác và phát triển.

6. Chương trình cải cách hành chính, chống tham nhũng phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong năm 2007. Yêu cầu Tỉnh chỉ đạo cụ thể, quyết liệt để thực hiện cho được những yêu cầu đề ra, trong đó tập trung rà soát các qui trình, thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; giải quyết tốt khiếu nại tố cáo của công dân; xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật những trường hợp tham nhũng.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH:

1. Về Chương trình ổn định dân cư, xây dựng đường vành đai biên giới (quốc lộ 4D), xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ dạy nghề, đầu tư cho cửa khẩu Thanh Thủy, xây dựng hạ tầng huyện Quang Bình (mới thành lập), Tỉnh làm việc với các Bộ, ngành chức năng để xử lý theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5873/VPCP-ĐP ngày 13 tháng 10 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ.

2. Về 4 huyện vùng cao, núi đá (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc):

- Bố trí dân cư: đồng ý phương án bố trí dân cư tại địa phương, sắp xếp trong nội bộ từng thôn, bản, xã, huyện. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết.

- Giải quyết nước sinh hoạt cho đồng bào để ổn định cuộc sống: đồng ý việc xây 30 hồ chứa nước, mỗi hồ khoảng 2-3 tỷ đồng; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn để Tỉnh thực hiện trong năm 2007-2008. Việc triển khai đầu tư, xây dựng thực hiện theo qui định hiện hành.

3. Về đề án "Phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2010": Tỉnh xây dựng đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ.

4. Về cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đến các xã phía Đông huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và các xã phía Nam huyện Xín Mần, phía Đông huyện Hoàng Su Phì: đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết.

5. Về quy hoạch phát triển cửa khẩu của Tỉnh: đồng ý nâng cấp cửa khẩu Thanh Thủy thành cửa khẩu Quốc tế, giao Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao (Ban Biên giới Chính phủ) phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn tất các thủ tục theo quy định. Tỉnh lập quy hoạch phát triển cửa khẩu theo hướng đô thị thương mại, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, quy hoạch cần chi tiết, đồng bộ.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ