Thông báo số 271/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về cuộc họp ban chỉ đạo nhà nước quy hoạch điện VI (phiên họp thứ nhất) do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 271/TB-VPCP
Ngày ban hành 26/12/2007
Ngày có hiệu lực 26/12/2007
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 271/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2007

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI VỀ CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC QUY HOẠCH ĐIỆN VI (PHIÊN HỌP THỨ NHẤT)

Ngày 18 tháng 12 năm 2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VI đã chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo để kiểm điểm tình hình thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VI và kiện toàn Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo; đồng chí Thái Phụng Nê, Phái viên Thủ tướng Chính phủ; các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam; đại điện các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư.

Sau khi nghe Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam báo cáo tình hình triển khai các dự án đầu tư, tình hình cân đối điện mùa khô năm 2008, cân đối than, khí; ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VI có ý kiến kết luận như sau:

1. Về kiện toàn Tổ chức và Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo:

- Thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam làm thành viên Ban Chỉ đạo.

- Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của các thành viên tham gia dự thảo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Quy hoạch điện VI, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2008:

a) Thống nhất các giải pháp tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị yêu, cầu Bộ Công Thương căn cứ kết luận cuộc họp giao ban các dự án trong thời gian vừa qua, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và các chủ đầu tư khác phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan triển khai thực hiện, lưu ý:

- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (chủ đầu tư) phối hợp chặt chẽ với nhà thầu, tư vấn khẩn trương giải quyết các vướng mắc giữa các bên, đảm bảo tiến độ đưa tổ máy chu trình đơn Dự án điện Cà Mau 1 vào vận hành tháng 1 năm 2008, chu trình hỗn hợp vận hành vào tháng 3 năm 2008; Dự án điện Cà Mau 2 và Dự án điện Nhơn Trạch 1 vào vận hành tháng 3 năm 2008, đồng bộ với việc hoàn thành thi công đưa vào vận hành đường ống cung cấp khí; đường dây đấu nối điện, hợp đồng mua bán khí.

- Công ty TNHH Dự án Phú Mỹ 2 - 2, Công ty TNHH Dự án Phú Mỹ 3 khẩn trương thực hiện khắc phục sự cố, bảo đảm đưa các các tổ máy vào vận hành đúng tiến độ đã thoả thuận.

- Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và các chủ đầu tư bảo đảm nguồn cung cấp khí, than và xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ cho các nhà máy điện hoạt động.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức nạo vét kênh mương thủy lợi, bảo dưỡng các trạm bơm, phối hợp với các nhà máy thủy điện vận hành đảm bảo mục tiêu phát điện và cấp nước cho sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.

3. Các dự án thực hiện theo Quy hoạch điện VI:

a) Về quy hoạch các trung tâm điện lực: Bộ Công Thương đã xác định và phê duyệt một số Trung tâm như: Mông Dương, Nghi Sơn, Vĩnh Tân, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thái Bình. Đối với các Trung tâm nhiệt điện: Hải Phòng 3, Vũng Áng 3, Quảng Bình, Kiên Lương, Hậu Giang, Bộ Công Thương cần khẩn trương thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định.

b) Về tiến độ thi công các dự án: hầu hết các dự án đều chậm tiến độ từ 3 - 5 tháng, có dự án chậm tiến độ hàng năm. Nguyên nhân chủ quan là thiếu nhân lực, xe máy thi công; phương thức quản lý và sự phối hợp giữa các bên chưa tốt, một số dự án công tác quản lý còn nhiều yếu kém; công tác giải phóng mặt bằng tái định cư ở một số dự án gặp rất nhiều khó khăn: Trong khi đó vấn đề cung cấp than, cung cấp khí, triển khai các dự án thuỷ điện theo hình thức các nhà máy điện độc lập (IPP) có nhiều vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Bộ Công Thương cần tập trung chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn triển khai quyết liệt các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo mục tiêu tiến độ phát điện các dự án theo danh mục Quy hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Các dự án khởi công năm 2008:

Bộ Công Thương chỉ đạo các chủ đầu tư chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, thủ tục, giải quyết các vướng mắc, tiến hành ký hợp đồng theo đúng quy định. Đối với các dự án BOT, IPP (Mông Dương 2 - AES, Vũng áng 1 - Lilama, Vĩnh Tân 1 - CSG), Bộ Công Thương chủ động giao ban thường xuyên, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đàm phán hợp đồng; khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để tổ chức đấu thầu quốc tế Dự án Nghi Sơn 2 ngay trong tháng 12 năm 2007; tổng hợp danh mục các dự án khởi công năm 2008, báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước vào đầu quý I năm 2008.

5. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan:

a) Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

- Làm việc cụ thể với Tập đoàn lưới điện Phương Nam (CSG) để triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng dùng chung tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (kể cả cảng nhập và trung chuyển than), theo nguyên tắc không làm chậm tiến độ Dự án Vĩnh Tân 1, báo cáo Bộ Công Thương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

- Làm việc cụ thể với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam về nhu cầu than trong nước cho các Dự án điện miền Trung và miền Nam, báo cáo Bộ Công Thương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

- Thực hiện đấu thầu theo hợp đồng EPC theo Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn hiện hành đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư.

- Làm việc với Bộ Công Thương để được ủy quyền phê duyệt đề cương dự toán lập quy hoạch các Trung tâm nhiệt điện và thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở các dự án do Tập đoàn là chủ đầu tư.

- Chủ động xây dựng đề án thu xếp vốn và cơ chế tài chính cho các dự án điện, báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương xem xét, giải quyết. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp, báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước.

b) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

- Chủ động tính toán cân đối nguồn cung cấp khí ổn định cho các dự án điện và các nhu cầu thiết yếu khác; khẩn trương đàm phán khí Lô B, sớm đưa nguồn khí này vào khai thác; trường hợp nhà thầu cố tình trì hoãn việc phát triển nguồn khí này, cần chuẩn bị cơ sở pháp lý cho việc thu hồi mỏ.

- Đối với Dự án nhà máy đạm Cà Mau nếu mở thầu xét thấy không có hiệu quả Tập đoàn tính toán ngay phương án đầu tư Dự án nhà máy điện Cà Mau 3 thay thế để sử dụng hiệu quả nguồn khí ở khu vực Tây Nam Bộ.

[...]