Thông báo 300/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 300/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 14/08/2020 |
Ngày có hiệu lực | 14/08/2020 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 300/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2020 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Chiều ngày 12 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lạng Sơn, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Thanh Hóa (dự họp trực tuyến tại các điểm cầu của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố).
Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Từ khi xuất hiện trở lại các ca nhiệm bệnh COVID-19 trong cộng đồng, với chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế, các lực lượng chức năng, nhất là các địa phương như Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… đều đã bình tĩnh, căn cơ, cương quyết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: phát hiện sớm, khoanh vùng cách ly kịp thời, truy vết nhanh, xét nghiệm trên diện rộng, điều trị tích cực. Trong đó, đã phát huy tổng lực của từng địa bàn và của trung ương; có sự phối hợp tốt giữa trung ương và các địa phương; Đồng chí Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã kịp thời điều phối nguồn lực hỗ trợ nhân lực, phương tiện, vật tư cho các địa phương phòng, chống dịch. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch tiếp tục có sự quan tâm, đóng góp, ủng hộ thiết thực về nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí từ các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… rất đáng trân trọng.
2. Đến nay, đã xử lý có kết quả ổ dịch tại Thành phố Đà Nẵng và các địa phương có liên quan. Tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn ở mức cao, nhất là trong khoảng 10 ngày tới. Các địa phương có dịch phải dồn phương tiện và nguồn lực thực hiện hiệu quả việc truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm và điều trị. Bộ Y tế tiếp tục điều phối hiệu quả, hỗ trợ kịp thời cả phương tiện, năng lực xét nghiệm, vật tư, nhân lực, chuyên môn cho các địa phương.
3. Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung chỉ đạo:
a) Các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế; phải trang bị đầy đủ, kịp thời phương tiện bảo hộ cho các lực lượng chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y bác sỹ, cán bộ y tế, lực lượng công an, quân đội đang làm nhiệm vụ chống dịch, không để lây nhiễm chéo; không được phép vì lơ là chủ quan mà để dịch bệnh bùng phát, lây lan từ cơ sở y tế.
Ngành y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn trực tuyến cho nhân viên y tế ở tất cả các cơ sở y tế, có quy trình chuẩn xử lý những ca nghi ngờ nhiễm COVID-19, phát hiện nhanh các trường hợp nhiễm bệnh, không để bệnh nhân di chuyển qua nhiều bệnh viện, nhiều nơi trước khi phát hiện bị nhiễm bệnh; áp dụng ngay các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp trong số các bệnh nhân tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng.
b) Thực hiện giãn cách xã hội cho các đối tượng có nguy cơ cao gồm người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch, người có bệnh lý mãn tính khác.
c) Đầu tư mở rộng thêm các cơ sở xét nghiệm tại các địa phương. Các bệnh viện đều phải xây dựng kịch bản và chuẩn bị mọi cơ sở vật chất, nhân lực để ứng phó tại chỗ với dịch bệnh, tránh di chuyển bệnh nhân nhiều.
d) Nhà máy, cơ sở sản xuất phải tự đánh giá tiêu chí an toàn, thực hiện chặt chẽ các biện pháp giám sát y tế, phòng dịch.
đ) Tăng cường kiểm tra, ra soát các biện pháp phòng dịch trên địa bàn, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện nghiêm biện pháp cách ly y tế, nhất là tại các cơ sở cách ly dân sự.
e) Trường hợp có ca nhiễm bệnh, thực hiện ngay việc khoanh vùng, cách ly với quy mô, phạm vi, thời gian phù hợp; nhanh chóng triển khai truy vết lịch sử tiếp xúc, xét nghiệm đồng loạt và cách ly tập trung, trước hết đối với những người có nguy cơ.
g) Tiếp tục thành lập và duy trì các Tổ công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ cao lây nhiễm để kịp thời áp dụng biện pháp phù hợp, nhất là tại các tỉnh, thành phố đã có ca nhiễm bệnh.
4. Giao Bộ Y tế:
a) Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vắc xin, hoàn thiện phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử người dân; khẩn trương nghiên cứu các trường hợp bệnh nhân tử vong, rút ra bài học, phổ biến kinh nghiệm nhằm hạn chế các trường hợp tử vong.
b) Nghiên cứu, đề xuất về dịch vụ xét nghiệm theo yêu cầu.
c) Tiếp tục điều phối, hỗ trợ kịp thời phương tiện, nhân lực, vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm và phòng, chống dịch tại các địa phương.
5. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh có biên giới tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ biên giới, ngăn chặn kịp thời việc nhập cảnh trái phép.
6. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các đô thị, thành phố lớn, khu vực tập trung đông người, khu công nghiệp, chợ đầu mối. Từng địa phương đều cần tính toán căn cơ việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và không để tác động xấu đến các hoạt động kinh tế - xã hội.
Tại các địa phương có ca nhiễm bệnh trên địa bàn, cần cân nhắc kỹ lưỡng quy mô, phạm vi, thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Chỉ áp dụng biện pháp giãn cách xã hội có sự giám sát liên tục 24/7 của các lực lượng chức năng đối với các khu vực dân cư có nguy cơ lây lan dịch cao, áp đặt một số hạn chế và các biện pháp an toàn ở các khu vực khác (như đeo khẩu trang, rửa tay…); không nhất thiết phong tỏa toàn bộ thành phố, quận, huyện hoặc áp dụng trong một thời gian quá dài, gây ảnh hưởng xấu, thậm chí làm tê liệt hoạt động kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập, đời sống, tâm lý, tình cảm của nhân dân.
7. Về việc mua sinh phẩm, vật tư xét nghiệm:
a) Đồng ý việc thành lập Tổ công tác gồm đại diện các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số bệnh viện lớn làm việc với các nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu để xác định khung giá trần của sinh phẩm, vật tư xét nghiệm. Bộ Y tế thông báo khung giá trần để các cơ sở y tế, các địa phương thực hiện chỉ định thầu mua, không để thiếu sinh phẩm, vật tư và làm chậm việc xét nghiệm; khuyến khích đàm phán mua với giá thấp hơn mức giá trần đã được xác định.
b) Bộ Y tế, các địa phương thực hiện chỉ định thầu theo đúng quy định của Luật đấu thầu trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm công khai minh bạch, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
8. Tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý các doanh nghiệp, lao động tay nghề cao được nhập cảnh làm việc tại Việt Nam; khi nhập cảnh phải được cách ly phù hợp, chặt chẽ, có sự giám sát của cơ quan y tế.
9. Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các Bộ: Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải sớm báo cáo về phương án đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu cấp thiết, có hoàn cảnh đặc biệt về nước; giao Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo việc này.
10. Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo quản lý, xử lý khẩu trang, que thử… đã qua sử dụng và các loại rác thải y tế có liên quan bảo đảm không để phát tán nguồn lây bệnh.