Thông báo số 38/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 38/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 06/03/2007 |
Ngày có hiệu lực | 06/03/2007 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Kiều Đình Thụ |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2007 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH THÁI NGUYÊN
Ngày 27/02/2007, tại thành phố Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Văn hoá-Thông tin, Tổng cục Du lịch và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch UBND Tỉnh báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2006, nhiệm vụ năm 2007 và một số đề nghị của Tỉnh; ý kiến bổ sung của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và ý kiến của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội; năm 2006, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt mức kế hoạch; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đây là sự cố gắng lớn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Tỉnh cần tiếp tục phát huy và cố gắng phấn đấu hơn nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Trong những năm tới, Tỉnh cần thấy được vị thế của vùng Việt Bắc đối với cả nước, cũng như vai trò của Thái Nguyên trong Vùng (Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị xác định Thái Nguyên là trung tâm của vùng Việt Bắc về y tế, giáo dục; là cái nôi của công nghiệp thép...), cần đón nhận cơ hội mới của đất nước để tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Để thực hiện được mục tiêu trên, Thái Nguyên cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Tập trung rà soát lại các chỉ tiêu đã đề ra của năm 2007 và cả giai đoạn 2006-2010, để bổ sung nhiệm vụ với yêu cầu cao hơn, tầm nhìn dài hơn. Nghiên cứu đưa ra cơ chế, chính sách thông thoáng, động viên mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 12%/năm.
2. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, cần nhanh chóng xây dựng các dự án cụ thể để huy động vốn, các nguồn lực trong và ngoài nước, kêu gọi nhiều hình thức đầu tư để thúc đẩy Thái Nguyên phát triển nhanh, tương xứng với tiềm năng.
3. Cần huy động mọi nguồn lực vào xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nhanh công nghiệp trên địa bàn, nhất là công nghiệp thép, đưa tỷ trọng ngành công nghiệp lên cao trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh.
4. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó ưu tiên công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, nhất là vùng ATK và coi việc nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương. Quan tâm hơn nữa sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giải quyết dứt điểm các vụ việc, đơn thư khiếu nại của công dân trên địa bàn. Đẩy mạng công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm; tích cực thực hiện cuộc vận động học tập đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010, đánh giá cụ thể những nội dung của Nghị quyết đã làm được và chưa làm được, xác định rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp cụ thể và cân đối nguồn lực tập trung hơn, báo cáo với Chính phủ quyết định nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra, xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm về y tế, giáo dục của Vùng.
2. Giao Bộ Văn hoá-Thông tin và Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Kạn rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch về đầu tư tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử kháng chiến của Chính phủ (ATK), quy hoạch du lịch, quy hoạch giao thông để hình thành một Khu du lịch quốc gia về lịch sử kháng chiến (ATK) liên hoàn gồm các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Kạn.
3. Giao Tổng cục Du lịch nghiên cứu đưa khu du lịch hồ Núi Cốc vào Quy hoạch du lịch trọng điểm quốc gia.
4. Đồng ý tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng các xã thuộc Chương trình 135 và kéo dài Chương trình đầu tư cho khu ATK để thực hiện nâng cao điều kiện thoát nghèo cho đồng bào vùng căn cứ kháng chiến; giao Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan thực hiện theo quy định.
5. Đồng ý chủ trương kéo dài đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn, giao Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đồng thời, đầu tư đồng bộ dự án tuyến tránh quốc lộ 3 và đường Quang Trung để phát huy hiệu quả.
Đồng ý mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 268 theo dự án Tỉnh đã phê duyệt từ nguồn vốn chương trình mục tiêu; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính xem xét và ứng trước kế hoạch năm 2008 của tỉnh Thái Nguyên để triển khai; Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo và giúp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn lập dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường này; thiết kế phải đáp ứng được yêu cầu mở rộng đường ở giai đoạn sau.
6. Đồng ý bố trí vốn đối ứng cho dự án thoát nước thải thành phố Thái Nguyên để xử lý ô nhiễm nguồn nước thải ra Sông Cầu; giao UBND tỉnh Thái Nguyên làm việc với các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư để xác định chính xác phương án và giải pháp kỹ thuật, tổng mức đầu tư để có căn cứ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
7. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu và báo cáo Chính phủ về dự án hồ Văn Lang, huyện Đồng Hỷ.
8. Về khoản nợ 100 tỷ đồng nguồn vốn Kho bạc Nhà nước, Tỉnh phải có trách nhiệm hoàn trả; giao Bộ Tài chính nghiên cứu giãn nợ cho Tỉnh khoản vay này với thời gian hợp lý để Thái Nguyên có điều kiện phát triển kinh tế.
9. Về đề nghị tiếp tục Chương trình mục tiêu phủ sóng truyền hình, Chương trình phát thanh tiếng dân tộc, Tỉnh làm việc cụ thể với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan để giải quyết cụ thể.
10. Đồng ý chủ trương thực hiện Chương trình cầu truyền hình giữa ba địa phương (Thái Nguyên - Quảng Trị - Thành phố Hồ Chí Minh) nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ; giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với 3 tỉnh, thành phố thực hiện.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để UBND tỉnh Thái Nguyên, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |