Thông báo 288/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 288/TB-VPCP
Ngày ban hành 25/07/2014
Ngày có hiệu lực 25/07/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Nên
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 288/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ VÀ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUẾ

Ngày 09 tháng 7 năm 2014, tại trụ sở Tổng cục Thuế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế. Tham dự họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, đại diện Lãnh đạo các Bộ: Tư pháp, Nội vụ; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc. Sau khi nghe Tổng cục Thuế báo cáo; ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thuế Việt Nam, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp và cơ quan dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

1. Đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong những năm qua có nhiều đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với sự phát triển, xây dựng ngành trong 70 năm qua, các chính sách tài chính, thuế ngày càng được hoàn thiện, chuyển từ cơ chế kế hoạch tập trung, bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành Thuế nhiều năm luôn hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, góp phần giữ ổn định, an ninh nền tài chính quốc gia và đóng góp vào những thành tựu chung của cả nước. Tổ chức bộ máy từng bước được hoàn thiện, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu cho xây dựng, phát triển ngành.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nhìn lại ngành Thuế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém:

- Quản lý thuế còn nhiều yếu kém so với yêu cầu, khả năng, năng lực của ngành cũng như đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh thì số giờ làm thủ tục nộp thuế giai đoạn năm 2012 - 2013 của Việt Nam cao nhất so với các nước trong khu vực, số lần nộp thuế cũng cao hơn mức trung bình của các nước trong khu vực; thất thu thuế, chuyển giá chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.

- Tổ chức bộ máy ngành Thuế chưa thích hợp với cơ chế mới. Phẩm chất, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ thuế còn yếu kém (nhũng nhiễu, tiêu cực, kém trách nhiệm...).

- Một số chính sách chưa đủ rõ, còn chồng chéo. Quy trình, thủ tục hành chính thuế còn nhiều phức tạp, gây phiền hà trong thực hiện.

- Sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong xây dựng, hoạt động của ngành còn chưa chặt chẽ.

2. Để phát huy các thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, ngành Thuế phải nghiêm túc, quyết liệt đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh góp phần phát triển nhanh, bền vững. Yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

a) Triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu năm 2014 gắn với hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân theo đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước.

b) Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuế và xây dựng chính sách thuế. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, kiên quyết phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong quản lý thuế tạo bước chuyển biến rõ nét trong 6 tháng cuối năm 2014 và các năm tiếp theo.

c) Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các Chỉ thị: số 11/CT-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2015 và số 13/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh thực hiện các giải pháp và giải quyết các thủ tục hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp bị thiệt hại tại một số địa phương; Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

3. Tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế với các chỉ tiêu cụ thể để đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm và đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm); giảm số lần nộp thuế xuống tối thiểu bằng với mức trung bình của các nước trong khu vực... với các giải pháp chính sau:

a) Đối với các thủ tục hành chính cần cắt giảm ngay liên quan đến việc phải sửa đổi, bổ sung Luật hoặc Nghị định, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2014 để có Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện trước mắt, sau đó phối hợp với cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục quy định.

Đối với những thủ tục hành chính thuế quy định tại văn bản do Bộ Tài chính, Tổng cục thuế ban hành cần rà soát để cắt bỏ, đơn giản ngay những thủ tục gây phiền hà, phức tạp, không cần thiết đối với người nộp thuế; rà soát, hoàn thiện và công khai các quy trình quản lý thuế, tập trung vào thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu thuế đối với hộ khoán, tạo một bước cải cách mạnh mẽ trong quản thuế khoán theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch và chống thất thu thuế.

b) Tiếp tục hiện đại hóa quản lý thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai rộng rãi kê khai, nộp thuế điện tử, phấn đấu đến cuối năm 2014 có 95% số doanh nghiệp tham gia vào kê khai thuế điện tử.

c) Đẩy mạnh phát triển hệ thống đại lý thuế. Tăng cường kiểm tra, thanh tra thuế theo phương thức hậu kiểm. Đẩy mạnh chống thất thu thuế, chuyển giá quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

d) Xây dựng ngành Thuế trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của tổ chức Đảng ở cơ quan Thuế các cấp trong việc giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, công chức thuế học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ; xây dựng ngành thuế văn minh, hiện đại.

4. Ghi nhận những kiến nghị của Tổng cục Thuế nêu tại Báo cáo trên, đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan để xử lý theo quy định.

5. Về thủ tục thu, nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn Bảo Hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, sửa đổi ngay quy trình, thủ tục để đến cuối năm 2014 phấn đấu giảm 1/3 số lần và giảm 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính đối với lĩnh vực này.

6. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh quản lý và cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan để chỉ đạo, xử lý những vấn đề có liên quan đến nhiều Bộ, ngành và các vấn đề khác.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thuế Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý của TTgCP, các Vụ: TH, TKBT, TCCV, PL, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).S.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Nên