Thông báo 3170/TB-BNN-VP về ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2009 - 2010, triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, vụ Mùa 2010” các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3170/TB-BNN-VP
Ngày ban hành 04/06/2010
Ngày có hiệu lực 04/06/2010
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Minh Nhạn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3170/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ “SƠ KẾT SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG XUÂN 2009 - 2010, TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH VỤ HÈ THU, VỤ MÙA 2010” CÁC TỈNH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VÀ BẮC TRUNG BỘ

Ngày 2/6/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến “Sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2009 - 2010, triển khai kế hoạch vụ Hè Thu, vụ Mùa 2010” các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì hội nghị trực tuyến. Tham dự gồm: đại diện một số Cục, Vụ, Trung tâm, Viện nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện lãnh đạo Sở và các bộ phận trực thuộc của 16 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra. Hội nghị đã nghe báo cáo của Cục Trồng Trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Thủy lợi; các tham luận của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm và một số Sở Nông nghiệp &PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận Hội nghị như sau:

1. Đánh giá tình hình sản xuất lúa Đông Xuân 2009 - 2010.

- Vụ sản xuất Đông Xuân 2009 - 2010 là vụ gặp nhiều khó khăn do nắng nóng, khô hạn, dịch bệnh lùn sọc đen phát sinh trên diện rộng, thị trường tiêu thụ nông sản khó khăn. Xác định khó khăn ngay từ đầu vụ, toàn ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương đã bám sát tình hình sản xuất, chỉ đạo quyết liệt và đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời nên vụ lúa Đông xuân 2009 - 2010 được đánh giá là vụ được mùa. Năng suất bình quân vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đạt trên 61 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn thóc.

- Diễn biến thời tiết từ nay đến cuối vụ còn phức tạp, đặc biệt mưa có chiều hướng tăng, các địa phương cần chỉ đạo nông dân tranh thủ thu hoạch những diện tích lúa đã vào chín để tránh giảm năng suất.

2. Đối với sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa 2010.

- Cơ cấu trà lúa: Các địa phương cần mở rộng diện tích trà mùa sớm, sử dụng các giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh, đặc biệt đối với rầy nâu và bệnh bạc lá, giống lúa có năng suất chất lượng gạo cao để có đủ diện tích mở rộng trồng cây vụ đông sớm, tăng hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích.

- Cơ cấu cây trồng: Trong điều kiện nóng, hạn, nguồn hạt giống lúa hai lai hạn chế, giá giống cao nên các địa phương cân nhắc điều chỉnh cơ cấu cây trồng, chuyển đổi một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu vụ Hè thu, đặc biệt phát triển các loại cây trồng có nhu cầu cao trong nước như ngô, đậu tương, cây thức ăn chăn nuôi để đa dạng hóa sản phẩm, dễ tiêu thụ và tăng hiệu quả kinh tế.

- Hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh lùn sọc đen trên lúa: Nguy cơ bùng phát dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa trong vụ Hè thu, vụ Mùa là rất lớn, các địa phương cần thực hiện tốt Thông tư số 17/2010/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa. Tổng kết và phổ biến rộng những kinh nghiệm phòng trừ bệnh lùn sọc đen từ khâu làm mạ, gieo cấy đến thu hoạch theo hướng phòng bệnh là chính. Từ kinh nghiệm thực tế các địa phương cho thấy việc xử lý hạt giống, phun thuốc nội hấp trừ rầy cho mạ trước khi cấy có tác dụng phòng chống bệnh cao cần phổ biến áp dụng.

- Chủ động phòng chống thiên tai trong vụ Mùa: Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ Mùa năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán đầu vụ và mưa, úng, bão cuối vụ nên các địa phương cần chủ động ứng phó, có phương án đề phòng và sẵn sàng đối phó kịp thời nếu thiên tai xảy ra.

- Hướng dẫn nông dân áp dụng các Tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa để giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế.

3. Tổ chức thực hiện

- Cục Bảo vệ thực vật phối hợp cùng Viện Bảo vệ thực vật thông tin chi tiết về tình hình gây hại và ban hành hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen, lùn xoắn lá trên lúa để các tỉnh nắm rõ và chỉ đạo phòng trừ hiệu quả.

- Cục Trồng trọt đẩy nhanh tiến độ xem xét công nhận giống cây trồng mới và các tiến bộ kỹ thuật để khuyến cáo cho sản xuất, xây dựng VIETGAP áp dụng cho lúa vùng đồng bằng sông Hồng. Trong tháng 7/2010 phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) tổ chức Hội nghị giới thiệu và phổ biến các giống cây trồng cho sản xuất vụ Đông 2010.

- Các Viện nghiên cứu cây trồng giới thiệu những giống cây trồng mới, kỹ thuật canh tác mới, xây dựng các mô hình điểm để khuyến cáo các địa phương áp dụng trên diện rộng.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tham mưu thực hiện tốt Quyết định 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; xây dựng và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt cơ chế chính sách hỗ trợ khâu phòng sâu bệnh hại, trước mắt hỗ trợ 100% chi phí thuốc xử lý hạt giống, phòng trừ rầy trên mạ ở những nơi có nguy cơ cao.

Văn phòng Bộ thông báo để các đơn vị biết, phối hợp và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- BT Cao Đức Phát (để báo cáo);
- TT Bùi Bá Bổng (để báo cáo);
- Sở NN&PTNT các tỉnh BTB&ĐBSH;
- Tổng cục thủy lợi;
- Cục: TT, BVTV, vụ KH-CNMT;
- Viện: KHNNVN, CLT-CTP;
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Minh Nhạn