Thông báo 106/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước quy hoạch điện VI do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 106/TB-VPCP
Ngày ban hành 28/04/2010
Ngày có hiệu lực 28/04/2010
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 106/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC QUY HOẠCH ĐIỆN VI

(Phiên họp thứ tám)

Ngày 13 tháng 4 năm 2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VI đã chủ trì cuộc họp để kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch điện VI. Tham gia cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước; đồng chí Thái Phụng Nê, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo và đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Xây dựng Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam.

Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch điện VI; các Tập đoàn và Tổng công ty báo cáo bổ sung; ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VI và đại biểu tham dự họp; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VI kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Việc thực hiện các dự án nguồn và lưới điện truyền tải trong Quy hoạch điện VI đã được các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện ngay sau khi Đề án được phê duyệt. Các Tập đoàn, Tổng Công ty đã có nhiều cố gắng trong phát triển các công trình điện, các Bộ đã quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện phát triển nguồn và lưới điện vẫn đạt thấp, so với Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tổng công suất các nguồn điện đưa vào trong giai đoạn 2006 - 2010 là gần 10.000 MW, đạt 67%; Việc triển khai thực hiện các dự án nguồn điện không đảm bảo tiến độ so với yêu cầu đặt ra làm cho việc đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2013 - 2015 và những năm sau gặp khó khăn. Khối lượng thực hiện các công trình lưới điện truyền tải cũng đạt thấp, hiện tượng quá tải trong lưới điện truyền tải vẫn chưa được khắc phục.

Kết quả triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII đã chỉ ra rằng yêu cầu phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân chỉ có thể thực hiện được khi các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tập trung, quyết liệt và trách nhiệm hơn. Để thực hiện được vấn đề này các Bộ, cơ quan phải cùng các doanh nghiệp trong ngành điện tháo gỡ các khó khăn để thực hiện được tiến độ đưa vào vận hành và khởi công các dự án nguồn điện giai đoạn 2010 - 2011 (Phụ lục kèm theo).

II. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN

1. Bộ Công Thương 

- Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chức năng, nhiệm vụ và thành phần Ban Chỉ đạo nhà nước về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Thành phần Đoàn đàm phán Hiệp định liên Chính phủ với Liên bang Nga về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 .

- Bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ về Định hướng quy hoạch phát triển các Nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và Quy hoạch địa điểm xây dựng các Dự án nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.

- Tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư tiềm năng lập Quy hoạch địa điểm các Trung tâm điện lực làm cơ sở xem xét phát triển các công trình nguồn điện trong Quy hoạch điện VII.

- Làm việc với các cơ quan có liên quan để sớm có kết luận về địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực Hải Phòng 3 .

- Nghiên cứu sự cần thiết, công nghệ và thời gian đầu tư xây dựng của nhà máy điện Ô Môn V.

- Hướng dẫn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tính toán quy đổi tổng mức đầu tư các dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú I, Thái Bình II về mặt bằng giá năm 2006, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định.

- Thường xuyên kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ thực hiện của các dự án BOT, IPP; các dự án không thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển sang cho chủ đầu tư khác.

- Đồng ý giao Bộ Công Thương tổ chức thẩm tra, phê duyệt dự án đầu tư của các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT.

- Tổ chức lập Dự án đầu tư nhà máy điện Ô Môn 2 làm cơ sở cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án.

- Chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị liên quan xác định nguồn than, bảo đảm cân đối cung cầu than theo vùng than, theo loại than và các hộ sử dụng than theo nguyên tắc ưu tiên cho nhu cầu trong nước, các nhà máy điện gần mỏ sử dụng than chất lượng thấp, các nhà máy ở xa ưu tiên sử dụng than có chất lượng tốt hơn để giảm chi phí vận chuyển than, nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế quốc dân.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan bảo đảm các điều kiện tích nước hồ chứa thủy điện Sơn La vào đầu tháng 5 năm 2010.

- Hướng dẫn các chủ đầu tư việc bàn giao mặt bằng của các Dự án nhiệt điện dùng chung cơ sở hạ tầng trong các Trung tâm điện lực; hướng dẫn việc phân chia, chi trả vốn đầu tư và chi phí vận hành hàng năm các hạng mục dùng chung trong các Trung tâm điện lực.

- Chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2010. Xem xét cho phép trưng dụng tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh trước khi hoàn thành công tác nghiệm thu bàn giao.

- Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đầu tháng 5 năm 2010 quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường.

- Tổ chức lập, thẩm định và xem xét phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo cung cấp điện ổn định, lâu dài, phù hợp với quy hoạch đô thị của các thành phố.

- Chỉ đạo Tập đoàn Điện Việt Nam và các Tổng công ty Điện lực thực hiện xây dựng các dự án lưới điện đồng bộ với tiến độ đưa vào vận hành của các dự án nguồn điện do các đơn vị ngoài Tập đoàn đầu tư.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

[...]