Thông báo 176/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 176/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 23/04/2024 |
Ngày có hiệu lực | 23/04/2024 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 176/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI CUỘC HỌP VỀ DỰ THẢO ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC
Ngày 11 tháng 4 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đại diện các Bộ, cơ quan: Tư pháp, Tài chính, Công an, Quốc phòng và Ban Tuyên giáo Trung ương. Sau khi nghe Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo và ý kiến các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, hội và các cơ quan liên quan đánh giá thực tiễn, xây dựng và hoàn thiện dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học (Dự thảo Hồ sơ đề nghị).
2. Hoạt động văn học là hoạt động sáng tạo, rất tinh tế trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và công tác lý luận, tư tưởng của Đảng, vì vậy, việc ban hành Nghị định để tạo lập môi trường thúc đẩy các hoạt động sáng tác, lý luận, phê bình văn học là hết sức cần thiết. Để hoàn thiện Dự thảo Hồ sơ đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, tổ chức chuyên môn liên quan tập trung hoàn thiện các nội dung cụ thể sau đây:
a) Rà soát các chính sách của Nghị định đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về văn học, nghệ thuật; giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đã được nhận diện qua quá trình tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam” và Hội nghị văn hóa toàn quốc,…Nghị định khi ban hành phải tạo lập không gian, thúc đẩy sáng tạo trong sáng tác, lý luận, phê bình văn học; xây dựng nền văn học Việt Nam dân tộc, khoa học, đại chúng, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, phản ánh hiện thực sinh động của sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước và hội nhập xu thế của thế giới.
b) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương xác định phạm vi điều chỉnh của Nghị định; rà soát nội dung của từng chính sách để đảm bảo bao quát, toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tác (đặt hàng sáng tác, tổ chức trại sáng tác, phát động các cuộc thi, tổ chức các giải thưởng văn học, các hoạt động hỗ trợ khác …), bảo vệ quyền tác giả, phê bình, lý luận văn học, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học và quảng bá văn học trên không gian mạng, thúc đẩy văn hoá đọc; thống nhất các khái niệm, thuật ngữ. Trên cơ sở phạm vi điều chỉnh, nội dung chính sách, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đề xuất tên gọi cho phù hợp; đồng thời, làm rõ hơn cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết cần có quy định riêng điều chỉnh về lĩnh vực văn học trong Dự thảo Hồ sơ đề nghị.
c) Về một số nội dung chính sách cụ thể cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện: (i) Quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương, trong đó đề cập định hướng về tổ chức bộ máy quản lý phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chủ trương, quy định pháp luật liên quan; (ii) Phát huy tối đa vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam và các tổ chức chuyên môn liên quan, trong đó trực tiếp là việc tham gia tổ chức các cuộc thi, giải thưởng về văn học, quy định về việc xây dựng các tiêu chí, thể lệ bám sát xu thế của quốc tế, hoạt động tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng, việc tăng cường bảo vệ bản quyền tác giả, giới thiệu, quảng bá và phổ biến văn học trên không gian mạng, phát triển văn hóa đọc; đồng thời chú trọng đa dạng hóa các hình thức tôn vinh, quảng bá tác phẩm văn học; (iii) Đa dạng hóa các hình thức tổ chức không gian sáng tạo để khuyến khích mọi đối tượng được tham gia vào hoạt động sáng tác phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể; tăng cường vai trò của Nhà nước thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin, tổ chức giao lưu và các hoạt động hỗ trợ khác.
3. Bộ Tư pháp rà soát và có văn bản khẳng định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, hoàn thiện, thông qua Đề nghị xây dựng Nghị định cũng như việc xây dựng, hoàn thiện và trình ban hành nghị định này; gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất triển khai trước ngày 26 tháng 4 năm 2024.
4. Các Bộ, cơ quan, tổ chức liên quan chủ động rà soát, nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Hồ sơ đề nghị và quá trình xây dựng, hoàn thiện nghị định này.
5. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tư pháp về trình tự, thủ tục, ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức về nội dung, chính sách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hoàn thiện Dự thảo Hồ sơ đề nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 5 năm 2024.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |