Thông báo 315/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 315/TB-VPCP
Ngày ban hành 09/08/2023
Ngày có hiệu lực 09/08/2023
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Thị Thu Vân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 315/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI HỘI NGHỊ VỀ XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI BẮC HƯNG HẢI

Ngày 25 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Hệ thống Bắc Hưng Hải). Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, đại diện các Bộ, cơ quan: Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Xây Dựng, Công Thương, Thanh tra Chính phủ; đại diện các cơ quan: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo, đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương; đại diện một số đơn vị là chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có hoạt động xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải; đại diện một số doanh nghiệp tiêu biểu có năng lực trong xử lý nước thải sinh hoạt và các cơ quan thông tấn, báo chí. Sau khi nghe Báo cáo về tình hình, kết quả xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải do lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày; báo cáo của các Bộ: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận như sau:

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đã được Đảng, Quốc Hội, Chính phủ hết sức quan tâm trong đó có công tác BVMT hệ thống Bắc Hưng Hải. Hệ thống Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi có vai trò rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dân sinh) cho 04 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương, nhưng nhiều năm qua đã trở thành điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường. Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành và địa phương, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở trên địa bàn đã được tăng cường, đặc biệt lực lượng cảnh sát môi trường dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã triển khai nhiều đợt ra quân, thực hiện cao điểm kiểm tra, nhiều hành vi vi phạm pháp luật BVMT được phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định; việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật BVMT đã được quan tâm; hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT được đẩy mạnh; cơ chế, chính sách, pháp luật, chế tài về BVMT đã dần được hoàn thiện; chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải thời gian gần đây đã được cải thiện, mức độ ô nhiễm có xu hướng giảm hơn. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng ô nhiễm vào mùa khô; một số đoạn sông, kênh rạch có mức độ ô nhiễm đã vượt quá ngưỡng chịu tải của môi trường, chất lượng nước vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt phục vụ cho mục đích tưới tiêu nông nghiệp. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nước thải sinh hoạt tại khu đô thị, khu dân cư tập trung và dân cư nông thôn phần lớn không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung nên đang xả trực tiếp ra môi trường; hầu hết các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; những tháng mùa khô trong năm, nguồn nước bổ cập cho hệ thống Bắc Hưng Hải còn thiếu; ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của một bộ phận doanh nghiệp, người dân còn thấp...

Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hệ thống Bắc Hưng Hải; cải tạo phục hồi môi trường, hệ sinh thái cảnh quan các đoạn sông ô nhiễm; trả lại môi trường ban đầu, vốn có của hệ thống Bắc Hưng Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương phải có quyết tâm chính trị cao hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ. Trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như sau:

I. Các giải pháp, nhiệm vụ chung

1. Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về quy hoạch

Tập trung hoàn thành quy hoạch 04 tỉnh, thành phố trên hệ thống Bắc Hưng Hải; trong đó, lồng ghép, tích hợp các quy hoạch có liên quan, xác định rõ các khu xử lý chất thải rắn và hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch BVMT chuyên ngành quốc gia theo quy định. Bố trí đủ quỹ đất để thực hiện hạ tầng kỹ thuật BVMT theo quy hoạch được phê duyệt.

2. Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về hoàn thiện cơ chế, chính sách

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải tập trung.

- Rà soát toàn bộ các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) chuyên ngành liên quan đến nước thải, thoát nước; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành QCVN về nước thải sau xử lý dùng cho mục đích sử dụng khác nhau, trong đó có mục đích sử dụng để bổ cập nguồn nước cho các sông, kênh, mương,... giúp duy trì dòng chảy, giảm thiểu, cải thiện ô nhiễm môi trường nước.

3. Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về BVMT

- Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng yêu cầu QCVN về nước thải cho phép trước khi thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

- Đầu tư các hệ thống quan trắc nước thải, nước mặt tự động, liên tục, nhất là đối với các nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn trên hệ thống Bắc Hưng Hải. Dữ liệu quan trắc môi trường phải được truyền, cập nhật, lưu trữ về các cơ quan có thẩm quyền liên quan để khai thác, sử dụng theo quy định.

4. Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải

- Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung quản lý các nguồn thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và giám sát nguồn thải.

- Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch quản lý, kiểm soát, giám sát đối với từng nguồn thải theo nguyên tắc cấp nào, đơn vị nào phê duyệt, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn thải (giấy phép môi trường) thì cấp đó, đơn vị đó phải quản lý, kiểm soát, giám sát được nguồn thải đã cấp phép.

- Kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về BVMT, đặc biệt là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt QCVN về nước thải cho phép trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

5. Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường

Tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào Hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh thuộc hệ thống; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, đình chỉ hoạt động xả thải và yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện, các công trình xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu về BVMT theo quy định.

6. Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT

- Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT, đặc biệt là các quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để mỗi doanh nghiệp, người dân đều nắm các được quy định của pháp luật về BVMT, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong BVMT.

- Tuyên truyền, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, cộng đồng dân cư trong việc chung tay cùng BVMT; kiên quyết đấu tranh, không để các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường Hệ thống Bắc Hưng Hải diễn ra trên địa bàn.

II. Các nhiệm vụ cụ thể

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “một số giải pháp cấp bách tăng cường, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông”, đặc biệt là các sông chảy qua các đô thị, thành phố lớn như hiện nay, điển hình là hệ thống Bắc Hưng Hải, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong quý 3 năm 2023. Lựa chọn hệ thống Bắc Hưng Hải là mô hình thí điểm để xử lý và có phương án, giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường các sông chảy qua các đô thị, thành phố lớn trên cả nước.

- Trong quá trình lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 04 tỉnh, thành phố trên hệ thống Bắc Hưng Hải rà soát nội dung quy hoạch cấp tỉnh, đảm bảo các hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung được tích hợp trong quy hoạch cấp tỉnh theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt Hệ thống Bắc Hưng Hải theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2020.

[...]