Thông báo 131/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011 – 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 131/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 09/04/2012 |
Ngày có hiệu lực | 09/04/2012 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Hữu Vũ |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 131/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 04 năm 2012 |
Ngày 08 tháng 3 năm 2012, tại Hà Nội, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011 – 2015 đã họp bàn về Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020, Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020 và xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng đã chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày các dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 và Quy chế hoạt động của Hội đồng Quốc gia và Phát triển nhân lực; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày dự thảo Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020; ý kiến thảo luận của các thành viên Hội đồng Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia đã kết luận như sau:
Chiến lược phát triển giáo dục 10 năm qua 2001 – 2010 đã được triển khai hiệu quả, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển giáo dục giai đoạn đến 2010, góp phần tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 16% năm 2001 lên gần 40% vào năm 2020 (với 10% trình độ đại học, cao đẳng và 30% đào tạo nghề các trình độ). Bên cạnh những thành tích, kết quả đã đạt được, nhất trí với đánh giá trong hai dự thảo Chiến lược về những tồn tại, yếu kém, bất cập làm cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 10 năm tới giai đoạn 2011 – 2020 đã xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá quan trọng. Do vậy, yêu cầu tổng quát nhất của cả hai dự thảo Chiến lược là phải cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện để tạo đột phá, chuyển biến lớn,cơ bản và toàn diện trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, làm cho nguồn nhân lực thực sự trở thành khâu đột phá quan trọng trong việc đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020.
Trong quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Chiến lược, cần lưu ý:
a) Cần quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, kết hợp với cập nhật thực tế, cố gắng tối đa việc định lượng, tiêu chuẩn hóa để định hướng, làm cơ sở cho việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
b) Phải bảo đảm sự đồng bộ, gắn kết, liên thông giữa Chiến lược phát triển giáo dục và Chiến lược phát triển dạy nghề;
c) Việc quyết định mức phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo trong dự thảo Chiến lược cần xác định rõ: trước hết tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư và phấn đấu từng bước tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đất nước.
d) Về một số nội dung trao đổi, chưa thống nhất ý kiến: Đề nghị các thành viên Hội đồng Quốc gia tiếp tục nghiên cứu dự thảo hai Chiến lược và tiếp tục góp ý kiến với cơ quan chủ trì soạn thảo.
Đối với việc lựa chọn khâu đột phá trong Chiến lược phát triển giáo dục: lưu ý tập trung vào hai khâu then chốt là đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ, cơ bản công tác quản lý nhà nước, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để bảo đảm thực hiện thành công việc đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Cần nghiên cứu lập một số tiểu ban của Hội đồng và mời thêm một số chuyên gia giàu kinh nghiệm tham gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thiện Quy chế hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, cơ quan liên quan và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |