Thông báo 339/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương ngày 26 tháng 8 năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 339/TB-VPCP
Ngày ban hành 22/09/2020
Ngày có hiệu lực 22/09/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 339/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN ỦY BAN QUỐC GIA VỀ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ VỚI CÁC BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ, CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG NGÀY 26 THÁNG 8 NĂM 2020

Ngày 26 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (sau đây gọi tắt là Ủy ban) với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban, các đồng chí thành viên Ủy ban, các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác giúp việc Ủy ban.

Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình phát triển Chính phủ điện tử và kết quả xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020 theo đánh giá của Liên Hợp quốc, tham luận của Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bình Phước, Đồng Tháp, Nghệ An; ý kiến phát biểu của các đại biểu, ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban đã kết luận như sau:

1. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã từng bước khống chế được dịch bệnh trong khi vẫn bảo đảm được ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy, tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ số để góp phần cùng toàn xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam đã được thế giới đánh giá là điểm sáng, qua đó nâng cao vị thế của đất nước, biến nguy thành cơ, tạo đà tiếp tục phát triển.

Biểu dương các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty cổ phần Bkav... đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng chống dịch, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh, truy vết tiếp xúc của người nhiễm bệnh như Bluezone, Ncovi...

2. Trước đây việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm và chưa có nhiều kết quả. Thời gian gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, việc xây dựng Chính phủ điện tử đã được đây mạnh, tích cực hơn, nhiêu công nghệ mới được áp dụng trong quá trình triển khai. Thêm vào đó, có các doanh nghiệp công nghệ đóng vai trò quan trọng, chung sức cùng Chính phủ trong công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và chuyển đổi số ở Việt Nam.

Công tác thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử được tiếp tục quan tâm, tăng cường, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định quan trọng như Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; các nền tảng Chính phủ điện tử được phát triển nhanh, trong đó nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển nhanh chóng và hình thành theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, các hệ thống an toàn thông tin tiếp tục được cải thiện mạnh với số lượng Trung tâm điều hành và giám sát an toàn an ninh cấp bộ, cấp tỉnh tăng 5,2 lần so với tháng 02 năm 2020; các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp đạt 15,9%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, Công Dịch vụ công quốc gia ngày càng tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã đi vào nền nếp, với tỷ lệ đạt 88,5% (sát với mục tiêu năm 2020 là 90%), có trên 2,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được khai trương ngày 19 tháng 8 năm 2020. Bộ máy chỉ đạo điều hành về Chính phủ điện tử các cấp tiếp tục được kiện toàn, Ủy ban được mở rộng chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh, các Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại các bộ, ngành, địa phương cũng đang được mở rộng chức năng, nhiệm vụ tương ứng.

Sau khi Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một số bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có văn bản hướng dẫn Khung chương trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Việt Nam đã dân làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông có sáng kiến hay, hàng tuần tổ chức lễ ra mắt các nền tảng để tôn vinh, quảng bá các sản phẩm Việt Nam, đến nay đã có hàng chục nền tảng được ra mắt.

Bên cạnh đó, xuất hiện các cách làm mới có thể nhân rộng để đẩy nhanh triển khai Chính phủ số, chuyển đổi số như mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc, dùng thử, trải nghiệm các ứng dụng công nghệ mới, khi có hiệu quả triển khai chính thức ngay; phát triển các ứng dụng Chính phủ điện tử dựa trên mô hình nền tảng dùng chung để rút ngắn thời gian, chi phí triển khai, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu; dành tỷ lệ chi thích đáng từ ngân sách nhà nước cho công nghệ thông tin để bảo đảm ngưỡng đầu tư phát huy hiệu quả (như tỉnh Bình Phước đã chi hơn 1% từ ngân sách nhà nước cho công nghệ thông tin).

Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc, xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam tăng 02 bậc so với năm 2018 (xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ). Trong đó, chỉ số thành phần về hạ tầng viễn thông tăng mạnh 31 bậc, chỉ số thành phần về nhân lực được cải thiện 3 bậc, chỉ có Chỉ số Dịch vụ trực tuyến giảm 22 bậc, tuy nhiên việc khảo sát, đánh giá dịch vụ công trực tuyến của Liên Hợp Quốc được thực hiện trước tháng 9 năm 2019, thời điểm Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa khai trương và từ đó đến nay số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã tăng mạnh.

3. Mặc dù vậy, vẫn còn những tồn tại chưa được khắc phục nhanh như môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện, một số Nghị định quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử chưa được ban hành; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp, 08 bộ, 25 địa phương có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 dưới 10% (đây là con số đáng báo động, nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020); một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử triển khai chậm, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai; vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, thường không đạt ngưỡng 10% ngân sách chi cho công nghệ thông tin; việc triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia của các bộ, ngành, địa phương chưa được thúc đẩy mạnh mẽ, đến nay chỉ có một vài bộ, địa phương bắt đầu xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số của riêng mình.

4. Để phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

a) Về thể chế, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử

- Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2020.

- Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử trong Quý III năm 2020.

- Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong Quý III năm 2020, bảo đảm phù hợp xu thế phát triển của thế giới và đặc thù của Việt Nam.

b) Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến

- Các Bộ, ngành, địa phương:

+ Khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, theo hướng sử dụng các nền tảng dùng chung để tiết kiệm chi phí, thời gian, phấn đấu năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Hàng tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, địa phương để đôn đốc triển khai.

+ Tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

+ Thực hiện kết nối Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện từ cấp bộ, cấp tỉnh với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyên do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, quản lý để đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần có phương án rõ ràng, bảo đảm không ách tắc, tránh lãng phí.

- Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm đáp ứng các mục tiêu Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc kết nối Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, quản lý.

c) Về triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia

- Bộ Công an khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến tháng 7 năm 2021 đưa vào khai thác sử dụng chính thức trên toàn quốc.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thực hiện cách làm mới để đẩy nhanh tiến độ triển khai, khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia trong tháng 7 năm 2021.

d) Về các nền tảng, hạ tầng Chính phủ số

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ