Thông báo số 23/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 23/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 20/01/2009 |
Ngày có hiệu lực | 20/01/2009 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Xuân Phúc |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 27 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch năm 2009, ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Năm 2008, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội nên đã đạt được kết quả khá toàn diện; đã có 15/20 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, nổi bật là GDP tăng gần 11% góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế (mức tăng GDP cả nước đạt khoảng 6,23%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,1%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 38,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 21,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gấp 3,3 lần so với năm trước; thu ngân sách tăng 32,1%; giá tiêu dùng tăng thấp hơn mức tăng chung của cả nước. Các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, nhất là công tác xã hội hóa y tế, giáo dục và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo; Thành phố không còn hộ nghèo theo tiêu chí chung của cả nước và đã hoàn thành kế hoạch trước 2 năm về giải quyết hết hộ nghèo có thu nhập dưới 6 triệu đồng\năm. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Một số tồn tại đáng quan tâm là:
- Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Thành phố chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn so với cả nước; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP còn thấp; chưa tăng được các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn và giá trị gia tăng cao; nguồn nhân lực có trình độ cao chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; tình trạng cán bộ, công chức có trình độ bỏ việc nhiều;
- Huy động vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố nhất là vốn cho hạ tầng kinh tế - xã hội; môi trường đầu tư chậm được cải thiện; cải cách hành chính chưa đạt mục tiêu đề ra; mức hài lòng của người dân về dịch vụ công còn thấp; năng lực cạnh tranh của Thành phố tụt bậc so với năm 2007;
- Công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, một số công trình, dự án trọng điểm chưa đạt kế hoạch đề ra, nhất là các dự án từ nguồn ODA;
- Công tác xây dựng, phê duyệt và quản lý quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu sự phối hợp kết hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;
- Quản lý phát triển đô thị còn bộc lộ yếu kém: tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tăng lên, có nơi còn nghiêm trọng. Các quy định, qui chuẩn về quản lý đô thị còn nhiều bất cập;
- Một số vấn đề về kinh tế - xã hội bức xúc cần quan tâm giải quyết tốt hơn: hạ tầng đô thị; việc làm và nhà ở cho người có thu nhập thấp; bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự, gian lận thương mại.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO TRONG NĂM 2009:
Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch và các giải pháp mà Thành phố đề ra. Năm 2009, kinh tế thế giới và nước ta sẽ có nhiều khó khăn hơn, Đảng bộ, chính quyền Thành phố cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa để hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2009 và kế hoạch 5 năm 2006-2010 với 9 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra. Trước mắt, cần tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ với trọng tâm là chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng. Phải chủ động tháo gỡ khó khăn và giúp đỡ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; thực hiện kích cầu đầu tư và tiêu dùng; linh hoạt trong vận dụng các chính sách tài chính, tiền tệ; đảm bảo tốt hơn an sinh xã hội.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm văn hóa, khoa học, công nghệ và là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là nơi tập trung nhiều nhà khoa học và cơ sở nghiên cứu, Thành phố cần năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, thế mạnh và vai trò đầu tầu, nòng cốt trong phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển chung của cả nước. Thành phố cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ và các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ cao; đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ để sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển; chú trọng công tác phân tích, dự báo.
- Thành phố phải đi đầu trong công tác quản lý đô thị; phối hợp tốt với các viện, các trường đại học để làm tốt công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với công tác bồi thường, tái định cư; nghiên cứu hoàn thiện và ban hành mới qui định, qui chuẩn quản lý đô thị; tích cực triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng; khẩn trương điều chỉnh và bổ sung quy hoạch kinh tế - xã hội đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển sang nền hành chính phục vụ; nâng cao chất lượng và tạo môi trường thông thoáng để tăng khả năng thu hút đầu tư. Triển khai có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.
- Tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ và phòng chống ô nhiễm môi trường; xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương lân cận trong công tác bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng, duy trì trật tự, trị an; quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nhà ở cho người nghèo và đối tượng chính sách; đẩy mạnh công tác xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự; ổn định thị trường, bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ:
1. Về 10 nội dung Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại các Thông báo số 278/TB-VPCP ngày 31 tháng 12 năm 2007 và số 110/TB-VPCP ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ: yêu cầu Thành phố và các Bộ liên quan khẩn trương thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó:
a) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thành phố và các Bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2009 Đề án thành lập Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh.
b) Giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ứng vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ hoặc vốn ngân sách năm 2010 để đầu tư và di dời Liên hiệp xí nghiệp Ba Son thuộc Tổng cục công nghiệp quốc phòng và đầu tư xây dựng ga Metro theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4912/VPCP-CN ngày 31 tháng 8 năm 2007; sau đó đấu giá đất hoàn trả vốn ứng. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Liên hiệp xí nghiệp Ba Son khẩn trương chuyển giao cho Thành phố phần đất xây dựng ga Metro để bảo đảm tiến độ công trình trọng điểm.
c) Về việc cấp 10.000 ha đất để bố trí di dời các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố: giao Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Thành phố và các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, trình Thủ tướng quyết định.
d) Đồng ý đưa tuyến Metro số 4 vào danh mục huy động các nguồn tài trợ khác (Tây Ban Nha, ADB) và cho phép Thành phố tạm đàm phán với phía Tây Ban Nha đối với tuyến Metro số 5, số 6 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
đ) Giao các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Thành phố, trình Thủ tướng quyết định về việc cho phép Thành phố tạm ứng tiếp 130 tỷ ngân sách năm 2010 để bồi thường, giải phóng mặt bằng.