Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông báo 17/TB-BGTVT về kết luận của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 17/TB-BGTVT
Ngày ban hành 13/01/2010
Ngày có hiệu lực 13/01/2010
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Công
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 17/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2010

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG HỒ NGHĨA DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2009 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2010 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI.

Ngày 11/01/2010 tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2010. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải; đại diện lãnh đạo các Sở Giao thông vận tải trong cả nước; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo một số hội, hiệp hội trong lĩnh vực giao thông vận tải và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2010 của Bộ GTVT vinh dự được đón tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe "Báo cáo tổng kết công tác năm 2009 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2010" do Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức trình bày; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và ý kiến tham luận của một số đại biểu đại diện các lĩnh vực của ngành. Thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã kết luận như sau:

Trong năm 2009, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chính sách kích cầu đầu tư xây dựng, kích cầu thị trường nội địa đã tạo điều kiện về nguồn vốn cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng cải cách hành chính, cải cách các thể chế, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng phân cấp mạnh cho các địa phương, phân cấp mạnh cho các chủ đầu tư, cho các ban QLDA; đồng thời đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các địa phương và các Bộ, ngành; cùng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể CBCNV-LĐ, ngành GTVT đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành công, hoàn thành toàn diện và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch trên tất cả các lĩnh vực: khối lượng thực hiện và giải ngân xây dựng cơ bản tăng cao nhất từ trước đến nay, vận tải đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội, tai nạn giao thông tiếp tục giảm 3 tiêu chí so với năm 2008, công nghiệp giao thông vận tải cũng vượt qua khó khăn trong điều kiện khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; Bộ GTVT cũng đã tổ chức thành công Hội nghị STOM và ATM tại Việt Nam, đã đề xuất Chính phủ ký được nhiều thỏa thuận quốc tế trong ngành GTVT. Bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn tồn tại một số thiếu sót, hạn chế như: vận tải công cộng ở các đô thị lớn phát triển chậm, vận tải đường dài quản lý chưa chặt chẽ; kết quả giải ngân xây dựng cơ bản đạt cao song tiến độ thực hiện dự án còn chậm; công tác quản lý Nhà nước đối với đầu tư xây dựng giao thông địa phương còn nhiều bất cập công tác quản lý kết cấu hạ tầng sau đầu tư còn có những khiếm khuyết; tai nạn giao thông nghiêm trọng trong đường bộ và đường thủy nội địa vẫn còn cao.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ triển khai thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ kế hoạch đã nêu trong Báo cáo, nghiên cứu giải quyết kiến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:

1. Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thể chế

- Triển khai mạnh mẽ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản lý và điều hành vận tải để đưa Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đi vào cuộc sống, xây dựng xã hội giao thông theo hướng văn minh, kỷ cương.

- Tiến hành sơ kết, tổng kết thực hiện các Luật chuyên ngành (Luật Hàng không dân dụng, Luật Đường thủy nội địa, Bộ Luật Hàng hải, Luật Đường sắt) để kiến nghị bổ sung, sửa đổi nếu cần thiết.

2. Công tác chiến lược, quy hoạch và kế hoạch

- Vụ Kế hoạch Đầu tư chủ trì triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giao thông vận tải và các quy hoạch đã được phê duyệt; xây dựng Kế hoạch phát triển giao thông vận tải 5 năm 2011-2015.

- Các Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, xây dựng, cập nhật lại quy hoạch phát triển GTVT tại địa phương giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bộ GTVT thẩm định và đồng thuận để UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch này trên cơ sở phù hợp với quy hoạch của địa phương và thống nhất chung với quy hoạch GTVT của cả nước.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển GTVT được duyệt, các địa phương triển khai ngay việc xây dựng Kế hoạch phát triển giao thông vận tải 5 năm 2011-2015.

- Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê theo hướng: đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chính xác các yêu cầu về cung cấp thông tin, phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của từng lĩnh vực để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và Chính phủ. Các địa phương phải nghiêm chỉnh thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu của Bộ.

3. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông sau đầu tư

- Năm 2010, kinh tế của đất nước sẽ có những điều kiện thuận lợi hơn để tăng trưởng GDP. Do đó, các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, triển khai mạnh mẽ các giải pháp ngay từ đầu năm, đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên cơ sở chiến lược, quy hoạch đã được duyệt của cả nước và của từng địa phương để giải ngân hết các nguồn vốn kế hoạch đã giao trong năm 2010.

+ Đối với nguồn vốn ODA, các nguồn vốn đối ứng đã bố trí vốn; các dự án trái phiếu Chính phủ theo Quyết định 171/QĐ-TTg, vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009 (1.650 tỷ đồng): các chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo các Ban Quản lý dự án đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ và thực hiện giải ngân.

+ Đối với các dự án ứng trước ngân sách chưa bố trí vốn: Vụ Kế hoạch Đầu tư tham mưu Bộ báo cáo Chính phủ để có phương án giải quyết cụ thể.

+ Đẩy mạnh thực hiện các dự án BOT, BT; đồng thời tăng tốc hơn nữa khối lượng thực hiện các dự án đường cao tốc.

+ Dự kiến trong năm 2010 phấn đấu giải ngân tăng 20-30% so với năm 2009, khởi công được 40 dự án; huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho các dự án giao thông khoảng 15.000 tỷ đồng.

- Bộ GTVT sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng theo hướng phân cấp mạnh hơn cho các địa phương, các Cục, Tổng công ty; thí điểm mô hình Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư; phân cấp, ủy quyền thực hiện một số dự án cho các địa phương và các Cục, Tổng công ty. Bộ tập trung quản lý các dự án như: đường cao tốc, đường liên vùng, cảng nước sâu, sân bay quốc tế... Các địa phương cần tăng cường năng lực và xây dựng cơ chế quản lý dự án để triển khai tốt các dự án được phân cấp, ủy quyền.

- Chú trọng đẩy mạnh công tác duy tu, bảo dưỡng, quản lý vận hành các dự án sau đầu tư, kể các các dự án BOT. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án duy tu, sửa chữa nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

4. Công tác quản lý Nhà nước về vận tải

- Các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở GTVT và các doanh nghiệp cần tổ chức công tác vận tải một cách khoa học, nhất là tại các thành phố lớn; tập trung phát triển vận tải công cộng và tổ chức lại vận tải đường dài, đẩy mạnh tổ chức vận tải đa phương thức nội địa. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã tham gia hoạt động vận tải.

- Phối hợp chặt chẽ với hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

- Vụ Vận tải chủ trì, chuẩn bị nội dung về vấn đề vận tải để phục vụ Hội nghị vận tải toàn quốc tổ chức vào quý I/2010, trọng tâm là vận tải hành khách công cộng, vận tải đường dài, các giải pháp quản lý nhằm tổ chức lại vận tải nhằm bảo đảm an toàn giao thông, kết hợp triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

5. Công tác an toàn giao thông

[...]