Thông báo 1231/TB-BGDĐT năm 2013 kết quả Hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức-công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 1231/TB-BGDĐT
Ngày ban hành 30/09/2013
Ngày có hiệu lực 30/09/2013
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1231/TB-BGDĐT

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2013

 

THÔNG BÁO

KẾT QUẢ HỘI THẢO QUỐC GIA VỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC - CÔNG DÂN TRONG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG VIỆT NAM

Trong hai ngày 10 và 11/8/2013, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức-công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; đại diện Hội đồng bộ môn Giáo dục công dân (GDCD), Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GDĐT và các đơn vị liên quan; đại diện một số trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm; đại diện 32 Sở GDĐT và giáo viên môn đạo đức-công dân ở một số trường phổ thông; một số nhà khoa học, chuyên gia về giáo dục.

Hội thảo đã tập hợp được gần 200 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý, giảng viên và giáo viên các cấp học phổ thông. Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến tham gia có chất lượng về đánh giá thực trạng và đề xuất định hướng đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK), phương pháp dạy học (PPDH), kiểm tra đánh giá (KTĐG), đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục đạo đức-công dân.

Tổng hợp các báo cáo và ý kiến thảo luận, Bộ GDĐT thông báo kết quả hội thảo như sau:

I. Đánh giá về chương trình, sách giáo khoa; phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thời gian qua

1. Những kết quả đạt được

1.1. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục đạo đức-công dân hiện hành những ưu điểm so với CT, SGK trước đó

Về cơ bản, mục tiêu môn học đã đáp ứng đúng quy định của Luật Giáo dục, được cụ thể hóa trên 3 bình diện: kiến thức, kỹ năng và thái độ; đã xác định được chuẩn kiến thức, kỹ năng làm cơ sở biên soạn SGK, sách giáo viên để dạy học và KTĐG kết quả học tập. CT đã chú trọng đến giáo dục các giá trị, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật gắn với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đã phần nào thể hiện được nguyên tắc tích hợp trong dạy học. Kết cấu CT có phần dành cho việc dạy các vấn đề của địa phương.

SGK môn giáo dục đạo đức-công dân về cơ bản đã bám sát và cụ thể hóa mục tiêu CT, được biên soạn công phu với các chủ đề lớn về đạo đức, pháp luật, kinh tế, chính trị-xã hội, có nhiều nội dung đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục đạo đức, lối sống và giáo dục pháp luật. Hệ thống bài học từ tiểu học đến trung học phổ thông được xây dựng trên cơ sở hệ thống giá trị, được thiết kế theo hướng đồng tâm, phát triển và tích hợp nhiều nội dung xã hội cần thiết cho người công dân tương lai.

1.2. Phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục đã có những chuyển biến tích cực

Về PPDH, nhiều giáo viên đã tích cực đổi mới PPDH, bước đầu đã kết hợp nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại vào quá trình dạy học. Việc chuyển hướng dạy học từ truyền thụ kiến thức thuần túy sang rèn luyện kỹ năng và định hướng phát triển thái độ cho người học bước đầu được giáo viên coi trọng.

Về KTĐG kết quả học tập của học sinh, giáo viên môn giáo dục đạo đức-công dân bước đầu đã thực hiện được việc kết hợp giữa đánh giá bằng cho điểm kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với từng chủ đề thuộc môn học quy định trong CT và đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh theo nội dung môn GDCD quy định trong CT giáo dục phổ thông trong mỗi học kỳ, cả năm học. Việc ra đề kiểm tra nhiều nơi đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ về quy trình ra đề gắn với việc xây dựng ma trận câu hỏi; nội dung đề kiểm tra đã từng bước gắn với việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn,...

1.3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã có bước tiến đáng kể

Nguồn cung giáo viên GDCD dồi dào hơn trước do nhiều trường ĐHSP và CĐSP mở thêm ngành Giáo dục chính trị, GDCD. Đa số giáo viên giáo dục đạo đức- công dân có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nhà giáo.

Công tác bồi dưỡng đã được các Sở GDĐT quan tâm tổ chức thường xuyên và có tác dụng nhất định.

2. Hạn chế cần khắc phục

2.1. CT và SGK hiện hành đặt ra mục tiêu kiến thức quá cao, không phù hợp với năng lực và tâm lí nhận thức của HS phổ thông. CT còn mang tính hàn lâm, nặng về giáo dục pháp luật, chính trị, nhẹ về giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, nhẹ thực hành; chưa thường xuyên chú trọng đến việc hướng dẫn tự học, rèn luyện kĩ năng cho học sinh; chưa hướng tới việc hình thành cho học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết của người công dân trong xã hội; cấu trúc/thiết kế CT còn "cứng" và "đóng", không tạo điều kiện cho việc cập nhật những thay đổi của đất nước và thời đại, việc lựa chọn nội dung linh hoạt và tận dụng các tình huống trong thực tế cuộc sống vào hoạt động dạy học/giáo dục.

Kiến thức về pháp luật, triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học ở nhiều bài học trong SGK còn khô khan, trừu tượng, khó hiểu, tạo ra áp lực cho việc dạy và học. Việc tích hợp, lồng ghép kiến thức trong môn GDCD chưa linh hoạt, thiếu tính hệ thống, đôi khi khiên cưỡng.

2.2. Hình thức tổ chức dạy học còn đơn điệu, chủ yếu tiến hành trong phòng học. Việc đổi mới PPDH còn chậm, hiệu quả thấp. Việc KTĐG phổ biến vẫn là kiểm tra việc ghi nhớ, tái hiện kiến thức, chưa chú trọng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện, năng lực và phẩm chất học sinh. Khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học của nhiều giáo viên còn hạn chế.

2.3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục đạo đức - công dân còn nhiều bất cập.

Về số lượng, tuy có nhiều tiến bộ so với trước, nhưng vẫn thiếu rất nhiều giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành, đặc biệt ở cấp THCS. Số giáo viên được đào tạo trên chuẩn còn ít. Các trường CĐSP chủ yếu đào tạo ghép môn (Văn-GDCD, Sử-GDCD...), trong đó GDCD chỉ chiếm 30% thời lượng trong các CT đào tạo nên những giáo viên này ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy môn GDCD. Do nhiều nguyên nhân, còn một bộ phận giáo viên chưa tâm huyết với nghề, chưa cập nhật được kiến thức mới, chưa quan tâm đổi mới PPDH và KTĐG.

Lực lượng giảng viên ở các khoa, trường sư phạm cũng đang rất thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng. CT đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm chậm đổi mới, chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới PPDH, KTĐG giáo dục đạo đức-công dân trong trường phổ thông; chất lượng đào tạo còn hạn chế. Công tác bồi dưỡng giáo viên GDCD được tiến hành thường xuyên nhưng chưa thật hiệu quả.

II. Khuyến nghị của hội thảo về định hướng và giải pháp đổi mới giáo dục đạo đức - công dân ở trường phổ thông

1) Đặc trưng và mục tiêu môn học

Ở trường phổ thông, giáo dục đạo đức-công dân là một bộ phận của quá trình giáo dục công dân nhằm giáo dục học sinh về giá trị sống, phát triển thái độ, tình cảm, niềm tin đúng đắn đối với tự nhiên, xã hội và con người, ý thức trách nhiệm của công dân, hình thành thói quen tự giác thực hiện nghĩa vụ, quyền hạn của công dân Việt Nam trong thời đại CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

2) Về định hướng phát triển năng lực

[...]