Thông báo số 169/2006/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 169/2006/TB-VPCP
Ngày ban hành 29/09/2006
Ngày có hiệu lực 29/09/2006
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Quốc Huy
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

Số : 169/TB-VPCP

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2006

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH CÀ MAU

Ngày 19 tháng 9 năm 2006, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã thăm Dự án Khí-điện-đạm Cà Mau, thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và ước thực hiện  năm 2006, dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2007 và một số đề nghị của Tỉnh; ý kiến của các sở, ngành trong Tỉnh; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau :

I. VỀ TÌNH HÌNH CHUNG

Trong thời gian vừa qua, với nỗ lực cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh Cà Mau đã có chuyển biến về mọi mặt, là tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nam Bộ; GDP  năm 2006 ước tăng 12,5%, bình quân khoảng 640 USD/người, bằng mức bình quân chung cả nước và  đạt mức cao so với các tỉnh trong Vùng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỉnh đã gắn kết phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, chăm lo đời sống nhân dân và giải quyết các vấn đề phát sinh trong cộng đồng dân cư, dân tộc, tôn giáo, góp phần tạo sự ổn định xã hội; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu và thiếu đồng bộ; sự phát triển của Tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng chậm; tiềm năng phát triển công nghiệp và dịch vụ chưa được khai thác tốt; nông nghiệp, thuỷ sản có phát triển nhưng thiếu bền vững; thương mại, du lịch tốc độ tăng bị giảm. Tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức trung bình cả nước, chênh lệch giàu - nghèo còn lớn; giáo dục nâng cao dân trí và đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu; các cơ sở y tế và công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn thiếu và yếu.

II. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Lãnh đạo Tỉnh cần đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, thành tựu cũng như những khuyết điểm, yếu kém của mình để xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tạo bước phát triển nhanh, toàn diện và vững chắc, đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển bền vững, vượt mức bình quân chung cả nước vào năm 2010. Trong tổ chức thực hiện, cần quan tâm một số vấn đề sau :

1. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững. Cần tạo mọi điều kiện để đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án khí - điện - đạm Cà Mau, đây là khâu đột phá cho phát triển công nghiệp, góp phần nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh; cần phát huy hết sự tác động, lan toả của Khu công nghiệp này cho phát triển các khu, cụm công nghiệp khác của Tỉnh. Từ một tỉnh nông nghiệp, Cà Mau phải trở thành tỉnh công nghiệp (với tỷ trọng công nghiệp 50% trong cơ cấu kinh tế vào năm 2010).

2. Tiềm năng, lợi thế hiện tại của Cà Mau là nông nghiệp, thuỷ sản; do vậy, cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp, thuỷ sản của Tỉnh, thống nhất trong quy hoạch thuỷ lợi của vùng bán đảo Cà Mau. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu và đảm bảo môi trường bền vững.

3. Giao thông của Cà Mau chưa phát triển, do vậy cần được ưu tiên đầu tư để tạo hệ thống hạ tầng phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Cần kết hợp phát triển hệ thống đường giao thông với hệ thống thuỷ lợi để tạo sự đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau và tiết kiệm vốn đầu tư.

4. Không ngừng củng cố, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các lâm trường, vườn quốc gia, nhằm phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Thu hút và tạo điều kiện cho doanh nghiệp từ các địa phương khác và doanh nghiệp nước ngoài đến làm ăn tại Tỉnh.

5. Tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo và y tế để nâng cao dân trí, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - tiền đề cho phát triển bền vững. Rà soát lại các cơ sở hiện có, từ đó lập quy hoạch mạng lưới trường, lớp và cơ sở y tế từ tỉnh đến xã; căn cứ chuẩn hoá của ngành giáo dục và ngành y tế để lập dự án, xác định thứ tự đầu tư hợp lý, bố trí vốn đầu tư dứt điểm từng dự án, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Cần sớm bố trí hệ thống trường đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu lao động của các ngành kinh tế.

6. Tăng cường bảo đảm an ninh, quốc phòng, làm tốt công tác dân tộc và tôn giáo, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm. Muốn vậy phải  quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống chính trị các cấp; đồng thời, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội của Tỉnh và Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường công tác giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trên địa bàn.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH

1.  Về đầu tư cho thuỷ lợi :

a) Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Hoàn thành và trình duyệt trong năm 2006 Quy hoạch thuỷ lợi chi tiết vùng Nam bán đảo Cà Mau; trên cơ sở quy hoạch và dự án được duyệt, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tăng cường bố trí vốn đầu tư cho thuỷ lợi của tỉnh Cà Mau từ nay đến năm 2010.

 + Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau sớm hoàn tất thủ tục và triển khai đầu tư cống Biện Nhị và 11 cống dưới đê Biển Tây; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn để thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2010.

+ Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh có liên quan xây dựng Đề án Quy hoạch tổng thể nâng cấp đê biển Nam Bộ (trong đó có tuyến đê biển Đông của tỉnh Cà Mau), trình duyệt theo quy định.

+ Hướng dẫn Tỉnh lập và hoàn chỉnh các dự án đầu tư thuỷ lợi cho một số tiểu vùng nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất nông nghiệp (Tiểu vùng II, Tiểu vùng V, Tiểu vùng XVII Nam Cà Mau; Tiểu vùng III Bắc Cà Mau), trình duyệt theo quy định và bố trí vốn (phần do Trung ương hỗ trợ) đầu tư  trong giai đoạn 2006- 2010.

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau lập dự án, thoả thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp kỹ thuật và quyết định đầu tư xây dựng kè chống sạt lở một số cửa biển, khu dân cư tập trung ven sông thành phố Cà Mau và các thị trấn. Trường hợp vượt quá khả năng của ngân sách địa phương, Uỷ ban nhân dân Tỉnh làm việc với các Bộ có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ, bổ sung vốn để thực hiện dự án.

2. Về đầu tư các công trình giao thông :

a) Bộ Giao thông vận tải tập trung giải quyết sớm các yêu cầu về giao thông do Trung ương đầu tư trên địa bàn Tỉnh : cầu Đầm Cùng, cảng Năm Căn, phà Năm Căn, các tuyến đường bộ quan trọng nối Cà Mau với Kiên Giang, ra biên giới và các tỉnh trong vùng Tây Nam Bộ, sân bay Cà Mau; hoàn thành đường Quản Lộ - Phụng Hiệp trước năm 2009. Cần tiến hành khẩn trương từ khâu lập hoặc bổ sung quy hoạch, lập và trình duyệt dự án, phân kỳ đầu tư và bố trí vốn; đầu tư đồng bộ, có trọng điểm và dứt điểm, đảm bảo nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng nhằm phát huy tác dụng và hiệu quả cao.

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và bố trí vốn ngân sách địa phương để đầu tư tập trung, dứt điểm 27 tuyến đường đến trung tâm xã đã được phê duyệt; đồng thời, làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để bổ sung các tuyến đường đến 30 xã (15 xã mới thành lập và nâng cấp đường cho 15 xã) vào Đề án đầu tư xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã, trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ có liên quan thống nhất tiêu chuẩn đường và cơ bản hoàn thành Đề án đầu tư đường ô tô đến trung tâm xã trong khoảng 3 năm tới; cần đầu tư đồng bộ cả đường và cầu, cống, phà.

c) Tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng để khởi công đoạn đường Cà Mau - Đất Mũi theo tiến độ Dự án đường Hồ Chí Minh.

[...]