Thông báo 27/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2018 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 27/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 22/01/2019 |
Ngày có hiệu lực | 22/01/2019 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2019 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THUẾ NĂM 2018
Ngày 10 tháng 01 năm 2019, tại Trụ sở Tổng cục Thuế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2019. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Lãnh đạo Tổng cục Thuế và Cục thuế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua cầu truyền hình trực tuyến. Sau khi nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam báo cáo tổng kết nhiệm vụ công tác thuế năm 2018, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thuế năm 2019, ý kiến của một số lãnh đạo Cục thuế địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:
2. Các kết quả nổi bật của ngành thuế trong năm 2018 là:
a) Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán do Quốc hội giao, kế hoạch do Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đặc biệt, khác với các năm trước, năm 2018 tăng thu ngân sách nhà nước từ cả tăng thu ngân sách trung ương (4,3%) và tăng thu ngân sách địa phương (12,5%).
b) Có 61/63 địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán được giao, trong đó 40/63 địa phương vượt trên 7,3% dự toán. Có 60/63 địa phương tăng thu so với cùng kỳ, trong đó có 15/63 địa phương tăng thu ở mức cao từ 15% trở lên.
c) Sau 10 năm, số thu do ngành Thuế thực hiện tăng lên gấp 3,4 lần. Trong đó, 62/63 địa phương có số thu trên 1.000 tỷ, 40 địa phương có số thu trên 5.000 tỷ đồng (năm 2009 chỉ có 9 địa phương), 19 địa phương có số thu trên 10.000 tỷ (năm 2009 chỉ có 03 địa phương).
d) Tỷ trọng thu nội địa 03 năm 2016 - 2018 chiếm khoảng 76,2% trong tổng thu ngân sách nhà nước, cao hơn so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (khoảng 68%), góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tích cực, bền vững hơn.
đ) Công tác hiện đại hóa ngành Thuế, nhất là quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế của mình thông qua thực hiện rộng rãi và nâng cao chất lượng khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, đồng thời chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý thuế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng xếp hạng chỉ số nộp thuế của Việt Nam trong báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới trong năm 2019 lên từ 7-10 bậc so với năm 2018.
e) Đội ngũ cán bộ, công chức ngành thuế đã có bước trưởng thành, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, thích ứng tốt hơn với yêu cầu của đổi mới, hội nhập. Ngành thuế đã và đang thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
a) Quán triệt và thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 và các Chương trình hành động của ngành tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; Chiến lược phát triển ngành Thuế giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016 - 2020 với phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả".
b) Tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về thuế, trong đó:
- Lắng nghe, cầu thị, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp đối với Dự án Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế của các đại biểu Quốc hội, các hiệp hội, các nhà khoa học, các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Dự án Luật để khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện hành, hướng tới quản lý thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro, giải quyết được các mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước trong việc quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, không chồng chéo, gây phiền hà, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, xử lý được tình trạng nợ đọng thuế hiện nay, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả ngành thuế theo hướng hiện đại, tiếp cận với thông lệ quốc tế. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan để hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua Dự án Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế.
- Rà soát, tham mưu cho Chính phủ trong việc sửa đổi, hoàn thiện các luật về chính sách thuế hiện hành, bảo đảm bám sát Chiến lược phát triển ngành Thuế giai đoạn 2011 - 2020, Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế và phản ánh đúng bản chất các loại thuế.
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2019 về thực trạng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó báo cáo rõ tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI và các ưu đãi về thuế hiện hành mà các doanh nghiệp này đang được hưởng. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp để xử lý các nội dung khác nhau giữa các quy định pháp luật hiện hành về thuế và đầu tư, thực hiện kiểm tra, giám sát tình trạng chuyển giá ngay từ khâu cấp phép đầu tư, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI, góp phần đẩy mạnh và thu hút chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong tình hình mới theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp, lan tỏa, chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
- Hoàn thiện các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
- Chủ động đề xuất ban hành hoặc thí điểm thực hiện các thể chế, chính sách để đáp ứng được yêu cầu phát sinh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư như nền kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới, mô hình thanh toán mới, hoạt động giao dịch không dùng tiền mặt, giao dịch xuyên biên giới…
- Rà soát các Nghị định, Thông tư, các văn bản hướng dẫn hiện hành liên quan đến công tác quản lý thuế và thực hiện bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay các văn bản chưa phù hợp với nội dung quy định tại các Luật hiện hành về thuế.
c) Thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý thu như sau:
- Rà soát để giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước tích cực hơn để tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương, nhất là ở một số địa bàn có dư địa để tăng thu.
- Xây dựng và triển khai Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước.
- Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đánh giá và thống kê đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát.
- Triển khai tích cực Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bảo đảm hoàn thành áp dụng hóa đơn điện tử trong năm 2019 ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các giải pháp để hình thành văn hóa hóa đơn tại các lĩnh vực kinh tế tư nhân như hộ kinh doanh, dịch vụ ăn uống,....
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro về thuế của doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa các đoàn thanh tra, kiểm tra, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.
- Giảm bớt phạm vi và tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán; rà soát và xác định lại các mức thuế khoán để phù hợp với tình hình thực tế.
- Tham mưu để từng bước hoàn thiện công tác lập dự toán thu theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công.