Thông báo 165/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 165/TB-VPCP
Ngày ban hành 04/05/2012
Ngày có hiệu lực 04/05/2012
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 165/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH NINH BÌNH

Ngày 30 tháng 3 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Bình; dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập Tỉnh, 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình; dự Lễ chào mừng tấn đạm đầu tiên của Nhà máy Đạm Ninh Bình. Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí: Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đồng chí Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, phương hướng nhiệm vụ năm 2012 và một số kiến nghị của Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

Thay mặt Chính phủ biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình và những kết quả đạt được trong 20 năm sau tái lập Tỉnh, đặc biệt là những năm gần đây; trong điều kiện khó khăn, Tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương và đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng GDP liên tục tăng cao, giai đoạn 2006-2010, GDP đạt bình quân 16,5%/năm cao gấp đôi so với bình quân chung của cả nước; tốc độ tăng trưởng GDP của Tỉnh năm 2011 đạt 16,1%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 85%; sản lượng lương thực đạt bình quân 525 kg/người; kim ngạch xuất khẩu tăng gần 3 lần so với năm 2010. Các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa - xã hội có bước phát triển khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,86%; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Những thành tựu mà tỉnh Ninh Bình đạt được trong thời gian qua đã góp phần rất lớn vào thành tựu phát triển chung của đất nước, đồng thời tạo tiền đề cho Tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới. Tuy nhiên, Ninh Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, đó là: Kinh tế tăng trưởng khá nhưng sức cạnh tranh chưa cao, chưa thực sự bền vững, quy mô kinh tế còn nhỏ; năng suất lao động còn thấp, thu hút đầu tư còn chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.

I. Cùng với việc phát huy sức mạnh nội lực của địa phương, Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Ninh Bình tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Về cơ bản đồng ý với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mà Tỉnh đã đề ra; nhấn mạnh thêm một số việc:

1. Tỉnh cần chủ động hơn nữa trong phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để tiếp tục bứt phá vươn lên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tập trung huy động nguồn lực, có giải pháp, cách làm sáng tạo để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo và thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị.

2. Tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động một cách quyết liệt, hiệu quả, gắn với đào tạo nguồn nhân lực để chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; trong đó chú trọng công tác đào tạo, dạy nghề cho nông dân.

3. Tiếp tục chỉ đạo rà soát, tính toán bổ sung, cập nhật quy hoạch trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm thu hút mạnh đầu tư vào những lĩnh vực mà Ninh Bình có thế mạnh như: Du lịch, công nghiệp, cơ khí chế tạo...; lưu ý trong thu hút đầu tư Tỉnh cần lựa chọn kỹ lưỡng, không thu hút đầu tư theo kiểu tràn lan, lấp đầy, thu hút bằng mọi giá mà phải lựa chọn các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao, bảo đảm thân thiện với môi trường; xem xét tổng thể các yếu tố đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nhanh và bền vững.

4. Quan tâm, chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là ở các khu: Công nghiệp, du lịch, đô thị, dân cư tập trung và các làng nghề; rà soát các điểm khai thác đá, nguyên vật liệu làm xi măng phù hợp để tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường phục vụ định hướng phát triển ngành du lịch của Tỉnh trong thời gian tới.

II. Về một số đề nghị của Tỉnh:

1. Về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn 2030: Tỉnh khẩn trương bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Về bổ sung quy hoạch vùng kinh tế ven biển Kim Sơn vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020: Thực hiện theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Tỉnh nghiên cứu, tính toán, xác định tiềm năng, lợi thế vùng ven biển Kim Sơn để lập quy hoạch và huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư theo quy định nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của vùng biển bồi Kim Sơn; chưa đặt vấn đề bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020.

- Về đầu tư Dự án âu Kim Đài, huyện Kim Sơn (ngăn nước mặn và nước biển dâng, tích trữ nước ngọt phát triển nông nghiệp) từ nguồn vốn Chương trình Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu - Chương trình SP-RCC: Tỉnh hoàn thiện hồ sơ dự án và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý theo quy định.

2. Về lĩnh vực giao thông:

- Về quy hoạch Dự án đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Cao Bồ với quốc lộ 1A: Bộ Giao thông vận tải làm việc cụ thể với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình để xem xét, xử lý. Trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Về việc hỗ trợ đầu tư Dự án đường tránh phía Tây thành phố Ninh Bình (đường tỉnh 477 kéo dài): Đồng ý bổ sung dự án trên vào Dự án cảo tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn qua Ninh Bình. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trước mắt, Tỉnh ứng vốn để triển khai thực hiện.

- Về việc chỉnh trị cửa sông Đáy: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2012.

- Về đầu tư xây dựng tuyến đường Bái Đính - Ba Sao - Hà Nội theo hình thức BT, BOT: Đồng ý về nguyên tắc; Tỉnh lưu ý hình thức BT, không sử dụng vốn ngân sách trung ương mà sử dụng đất của địa phương. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch; trên cơ sở đó lập, thẩm định và phê duyệt dự án theo quy định; đồng thời đề xuất cơ chế thực hiện dự án theo quy định tại các Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2009 và số 24/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Về mở rộng quy hoạch và hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng và thực hiện Dự án trùng tu, tôn tạo, khu di tích cố đô Hoa Lư và hạ tầng quần thể danh thắng Tràng An (bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động và cố đô Hoa Lư) để UNESCO công nhận quần thể này là di sản thiên nhiên thế giới: Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chủ động, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, lập điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 08 tháng 4 năm 2009; số 75/TB-VPCP ngày 06 tháng 3 năm 2012 và trình duyệt theo quy định; trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thực hiện việc rà soát, xây dựng các dự án đầu tư, phối hợp và làm việc với các Bộ, ngành liên quan xác định rõ các hạng mục do ngân sách trung ương đầu tư, các hạng mục do ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư, hướng đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện Dự án.

4. Về hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ, đề xuất với UNESCO công nhận quần thể Tràng An, Tam Cốc-Bích Động là di sản thiên nhiên thế giới: Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan xem xét công nhận quần thể này là di sản thiên nhiên cấp quốc gia theo quy định và giúp Tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO xét công nhận là di sản thế giới.

5. Về cơ chế đặc thù (hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi để đầu tư mua, nuôi và chăm sóc động vật hoang dã quý hiếm) để thực hiện dự án Công viên bảo tồn động vật hoang dã quốc gia theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ: Tỉnh hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án, đề xuất cơ chế chính sách cụ thể và trình duyệt theo quy định.

6. Về hướng dẫn thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ cao phục vụ nông nghiệp của Tỉnh và được hưởng cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung tâm: Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 06 tháng 3 năm 2012; về hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án xây dựng Trường Đại học Hoa Lư và Trường trung học phổ thông chuyên Lương Văn Tụy, Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, xử lý theo quy định.

7. Về Đề án xây dựng Chính phủ điện tử của Tỉnh: Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện và hỗ trợ Tỉnh thực hiện Đề án trên.

8. Về việc bổ sung tỉnh Ninh Bình vào Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Trước mắt, Tỉnh làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tăng tỷ lệ nội địa hóa và đầu tư công nghiệp phụ trợ ngành sản xuất ô tô. Giao Bộ Công Thương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2012.

9. Về Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ theo Quyết định số 132/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ: Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Phú Thọ chỉ đạo sớm hoàn thành kiểm toán các dự án cụ thể gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan trong tháng 6 năm 2012. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Phú Thọ đánh giá toàn diện hiệu quả đầu tư của dự án, rà soát nợ, đề xuất hướng xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

10. Về thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh (các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam) có trụ sở đóng tại Ninh Bình: Giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ