Thông báo số 117/1997/TB-TTg về Ý kiến Phó Thủ tướng Nguyễn Tuấn Dũng về tình hình thực hiện Chỉ thị 853/1997/CT-TTg và xử lý hàng hoá bị tịch thu tại thành phố Hồ Chí Minh do văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 117/1997/TB-TTg
Ngày ban hành 01/11/1997
Ngày có hiệu lực 01/11/1997
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Lại Văn Cử
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 117/1997/TB-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 1997

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 117/1997/TB-TTg NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM 1997 Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ 853/1997/CT-TTG VÀ XỬ LÝ HÀNG HOÁ BỊ TỊCH THU TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Ngày 27-10-1997, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với đại diện lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Thương mại, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Hải quan, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Cảng Sài Gòn để nghe báo cáo về tình hình thực hiện Chỉ thị 853/1997/CT-TTg ngày 11-10-1997 của Thủ tướng Chính phủ và việc xử lý hàng hoá nhập lậu bị tịch thu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan báo cáo, ý kiến của các đồng chí dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận như sau:

1. Trong mấy năm gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra rất phức tạp và nghiêm trọng trên phạm vi cả nước, gây những hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội. Nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng đó, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tập trung chỉ đạo một cách kiên quyết bằng những biện pháp thể hiện trong Nghị quyết 85/CP ngày 11-7-1997 của Chính phủ và Chỉ thị 853/1997/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sau thời gian ngắn thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị trên, các ngành, các cấp đã thu được một số kết quả bước đầu, có tác dụng răn đe giáo dục chung. Yêu cầu các Bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung sức chỉ đạo thực hiện.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện của một số Bộ, ngành, địa phương còn chậm và chưa đề ra được giải pháp cụ thể có hiệu quả và quá trình triển khai cũng đã nảy sinh một số vướng mắc cần kịp thời chấn chỉnh. Tổng cục Hải quan chủ trì cùng các Bộ Nội vụ, Tài chính, Thương mại sớm có báo cáo kiểm điểm về tình hình thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị nói trên cũng như những vấn đề cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách trình Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 15-11-1997.

2. Về việc xử lý số hàng hoá bị tịch thu tại Thành phố Hồ Chí Minh:

Tại Cảng Sài Gòn và các khu vực có kho, bãi khác của Thành phố Hồ Chí Minh hiện còn một số lượng hàng hoá khá lớn, đã có quyết định tịch thu của Hải quan và các ngành chức năng nhưng vẫn chưa bán để sung công quỹ. Sự chậm trễ này, nếu không được khắc phục sẽ gây lãng phí lớn, thiệt hại tới tài sản của Nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa tốt, từng cơ quan chưa làm đầy đủ trách nhiệm của mình.

Yêu cầu UBND thành phố Hồ Chí Minh, các ngành: Tài chính, Thương mại, Tổng cục Hải quan và các cơ quan có liên quan thực hiện nghiêm túc Nghị định 86/CP ngày 19-12-1996 của Chính phủ và Quyết định 100 TC/QLCS ngày 23-1-1997 của Bộ Tài chính. Sau khi ra quyết định tịch thu trong thời gian nhiều nhất là 5 ngày, cơ quan Hải quan và cơ quan Quản lý thị trường phải chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan tài chính xử lý; cơ quan tài chính phải chủ động hơn nữa trong công việc, ngay sau khi nhận được hồ sơ bàn giao của cơ quan Hải quan và cơ quan Quản lý thị trường phải làm đầy đủ các thủ tục về tiếp nhận và tổ chức bán đấu giá theo đúng quy định hiện hành, nhằm nhanh chóng giải phóng hàng hoá. Mọi thành phần kinh tế đều được tham gia đấu giá và được phân xử theo đúng kết quả đấu giá và được công bố công khai. Đối với những loại hàng hoá không có người tham gia đấu giá thì ngành Tài chính chủ trì Hội đồng định giá xác định giá sàn để bán.

Từ nay, việc xử lý hàng hoá bị tịch thu do buôn lậu và gian lận thương mại thực hiện theo các nguyên tắc trên, nếu Bộ, Ngành, cơ quan, địa phương nào không làm đúng, để hàng hoá tồn đọng lâu, bị xuống cấp hoặc hư hỏng thì thủ trưởng Bộ, ngành, cơ quan, và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Riêng số hàng hoá đã có quyết định tịch thu đang tồn trong các kho, bãi ở thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác, yêu cầu ngành Tài chính, Hải quan, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan phải xử lý xong trước ngày 30-12-1997.

3. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, các Bộ, Ngành chức năng, chính quyền các cấp phải nắm chắc pháp luật, xử lý đúng với bản chất của sự việc, không tuỳ tiện tăng nặng hoặc giảm nhẹ để làm lợi hay gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Chống buôn lậu, chống gian lận thương mại nhưng không được gây khó khăn, phiền hà làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp mà chính là phải tạo được môi trường pháp lý lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ động ngăn ngừa những hành vi tiêu cực trong đấu tranh chống buôn lậu, chống gian lận thương mại.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, Ngành và UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan biết, thực hiện.

 

Lại Văn Cử

(Đã ký)