Thông báo 374/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước quy hoạch điện VI do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 374/TB-VPCP
Ngày ban hành 31/12/2009
Ngày có hiệu lực 31/12/2009
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

Số: 374/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2009

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC QUY HOẠCH ĐIỆN VI
(Phiên họp thứ bảy)

Ngày 21 tháng 12 năm 2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VI đã chủ trì phiên họp để kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch điện VI.

Tham gia cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước; đồng chí Thái Phụng Nê, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ; đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, các Tổng công ty: Lắp máy Việt Nam, Sông Đà.

Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch điện VI; các Tập đoàn và các Tổng công ty báo cáo bổ sung; ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VI và đại biểu tham dự họp; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VI kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Báo cáo của Bộ Công Thương đã đưa ra đầy đủ tình hình thực hiện các dự án nguồn và lưới điện truyền tải trong Quy hoạch điện VI. Các Tập đoàn, các Tổng Công ty đã có nhiều cố gắng, Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VI và các Bộ đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra tình hình thực hiện và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Qua mấy năm thực hiện Quy hoạch điện VI, ngành điện đã phát triển vượt bậc, trong hai năm gần đây, mỗi năm đưa vào khoảng 30.000 MW công suất điện mới, mùa khô năm 2009 không phải cắt điện do thiếu nguồn.

Tuy nhiên, mặc dù đã có sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo, cố gắng của các đơn vị, nhưng việc thực hiện phát triển nguồn và lưới điện vẫn đạt thấp. Nhiều dự án nguồn điện bị chậm, trong 40 dự án nguồn điện đang thi công có 7 dự án đã bị chậm khoảng 3 tháng, có 3 dự án chậm khoảng 6 tháng và 2 dự án chậm trên 9 tháng, trong đó có các dự án có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô năm tới là nhiệt điện Cẩm Phả I, Quảng Ninh I, Hải Phòng I và Sơn Động.

Dự kiến đến năm 2010, nguồn điện đạt khoảng 63% tổng công suất phê duyệt, lưới điện truyền tải thực hiện thấp hơn, đạt khoảng 50%, hiện tượng quá tải trong lưới điện truyền tải vẫn chưa được khắc phục.

Nguyên nhân chính bị chậm là do năng lực hạn chế của các khâu, từ chủ đầu tư đến nhà thầu, tư vấn; về cơ chế, chính sách trong chuẩn bị đầu tư và đầu tư cũng còn những bất cập. Công tác chạy thử, hiệu chỉnh các dự án nhiệt điện thường bị kéo dài hơn nhiều so với dự kiến, nhất là các nhà máy nhiệt điện đốt than khu vực miền Bắc.

An ninh năng lượng vẫn là một trong những thách thức lớn của đất nước, có thể xuất hiện nguy cơ thiếu điện trong những năm tới, nếu không có các giải pháp khắc phục kịp thời, trong đó cần giải quyết được ba vấn đề cơ bản trong quá trình phát triển của ngành điện là vốn đầu tư, giá bán điện và cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.

Các Bộ, ngành phải cùng các doanh nghiệp trong ngành điện tháo gỡ các khó khăn để thực hiện được tiến độ đưa vào vận hành và khởi công các dự án nguồn điện năm 2009 – 2010 trong các Phụ lục kèm theo.

II. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN

1. Bộ Công Thương

- Chỉ đạo, đôn đốc việc lập Quy hoạch điện VII, hoàn thành trong năm 2010. Trong đó, quy hoạch phát triển lưới điện cần thiết kế những đường dây nhiều mạch để tiết kiệm hành lang lưới điện. Trong quá trình thực hiện cần có các báo cáo trung gian, xin ý kiến của các chuyên gia, các Bộ, ngành.

- Chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam lập Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam, tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III năm 2010.

- Nghiên cứu ban hành Quy định về lưới điện truyền tải và Quy định về lưới điện phân phối làm cơ sở cho việc thiết kế lưới điện phù hợp với phát triển của hệ thống điện Việt Nam trong tương lai.

- Lập kế hoạch triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội: số 40/2009/QH12 về chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Lai Châu và số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập Dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, trình duyệt theo quy định.

- Hoàn thiện hồ sơ theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt:

+ Báo cáo định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.

+ Báo cáo Quy hoạch các địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.

- Chủ trì, phối hợp với các Tập đoàn: Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo nhập khẩu than cho các dự án điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành Quy định về tính giá bán điện theo cơ chế thị trường.

- Trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế thực hiện của các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 để có thể khởi công đúng tiến độ.

- Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết liên quan đến việc đổi tên Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 thành Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để bố trí cảng than của Trung tâm điện lực Duyên Hải phù hợp với quy hoạch của kênh Quan Chánh Bố để không phải xây dựng thêm đê chắn sóng.

- Khẩn trương thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án cấp bách và cơ chế thực hiện dự án lưới điện trên địa bàn thành phố Hà Nội để đảm bảo cấp điện trong đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

[...]