Thông báo 189/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 189/TB-VPCP
Ngày ban hành 27/05/2020
Ngày có hiệu lực 27/05/2020
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Cao Huy
Lĩnh vực Thương mại,Trách nhiệm hình sự

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 189/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BAN CHỈ ĐẠO 389 THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỀ CÔNG TÁC CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ

Ngày 19 tháng 5 năm 2020, tại Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc với Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội; Trương Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; các Thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội. Sau khi nghe Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội báo cáo kết quả công tác năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về chỉ đạo, điều hành và kết quả công tác của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội thời gian qua và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Những năm gần đây, hoạt động giao lưu thương mại, sản xuất, kinh doanh ngày càng đa dạng, đời sống nhân dân được nâng lên, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao, từ đó các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại cũng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Trong những tháng đầu năm 2020, chúng ta còn phải đối mặt với sự bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, gây ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các mặt kinh tế, xã hội, trong đó Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Lợi dụng dịch bệnh, nhiều đối tượng đã mua gom, đầu cơ, tăng giá bán hàng hóa; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, nhất là với các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân như lương thực, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng hàng ngày và trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch để thu lợi bất chính, gây bất ổn xã hội.

Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sự nỗ lực, tích cực của các bộ, ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã chủ động, kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người tiêu dùng và sức khỏe, cuộc sống bình yên của nhân dân, nâng cao vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội và các Thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, bất cập: vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, ở một số đơn vị, địa bàn còn thiếu quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc; công tác phối hợp, chia sẻ thông tin chưa thực sự hiệu quả..., hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn bày bán công khai tại nhiều nơi, phổ biến trên các trang web, mạng xã hội....

II. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

Với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tập trung phát triển kinh tế vừa tiếp tục phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Trong tình trạng “bình thường mới”, nhu cầu tiêu dùng, du lịch, hoạt động của người dân tăng cao sau đợt giãn cách xã hội kéo dài, vì vậy các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ gia tăng hoạt động, với thủ đoạn tinh vi, sử dụng mạng internet gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Thành phố Hà Nội với vị trí đặc biệt là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, ngoài nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, phải tăng tốc phát triển kinh tế, xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh, thanh lịch; kêu gọi người dân, doanh nghiệp luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ gìn môi trường kinh doanh lành mạnh.

Để hoàn thành tốt mục tiêu, yêu cầu nêu trên, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cần chú trọng, thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội phải xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm. Thủ trưởng các lực lượng chức năng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra công khai, thường xuyên trên địa bàn; để cán bộ, công chức tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ. Bên cạnh đó, phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ; làm tốt công tác thi đua khen thưởng, động viên kịp thời các đơn vị và cá nhân cán bộ chiến sỹ có thành tích xuất sắc.

2. Ban Chỉ đạo 389 của thành phố Hà Nội:

- Cần thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua để có giải pháp khắc phục triệt để, bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác thời gian tới;

- Xây dựng quy chế xác định trách nhiệm của từng Thành viên Ban Chỉ đạo trên từng địa bàn, lĩnh vực được giao, khi có vụ việc xảy ra phải xác định được trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, đơn vị liên quan;

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng trong việc thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Chủ động phối hợp với Văn phòng Thường trực 389 quốc gia và các lực lượng chức năng của Trung ương xây dựng các kế hoạch nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với một số địa bàn trọng điểm về buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...; Kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại điện tử...

- Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tác hại của việc tiêu thụ các mặt hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, biện pháp phòng, chống. Tiếp tục xây dựng mô hình toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bên cạnh đó, phải kịp thời khen thưởng, bảo vệ người dân dũng cảm tố giác tội phạm, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật.

- Từ hoạt động thực tiễn của các lực lượng chức năng, đề xuất kiến nghị, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, sơ hở. Tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy xã hội hóa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua các hoạt động hỗ trợ từ phía các hiệp hội, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

3. Các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội:

- Tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 398 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội. Chú trọng công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí, ngành nghề theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp tốt với lực lượng chức năng ở Trung ương và các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai... bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ, trung chuyển, tập trung vào 3 tuyến đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Xác lập các chuyên án triệt phá các tụ điểm tàng trữ, tập kết, trung chuyển hàng nhập lậu, hàng giả trên địa bàn Thành phố.

- Làm tốt công tác thu thập thông tin, điều tra cơ bản, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các mặt hàng thiết bị y tế, các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang, nước sát khuẩn. Đồng thời phải chấp hành nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

- Tập trung điều tra, xác minh để xử lý dứt điểm các vụ việc nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm mà các lực lượng đã phát hiện, khởi tố trong thời gian qua. Phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng để sớm đưa ra xét xử trước pháp luật; tuyên truyền kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa vi phạm.

4. Về một số đề xuất, kiến nghị của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội và các đại biểu tham dự buổi làm việc, yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổng hợp đầy đủ, tham mưu, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền, tạo điều kiện cho Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội và các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ