Thông báo 362/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị triển khai “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020” và tổng kết 4 năm thực hiện dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016” do Văn phòng chính phủ ban hành

Số hiệu 362/TB-VPCP
Ngày ban hành 16/08/2017
Ngày có hiệu lực 16/08/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 362/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2020” VÀ TỔNG KẾT 4 NĂM THỰC HIỆN DỰ ÁN “TỔNG ĐIỀU TRA, KIỂM KÊ RỪNG TOÀN QUỐC GIAI ĐOẠN 2013-2016”

Ngày 20 tháng 7 năm 2017, tại Thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị triển khai “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020” và tổng kết 4 năm thực hiện dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016”. Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; đại diện Ban kinh tế Trung ương, Bộ Tư pháp, Tổng cục thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; một số đơn vị báo, đài và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Về kết quả thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng ngành Lâm nghiệp phát triển bền vững luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những giải pháp tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả nhất để tăng cường tính chống chịu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển, đồng thời ổn định cuộc sống của người dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Sau 6 năm thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị quyết số 18/2011/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể:

- Giá trị, sản lượng, hiệu quả từ sản xuất lâm nghiệp tăng cao hơn trước: Tốc độ tăng trưởng bình quân của sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 6,57%/năm trong giai đoạn 2013-2016 so với 5,03%/năm trong giai đoạn 2010-2012; 06 tháng đầu năm 2017, tăng 5,29%, ước cả năm đạt khoảng 6,6%; sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng hơn 2 lần.

- Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần, diện tích rừng bị thiệt hại giảm từ 5.546 ha/năm giai đoạn 2006-2010 xuống 2.948 ha/năm giai đoạn 2012-2016; công tác trồng, rừng được triển khai tích cực, bình quân hàng năm trồng được 225 nghìn ha rừng tập trung; năng suất rừng trồng tiếp tục được cải thiện; diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 225 nghìn ha; xuất hiện nhiều mô hình hợp tác, liên kết giữa công ty chế biến, sản xuất sản phẩm đồ gỗ với người trồng rừng trồng rừng gỗ lớn có chứng nhận quản lý rừng bền vững. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,7% năm 2012 lên 41,19% năm 2016, năm 2017 ước đạt khoảng 41,45%.

- Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng.

- Cơ cấu sử dụng đất lâm nghiệp có sự chuyển dịch, theo đó, các tổ chức nhà nước quản lý giảm từ 80,1% năm 2000 xuống 45,2% năm 2015; diện tích do thành phần kinh tế ngoài nhà nước quản lý tăng từ 19,9% năm 2000 lên 54,8% năm 2015, hộ gia đình, cá nhân được giao 3,146 triệu ha.

- Hệ thống văn bản quy phạm, pháp luật, các cơ chế, chính sách được hoàn thiện hơn, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đang được sửa đổi, thể chế hóa kịp thời chủ trương xã hội hóa nghề rừng; tái cơ cấu lâm nghiệp, quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên, phát triển bền vững, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được nêu trên, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2016 cũng còn một số tồn tại, chủ yếu, như:

- Công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ (Kon Tum; Đắk Lắk; Quảng Nam; Mường Nhé - Điện Biên).

- Kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng thay thế còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch.

- Năng suất, chất lượng rừng thấp, đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm (80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo), giá trị thu nhập trên 1 ha rừng còn thấp, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập, đời sống rất khó khăn.

- Chất lượng nhiều loại sản phẩm lâm nghiệp còn chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp; kết cấu hạ tầng phục vụ chế biến kém phát triển, chưa phát triển mạnh thị trường nội địa.

- Công tác đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; phần lớn các công ty lâm nghiệp chưa được tự chủ kinh doanh, không có nguồn tài chính ổn định; trách nhiệm của chủ rừng chưa gắn với kết quả bảo vệ rừng, chưa phân định rõ sản xuất kinh doanh với việc thực hiện nhiệm vụ công ích.

2. Về Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016” theo Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Dự án đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung yêu cầu đề ra tại 60 tỉnh có rừng; đã huy động được nguồn lực từ trung ương đến địa phương để thực hiện, ứng dụng công nghệ viễn thám và công nghệ thông tin để điều tra, kiểm kê rừng, làm tăng độ chính xác, tiết kiệm các nguồn lực; năng lực, trình độ của cán bộ được cải thiện; nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao.

- Dự án đã tạo được bộ dữ liệu đầy đủ về rừng và chủ rừng đến từng lô rừng với độ tin cậy cao, thống nhất giữa bản đồ và số liệu, giải quyết nhiều bất cập của dữ liệu về rừng nhất là về ranh giới, chủ rừng, diện tích, trữ lượng... làm cơ sở giải quyết những tồn tại trong quản lý rừng và đất lâm nghiệp, rà soát quy hoạch 3 loại rừng, giao đất giao rừng, theo dõi diễn biến rừng, nghiệm thu và thanh toán chi trả dịch vụ môi trường rừng; là nguồn dữ liệu quan trọng phục vụ lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển Lâm nghiệp.

Bên cạnh những ưu điểm chủ yếu nêu trên, Dự án tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc vẫn còn một số tồn tại, khó khăn:

- Thời gian tiến hành điều tra, kiểm kê rừng kéo dài (4 năm). Rừng thường xuyên biến động, việc kéo dài thời gian điều tra, kiểm kê làm giảm độ tin cậy đối với kết quả thực hiện. Tiến độ của dự án chậm so với quy định.

- Ảnh vệ tinh độ phân giải cao theo yêu cầu điều tra rừng không đồng bộ về thời gian, loại ảnh, làm phát sinh thêm thời gian, công thu thập thông tin hiện trường để xây dựng mẫu khóa ảnh. Đặc biệt là với nguồn ảnh VNRedSat-1.

- Ranh giới quy hoạch 3 loại rừng, ranh giới giao đất cho các chủ rừng, ranh giới của một số đơn vị hành chính đã được điều chỉnh ngoài thực tế nhưng chưa được thể hiện trên bản đồ, làm tăng khối lượng kiểm kê rừng.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong giai đoạn tới, nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; tiếp tục thực hiện tốt Chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006 - 2020, Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; triển khai Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16 tháng 6 năm 2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 42%, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,5% đến 6,0%/năm, nâng cao năng suất rừng trồng bình quân lên 20 m3/ha/năm, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng từ 8,0 đến 8,5 tỷ USD; đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng: Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta phải thực hiện được 03 nhiệm vụ chủ yếu là: Thứ nhất là bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; thứ hai là phải phát triển và nâng cao năng suất của rừng; và thứ ba là nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm lâm nghiệp.

[...]