Thông báo số 189/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp Ban chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhà nước do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 189/TB-VPCP
Ngày ban hành 01/07/2009
Ngày có hiệu lực 01/07/2009
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Phượng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 189/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO NGHIÊN CỨU VÀ THỰC HIỆN CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG NHÀ NƯỚC

Ngày 23 tháng 6 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng – Trưởng Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương Nhà nước đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo thảo luận một số nội dung thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008-2012.

Sau khi nghe Bộ Nội vụ trình bày báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2009 và một số vấn đề cần xin ý kiến về các dự thảo: Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung mục III Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004; Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004; Nghị định của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang; Đề án chế độ phụ cấp đối với cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách thu hút sinh viên về công tác ở xã, phường, thị trấn; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và thu nhập đối với các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước và ý kiến thảo luận của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng – Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:

I. VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ TRỢ CẤP ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2009 VÀ KẾ HOẠCH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2009

1. Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương Nhà nước cần tập trung nghiên cứu, đánh giá kỹ và rõ hơn về việc triển khai thực hiện: Kết luận số 20-KL/TW ngày 28 tháng 01 năm 2008 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa X về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008-2012; Kết luận số 40-KL/TW ngày 06 tháng 3 năm 2009 của Bộ Chính trị về việc sửa đổi những bất hợp lý về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận, các đoàn thể và lực lượng vũ trang và sẽ tổ chức họp trong tháng 8 năm 2009.

2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện:

a) Dự kiến phương án điều chỉnh tiền lương và trợ cấp năm 2010 theo lộ trình cải cách tiền lương và phù hợp với khả năng ngân sách, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2009 với 4 nội dung chính như sau:

- Đề xuất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng;

- Nghiên cứu chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang trong năm 2010;

- Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội hàng tháng;

- Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi đối với người có công, chú ý điều chỉnh mức trợ cấp cho người bị chất độc hóa học …

b) Nghiên cứu, cải cách tổng thể chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công vào năm 2011, theo hướng;

- Đổi mới cách nghiên cứu để bảo đảm Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công lần này đạt được yêu cầu là tạo sự chuyển biến căn bản trong chính sách tiền lương hiện nay để tiền lương thực sự là động lực cho đầu tư phát triển con người, không phải chỉ để cải thiện thu nhập;

- Có bước đột phá về cơ chế tạo nguồn, có sự phân biệt về tiền lương và thu nhập giữa các khu vực hành chính nhà nước và khu vực sự nghiệp; giữa các cơ quan, tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị.

c) Tăng cường hoạt động và kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập Đề án giúp việc Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước:

- Rà soát, đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập Đề án giúp việc Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước;

- Dự kiến phân công cụ thể các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu cải cách tổng thể chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công vào năm 2011;

- Duy trì hoạt động thường xuyên và có hiệu quả của Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập Đề án giúp việc Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước.

II. VỀ NỘI DUNG MỘT SỐ DỰ THẢO CỤ THỂ

1. Về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung mục III Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004:

Thống nhất nội dung dự thảo Tờ trình của Chính phủ, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ký gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2.  Về dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004:

a) Về bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với các ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm:

- Thống nhất đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên nghề là cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm.

- Giao Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ báo cáo Bộ Chính trị điều chỉnh nội dung Kết luận số 40-KL/TW ngày 06 tháng 3 năm 2009 của Bộ Chính trị cho phép quy định khoản phụ cấp thâm niên nghề của các ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra Đảng, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội cho phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

b) Về sửa đổi phân loại công chức:

Thực hiện phân loại công chức như quy định hiện hành. Việc xem xét đổi tên loại công chức, viên chức sẽ thực hiện khi cải cách tổng thể chính sách tiền lương vào năm 2011.

[...]