Thông báo số 1896/BVHTTDL-BQTG về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 1896/BVHTTDL-BQTG
Ngày ban hành 17/06/2009
Ngày có hiệu lực 17/06/2009
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Trần Chiến Thắng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 1896/BVHTTDL-BQTG

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 36/2008/CT-TTG NGÀY 31/12/2008 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ THỰC THI BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Để triển khai Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan (Chỉ thị 36), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ, các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiêm chỉnh thực hiện các công việc sau:

1. Thủ trưởng các cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ, các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm:

1.1. Tổ chức nghiên cứu pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng, đặc biệt trong các đối tượng có tài sản trí tuệ được bảo hộ theo quy định pháp luật, bao gồm cả nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.

Quán triệt Chỉ thị số 04/2007/CT-TTg ngày 22/02/2007, về việc tăng cường bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính và Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Các đơn vị có thể tiếp cận pháp luật từ trang Web “Quyền tác giả Việt Nam’’ với tên miền http:// www.cov.gov.vn. Trong những trường hợp cần thiết, có thể Trao đổi với Cục Bản quyền tác giả để được hướng dẫn, giải thích.

1.2. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt và áp dụng các biện pháp cụ thể để có thể bảo vệ được tài sản trí tuệ của cơ quan, doanh nghiệp mình.

1.3. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Các nhà hát, đoàn nghệ thuật, hãng phim, nhà sản xuất, cơ quan báo chí, công ty sản xuất băng đĩa ca nhạc sân khấu, các tụ điểm ca nhạc, các đơn vị tổ chức biểu diễn, tổ chức sự kiện, các khách sạn, khu du lịch, dịch vụ karaoke trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải nghiêm túc và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Lập kế hoạch ngân sách hàng năm để đảm bảo thực hiện việc trả tiền bản quyền khi sử dụng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo quy định pháp luật. Cần có kế hoạch từng bước loại bỏ chương trình máy tính chưa có bản quyền, để tiến tới tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình chỉ sử dụng chương trình máy tính có bản quyền.

1.4. Các tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp cần sử dụng tư vấn về sở hữu trí tuệ, đặc biệt khi có tranh chấp thông qua Cục Bản quyền tác giả hoặc các văn phòng luật sư; công ty tư vấn dịch vụ về sở hữu trí tuệ (Xem danh mục các tổ chức trên website “Quyền tác giả Việt Nam’’), để có thể bảo vệ được quyền lợi của mình, cũng như thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

2. Các Tổng Cục và các Cục quản lý nhà nước các lĩnh vực chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch, ngoài việc thực hiện các công việc quy định tại điểm 1 kế hoạch này còn phải thực hiện các công việc sau.

2.1. Bố trí cán bộ có kiến thức pháp luật việc thực hiện các công việc theo dõi tổng hợp tình hình, tham mưu, để xuất với lãnh đạo thực hiện pháp luật về sở hữu trí tuệ.

2.2. Không cấp phép và thu hồi giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sử dụng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng cố tình và nhiều lần không thực hiện nghĩa vụ của pháp luật.

2.3. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam) trong các hoạt động tự bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan theo ủy thác quyền. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc ra đời và hoạt động của các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan khác.

2.4. Phối hợp với Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan thực thi xử lý các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan thuộc lĩnh vực quản lý.

3. Vụ Kế hoạch, Tài chính

3.1. Hướng dẫn lập kế hoạch ngân sách trả tiền sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, trong đó có chương trình máy tính; đảm bảo cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghĩa vụ pháp lý theo quy định pháp luật.

3.2. Hàng năm tăng thêm ngân sách để đảm bảo cho Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đủ điều kiện thực hiện các hoạt động quản lý, thực thi tại quốc gia và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

3.3.  Phối hợp với Cục Bản quyền tác giả hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam xây dựng để án “ Tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan’’ theo tưng lĩnh vực chuyên ngành.

4. Vụ Tổ chức Cán bộ:

4.1.  Phối hợp với Cục Bản quyền tác giả nghiên cứu xây dựng các tổ chức hoạt động sự nghiệp, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan để hỗ trợ các hoạt động thực thi, trình Bộ trưởng xem xét phê duyệt.

4.2. Bổ sung thêm biên chế cho Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ, đảm bảo thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và yêu cầu hội nhập.

 5. Vụ đào tạo và Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch;

5.1. Phối hợp với Cục Bản quyền tác giả đẩy mạnh công tác đào tạo, giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho các cán bộ, công chức trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch;

5.2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong Bộ và trên phạm vi cả nước. Tập trung để đào tạo được một số chuyên gia đầu ngành giúp nhà nước quản lý, thực thi đối với lĩnh vực mới, phức tạp, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế- văn hóa-xã hội và hội nhập.

6. Cục Hợp tác quốc tế:

6.1. Phối hợp với Cục Bản quyền tác giả tổ chức nghiên cứu các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan hiện Việt Nam chưa tham gia (WCT, WPPT), để chủ động trong hội nhập khi đủ điều kiện.

[...]