Thông báo 289/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị về xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 289/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 14/08/2018 |
Ngày có hiệu lực | 14/08/2018 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 289/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2018 |
Ngày 27 tháng 7 năm 2018 tại tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã chủ trì Hội nghị về xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững. Cùng chủ trì Hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và đại diện lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, Văn phòng Điều phối nông thôn mới của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một số trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tóm tắt Đề án hỗ trợ thôn, bản khó khăn xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có ý kiến như sau:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã có sáng kiến và tổ chức chu đáo Hội nghị xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững tại Điện Biên.
Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng (khóa X) là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đã được cụ thể hóa bằng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để triển khai sâu rộng ở các cấp, các ngành, các địa phương. Sau hơn 08 năm triển khai thực hiện Chương trình, đến nay cả nước đã có 3.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 37,76% số xã), bình quân cả nước đạt 14,26 tiêu chí/xã; 53 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước còn 103 xã đạt dưới 05 tiêu chí,
Hiện nay trong cả nước còn 46 tỉnh với tổng số 2.139 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều tỉnh có trên 100 xã đặc biệt khó khăn (Hà Giang: 136 xã, Cao Bằng: 156 xã, Lạng Sơn: 133 xã, Sơn La: 118 xã, Điện Biên: 106 xã, Lào Cai: 104 xã, Thanh Hóa: 100 xã). Một số tỉnh còn nhiều xã dưới 5 tiêu chí nông thôn mới (Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi...), hầu hết những xã này đều nằm ở những địa bàn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, đây là những vị trí hết sức quan trọng về an ninh, quốc phòng của quốc gia, là “phên giậu” ở biên cương của đất nước. Xây dựng nông thôn mới là Chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, đây là chương trình hỗ trợ cho thôn, bản mang lợi ích chung và không trùng lắp với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam...) để chuyển sang giai đoạn nâng cao và hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ở một số địa phương có xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn, kết quả quá trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, các tiêu chí thiết yếu phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân và điều kiện hạ tầng, y tế, văn hóa, giáo dục chưa đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sinh kế thiếu bền vững, dễ bị tổn thương trước những tác động của môi trường và biến đổi khí hậu.
Mặc dù trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đối với các địa phương gặp nhiều khó khăn và ban hành nhiều cơ chế chính sách, tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế cũng như cải thiện căn bản điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các xã ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn dân cư phân tán, trải dài địa hình, chia cắt nên Nhà nước và người dân chưa thể thu xếp đủ nguồn lực để hoàn thành đạt 19 tiêu chí.
Qua những tham luận và ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, ngành Trung ương và của các địa phương, chúng ta có thể thấy, để thực hiện được các mục tiêu của Chương trình thì phải có tư duy mới, cách làm mới, mô hình mới tạo ra sức sống mới. Vai trò lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo của Trung ương là quan trọng nhưng tính năng động, sáng tạo của địa phương, nhất là vai trò chủ thể của người dân là yếu tố quyết định; điển hình như các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An... xuất phát từ thực tiễn đã chủ động ban hành bộ tiêu chí công nhận thôn, bản, ấp đạt chuẩn nông thôn mới và bố trí nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, bước đầu đã thu được những kết quả tích cực, được người dân đồng tình, ủng hộ, làm cơ sở để từng bước hỗ trợ hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới.
Như vậy, có thể thấy việc ban hành Đề án hỗ trợ thôn, bản thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững là chủ trương đúng đắn, xuất phát từ thực tiễn và thực sự cần thiết, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống khung khổ pháp lý của Chương trình, nhất là thống nhất, lồng ghép các cơ chế, chính sách hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững) với các nguồn lực khác tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn.
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu tại Hội nghị, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến và phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong Quý III năm 2018 để các tỉnh triển khai thực hiện, làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm đề xuất chính sách thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020.
2. Mục tiêu Đề án nhằm nâng cao vai trò chủ thể và năng lực của người dân, cộng đồng tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thông qua thực hiện các công trình, dự án ở cấp thôn, bản góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 05 tiêu chí. Đề án sẽ hỗ trợ khoảng 3.513 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn đạt dưới 10 tiêu chí khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của 35 tỉnh, trong đó có: 564 thôn, bản, ấp thuộc 52 xã dưới 5 tiêu chí.
3. Nội dung chính của Đề án là ưu tiên hỗ trợ nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững. Tuy nhiên Đề án cần chú trọng đến các tiêu chí nâng cao đời sống xã hội, trình độ nhận thức và hưởng thụ của người dân và cộng đồng, đặc biệt là trình độ học vấn, tay (hoặc kỹ năng) nghề, hưởng thụ văn hóa và giữ gìn an ninh trật tự thôn bản; trong đó, chú ý rà soát nội dung hỗ trợ đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và hướng tới hoàn thành mục tiêu chung của Chương trình đến năm 2020.
4. Về phạm vi của Đề án, cần lưu ý đối với những tỉnh trong phạm vi Đề án phải khẩn trương ban hành tiêu chí công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới và khảo sát nắm bắt các nhu cầu cụ thể của các thôn, bản để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể từ nay đến năm 2020, phân công cụ thể cho từng ngành, bố trí lồng ghép từ các nguồn lực để đạt được các mục tiêu của Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đối với các tỉnh không thuộc phạm vi của Đề án, cần khẩn trương, chủ động rà soát lại hiện trạng các thôn, bản ấp, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, có điều kiện khó khăn, các xã mới đạt dưới 10 tiêu chí để tập trung chỉ đạo thực hiện theo các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
5. Các địa phương tập trung chỉ đạo và phát động các phong trào thi đua để huy động tối đa các nguồn lực thực hiện phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia gia xây dựng nông thôn mới đã đăng ký theo kế hoạch đến năm 2020, trong đó, ưu tiên phấn đấu không còn xã dưới 05 tiêu chí (hoàn thành trong năm 2019) và giảm nhanh các xã dưới 10 tiêu chí. Các địa phương phải chú trọng phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư để cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn các công trình, nội dung thực hiện thiết thực, phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân gắn với các chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật, mỗi xã một sản phẩm, các mô hình khuyến nông - khuyến công. Để thực hiện Đề án, đề nghị các cấp ủy, chính quyền xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình góp phần đạt được mục tiêu đến năm 2020, trong đó đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các nguồn lực đầu tư cho các thôn, bản theo mục tiêu của Đề án đã đề ra; đồng thời phải phát huy vai trò chủ thể và tinh thần vươn lên của người dân và cộng đồng, tình làng nghĩa xóm trong phát triển thôn, bản; nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Phát triển thôn, bản.
6. Về nguồn lực thực hiện Đề án:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng phương án đề xuất bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển trong tổng số 10% vốn dự phòng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện Đề án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
b) Các Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh nghiên cứu, có phương án lồng ghép các nguồn lực của các chương trình, dự án triển khai trên cùng địa bàn để tập trung đầu tư cho các thôn, bản theo hướng thống nhất để tránh đầu tư dàn trải, chồng chéo, kém hiệu quả, để rút kinh nghiệm và làm cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách cho giai đoạn sau năm 2020;
c) Các Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tạo điều kiện để người dân vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập. Nghiên cứu, cung cấp dịch vụ tín dụng phục vụ cho Đề án này, tập trung vào các tiêu chí phục vụ sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu.
7. Các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp về tuyên truyền, tập huấn để nâng cao năng lực, kiến thức cho cấp ủy và chính quyền các cấp, nhất là cán bộ, những người có uy tín trong cộng đồng làm công tác xây dựng nông thôn mới ở xã, thôn, bản, ấp,
8. Yêu cầu các đại biểu địa phương tham dự Hội nghị có văn bản báo cáo lãnh đạo tỉnh về nội dung, kết quả Hội nghị, để các địa phương nắm thông tin, chủ động chỉ đạo triển khai và thực hiện.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |