Thông báo 14/2022/TB-LPQT hiệu lực Thỏa thuận về Quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn viện trợ của Việt Nam giữa Việt Nam - Lào

Số hiệu 14/2022/TB-LPQT
Ngày ban hành 21/03/2022
Ngày có hiệu lực 21/03/2022
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Nguyễn Chí Dũng,Khăm-Chên Vông-Phô-Sỷ
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

 BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2022/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2022

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về Quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam do Chính phủ Lào đảm nhận có sự phối hợp của Chính phủ Việt Nam, ký tại Hà Nội ngày 21 tháng 3 năm 2022, có hiệu lực từ ngày 21 tháng 3 năm 2022.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Thỏa thuận theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Lương Ngọc

 

THỎA THUẬN

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO VỀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỬ DỤNG NGUỒN VỐN VIỆN TRỢ CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DO CHÍNH PHỦ LÀO ĐẢM NHẬN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, sau đây gọi tắt là hai Bên;

Căn cứ Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về Quy chế tài chính và quản lý sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào ký 06 tháng 12 năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quy chế tài chính).

Nhằm tăng cường tính chủ động của Chính phủ Lào trong việc tiếp nhận, triển khai các chương trình, dự án sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào, góp phần thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước, hai Bên đã thỏa thuận như sau:

Điều 1

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Quy trình này áp dụng cho các dự án sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào do phía Lào tự thực hiện (trên cơ sở đề xuất của Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam).

2. Giải thích từ ngữ

Trong thỏa thuận này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

2.1. “Vốn viện trợ” là các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào được ghi trong Thỏa thuận hợp tác song phương hàng năm.

2.2. “Chủ dự án Lào” là các Bộ, ngành, địa phương hoặc các đơn vị nhà nước được Chính phủ Lào giao nhiệm vụ thực hiện, tiếp nhận và quản lý dự án sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào.

2.3. “Ngân hàng phục vụ” là một ngân hàng được lựa chọn trong danh sách các ngân hàng đủ tiêu chuẩn tại Lào để ủy quyền thực hiện việc giao dịch đối ngoại phục vụ dự án.

3. Các tài liệu do Chủ dự án Lào lập gửi các cơ quan liên quan phía Lào và Việt Nam bằng ngôn ngữ tiếng Lào và tiếng Việt, có giá trị như nhau.

Điều 2

QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU XÂY DỰNG

1. Sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chấp thuận giao phía Lào tự thực hiện (trên cơ sở đề xuất của Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam và Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào); Thủ tướng Chính phủ Lào tiến hành giao nhiệm vụ cho chủ dự án. Chủ dự án Lào thành lập Ban quản lý dự án đề lập Hồ sơ Dự án. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình được tính bằng đồng Kíp Lào (LAK) có quy đổi sang tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm lập dự toán.

2. Sau khi hoàn thành Hồ sơ dự án (hồ sơ dự án theo quy định của pháp luật Lào). Chủ dự án phía Lào gửi 02 bộ hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng công trình (gồm: Tờ trình lấy ý kiến tham gia về dự án; phần thuyết minh, thiết kế cơ sở của Dự án và các văn bản pháp lý liên quan) tới Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam. Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam có công thư gửi kèm Hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng công trình tới Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào để lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan của Việt Nam (nội dung chính của Thuyết minh và Thiết kế cơ sở dự án gửi phía Việt Nam như quy định tại Phụ lục).

3. Trong 30 ngày làm việc từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ dự án từ Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam. Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào sẽ có công thư gửi Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam góp ý kiến đối với dự án.

4. Văn phòng Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam tổng hợp ý kiến đóng góp của các cơ quan phía Lào và Việt Nam gửi tổng hợp chung tới Chủ dự án phía Lào để hoàn chỉnh Hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng công trình và trình các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ Lào thẩm định, ra quyết định đầu tư và cấp Giấy phép xây dựng công trình.

[...]