Thông báo 130/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 130/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 13/04/2015 |
Ngày có hiệu lực | 13/04/2015 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 130/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2015 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Ngày 17 và 18 tháng 3 năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng các Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, 138/CP và 389 của Chính phủ thăm và làm việc tại thành phố Cần Thơ; chủ trì cuộc họp các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Quân khu 9 và Công an thành phố Cần Thơ. Cùng đi với Phó Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nội vụ, Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; đại diện các Bộ Quốc phòng, Công an và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ báo cáo kết quả kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống tội phạm thời gian qua và một số kiến nghị của Thành phố; ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy và các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ: Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính liên tục được cải thiện, Thành phố đã triển khai thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; “một cửa điện tử” mang lại hiệu quả thiết thực; thủ tục hành chính được công khai minh bạch; tổ chức bộ máy, biên chế và quản lý cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng quy định, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được tăng cường: Năm 2014 đã xử lý 1.424 vụ với 1.371 đối tượng vi phạm, xử phạt 9,363 tỷ đồng; 2 tháng đầu năm 2015 đã kiểm tra 233 vụ với 233 đối tượng vi phạm. Đã triển khai 188 cuộc thanh tra, kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng tập thể, cá nhân theo quy định. Lực lượng Công an đã mở nhiều đợt tấn công, truy quét tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn được kiềm chế, đã điều tra 345 vụ, bắt 502 đối tượng phạm tội xâm phạm trật tự xã hội, phát hiện 186 vụ với 285 đối tượng, tàng trữ, vận chuyển, mua bán chất ma túy; đã triệt phá 03 vụ án buôn người, bắt 04 đối tượng, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ có bước phát triển nhanh, khá toàn diện, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long: Năm 2014, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 12,05%; tỷ trọng nông nghiệp còn 7,54%, công nghiệp và dịch vụ tăng, chiếm 92,46% trong cơ cấu kinh tế và tiếp tục chuyển dịch nhanh theo hướng hiện đại; thu nhập bình quân đầu người đạt 70,2 triệu đồng; thu ngân sách đạt 7.608 tỷ đồng tăng 10,5% so với năm 2013. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực: Bộ mặt của Thành phố, chất lượng phát triển đô thị nhiều đổi thay, nhất là tăng trưởng nhanh và bền vững; tỷ lệ hộ khá và giàu tăng, hộ nghèo giảm xuống còn 2,84%; tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm trước; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Thành phố tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, năng động, sáng tạo, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, chống biến đổi khí hậu, tạo sức bật mới để phát triển nhanh, bền vững xứng đáng vai trò là trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời tập trung thực hiện một số nội dung sau:
1. Tổ chức triển khai, thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế, nâng cao quy mô, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh các khâu đột phá chiến lược, thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
2. Đẩy mạnh cải cách hành chính; đơn giản hóa và công khai minh bạch toàn bộ thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành; Thành phố cần nghiên cứu mô hình Trung tâm dịch vụ hành chính công nhằm giải quyết thủ tục hành chính được nhanh chóng, hiệu quả tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức mà trọng tâm là xác định vị trí việc làm của công chức, viên chức, phát hiện, thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ, làm tốt công tác luân chuyển cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ công chức trong sạch, vững mạnh.
3. Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải xác định chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa bàn. Tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ thường xuyên, kiên quyết xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi làm ngơ, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân phát hiện, tố giác, không tham gia tiếp tay cho buôn lậu, tăng cường triệt phá các “đường dây”, “ổ nhóm” buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả;
4. Tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW và các chương trình, kế hoạch về phòng, chống tội phạm; tập trung rà soát xác định, các địa bàn phức tạp về an ninh để có kế hoạch đấu tranh, chuyển hóa phù hợp, nắm chắc tình hình không để bị động, bất ngờ; liên tục mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm nguy hiểm có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trên địa bàn; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn được dư luận quan tâm;
5. Chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chủ động giải quyết tốt các vấn đề dẫn tới nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự; tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
6. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm; thực hiện nghiêm Quy định số 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật Đảng viên, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Trưởng Công an nếu để tình hình tội phạm phức tạp kéo dài.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ
1. Về xây dựng Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của Thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Về hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xem xét, xử lý bảo đảm phù hợp với thực tế và chính sách áp dụng chung cho các địa phương, trong đó có Cần Thơ. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu việc xử lý phạt tiền và hạn chế việc cho tại ngoại, xử án treo đối với những người phạm tội tham nhũng trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Hình sự.
4. Thanh tra Chính phủ khẩn trương hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; phối hợp với địa phương nghiên cứu, đề xuất biện pháp xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
5. Về đầu tư tuyến đường giao thông từ Ngã Năm cầu Cần Thơ - cảng Cái Cui: Bộ Giao thông vận tải cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch được giao và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện; trường hợp không bố trí được vốn và phải đầu tư theo hình thức BOT thì lưu ý phương án đặt trạm thu phí phù hợp theo quy định, không gây cản trở sinh hoạt của nhân dân.
6. Về Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn và xây dựng các Nhà máy còn lại của Trung tâm Điện lực Ô Môn: Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ.
7. Về vốn đầu tư kè sông Cần Thơ, các tuyến đường 922, 923, 918 và đường Nguyễn Văn Cừ: Thành phố tổng hợp các dự án vào kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về vốn đầu tư các Dự án mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, Kè sông Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, Bệnh viện Tâm thần thành phố Cần Thơ và Dự án Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Thạnh: Thành phố tập trung giải ngân số vốn trái phiếu Chính phủ đã được bố trí trong kế hoạch năm 2015 để thực hiện; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp chung nhu cầu ứng trước kế hoạch 2016 của các địa phương, trong đó có Cần Thơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Về việc điều chuyển vốn trái phiếu Chính phủ của 8 dự án giao thông và bệnh viện tuyến quận huyện sang Dự án Kè sông Cần Thơ: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
10. Về xử lý nợ gốc của Nông trường Sông Hậu tại các ngân hàng thương mại: Ngân hàng nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 10164/VPCP-ĐMDN ngày 29 tháng 11 năm 2013; báo cáo Thủ tưởng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5 năm 2015.
11. Về sử dụng vốn ODA để đầu tư Dự án “Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ: Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ hoàn thiện các thủ tục theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với dự án Trang thiết bị Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ: Thành phố chủ động thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thành phố làm việc với Quỹ Phát triển quốc tế OPEC, hỗ trợ Thành phố thực hiện.
12. Về đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 - Km7): Bộ Giao thông vận tải cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch được giao để thực hiện, bảo đảm khai thác đồng bộ, hiệu quả toàn tuyến quốc lộ 91.
13. Về hỗ trợ mở thêm các đường bay nội địa từ sân bay Cần Thơ đến các sân bay Cam Ranh, Liên Khương và đường bay quốc tế đến các nước Campuchia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc: Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 13/TB-VPCP ngày 19 tháng 01 năm 2015.