Thông báo 4/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 4/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 06/01/2020 |
Ngày có hiệu lực | 06/01/2020 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2020 |
Ngày 28 tháng 12 năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các đồng chí thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban An toàn giao thông (ATGT) 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia báo cáo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2019 và nhiệm vụ giải pháp năm 2020; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TTATGT NĂM 2019
1. Những kết quả nổi bật
Năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng nhanh chóng, trong năm có nhiều thời gian cao điểm về TTATGT, đặc biệt là có nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng đã tạo nên những thách thức lớn cho công tác bảo đảm TTATGT. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia, cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, công tác bảo đảm TTATGT năm 2019 đã thu được kết quả tích cực. Cụ thể:
- Lần đầu tiên kể từ năm 2014, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm trên 5% ở cả 3 tiêu chí (số người chết giảm 7,15%, số vụ TNGT và số người bị thương giảm trên 5% so với năm 2018). Năm 2019, số người chết do TNGT là 7.624 người, tương đương với số người chết của năm 2000, trong khi dân số tăng 16 triệu người, số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp 9 lần (năm 2000 có gần 7 triệu xe, năm 2019 có gần 63 triệu xe), số vụ TNGT do xe ô tô chở khách và thương vong đối với hành khách giảm sâu trong năm 2019.
- Sản lượng vận tải tăng cao (trên 10% đối với hành khách và trên 9% với hàng hoá), đặc biệt là trong các dịp cao điểm nhu cầu đều tăng so với năm 2018, nhưng chất lượng dịch vụ vận tải vẫn được bảo đảm.
Đạt được kết quả nêu trên là do các nguyên nhân sau:
- Ngay từ đầu năm Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia thường xuyên nắm bắt tình hình và chỉ đạo sát sao; đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về TTATGT 6 tháng đầu năm và chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm và những năm tiếp theo.
- Lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải (GTVT) và Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung xử lý đối với vi phạm về ma tuý và nồng độ cồn với trọng tâm là nhóm lái xe kinh doanh vận tải và người đi mô tô, xe máy; hành vi không đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.
- Ngành GTVT và các địa phương tập trung bảo đảm ATGT cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên đường bộ, thu hẹp, xoá lối đi tự mở qua đường sắt;
- Đội ngũ y bác sỹ cả nước đã nỗ lực rất lớn trong việc cứu chữa, kéo giảm thiệt hại về người do các vụ TNGT gây nên.
- Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; trong đó đẩy mạnh thực hiện giáo dục ATGT trong hệ thống nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, và trên mạng xã hội; tổ chức nhiều sự kiện truyền thông quy mô lớn, tạo sức lan toả trong xã hội, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tham gia giao thông của người dân; phong trào tự quản bảo đảm ATGT có tiến triển tốt.
- Nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt; xây dựng quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương trong bảo đảm TTATGT, điển hình như Lào Cai, Hưng Yên, Cà Mau, Kiên Giang, Hải Phòng; các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng trong phát triển GTVT và bảo đảm ATGT.
Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia biểu dương Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số người chết do TNGT giảm trên 10% là: Lai Châu, Kiên Giang, Bến Tre, Lào Cai, Cà Mau, An Giang, Hà Giang, Trà Vinh, Bắc Giang, Bạc Liêu, Yên Bái, Tây Ninh, Ninh Thuận, Cao Bằng, Sơn La, Đắk Nông, Bình Định, Sóc Trăng, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Lai Châu, Kiên Giang, Bến Tre, Lào Cai giảm trên 30% số người chết do TNGT.
2. Một số tồn tại, hạn chế
Mặc dù đạt được những kết quả nổi bật, nhưng tình hình TTATGT năm 2019 vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe kinh doanh vận tải, do lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên, trong khi vai trò chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch ATGT của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn rất hạn chế; tình trạng “xe dù, bến cóc” tăng mạnh, gây mất TTATGT; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân dẫn tới một số tồn tại nêu trên là do công tác quản lý nhà nước về GTVT còn hạn chế; hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT chưa cao; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm TTATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ; số lượng phương tiện cơ giới tham gia giao thông ngày càng gia tăng nhanh chóng; ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng vi phạm quy định về quy hoạch và xây dựng ảnh hưởng đến TTATGT còn diễn ra phổ biến, đặc biệt là dọc hành lang các tuyến quốc lộ trọng điểm và trong các đô thị lớn.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2020
Năm 2020 là năm về đích của nhiệm kỳ 2016 - 2020, kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh, đây cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, kỷ niệm 75 năm thành lập nước và 45 năm thống nhất đất nước, chắc chắn nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện giao thông sẽ tăng nhanh, trong khi các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm vẫn còn ở bước khởi động, tạo những thách thức rất lớn cho công tác bảo đảm TTATGT. Để tiếp tục kéo giảm TNGT và khắc phục ùn tắc giao thông trong năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy đã ban hành Kế hoạch Năm ATGT 2020 (số 666/KH-UBATGTQG ngày 30/12/2019) với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe” với mục tiêu giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết, số bị thương do TNGT so với năm 2019; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, đặc biệt là Kế hoạch Năm ATGT 2020; đồng thời chú trọng một số nhiệm vụ sau:
1. Ủy ban ATGT Quốc gia
- Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch Năm ATGT 2020 (số 666/KH-UBATGTQG) với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe” và các giải pháp bảo đảm TTATGT trong dịp Lễ, Tết và các thời điểm có tình hình TTATGT phức tạp.
- Phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp những bất cập về quy định của pháp luật, chính sách trong bảo đảm TTATGT để kiến nghị đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian sớm nhất.
- Phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, trọng tâm là Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tổ chức vận động các đơn vị kinh doanh rượu, bia thực hiện các hoạt động tuyên truyền kêu gọi “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; vận động các đơn vị văn hoá, nghệ thuật sáng tác, công bố các tác phẩm có giá trị về đề tài xây dựng văn hoá giao thông an toàn;
- Chủ trì tổng kết thực hiện Quyết định số 1586/QĐ-TTg ngày 24/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia bảo đảm ATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và xây dựng đề án Chiến lược Quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ 2030, tầm nhìn 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Bộ Giao thông vận tải
- Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến TTATGT đối với nhiệm vụ đã được giao; trong đó đặc biệt chú trọng Luật Giao thông đường bộ (thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008); lồng ghép mục tiêu và các giải pháp chiến lược về bảo đảm TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông vào các quy hoạch, chiến lược, đề án GTVT.