Thông báo số 109/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về sản xuất, kinh doanh than và các giải pháp xử lý nạn khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 109/TB-VPCP
Ngày ban hành 26/04/2008
Ngày có hiệu lực 26/04/2008
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 109/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2008

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI VỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH THAN VÀ CÁC GIẢI PHÁP XỬ LÝ NẠN KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, VẬN CHUYỂN, KINH DOANH THAN TRÁI PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Ngày 26 tháng 4 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp bàn về sản xuất, kinh doanh than và các giải pháp xử lý nạn khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tham dự họp có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công an, Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.

Sau khi nghe lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam báo cáo; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận như sau:

1. Đánh giá chung:

Than là tài sản quốc gia, tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, không tái tạo, trữ lượng không nhiều, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ cho các ngành công nghiệp và đời sống nhân dân.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo và tổ chức sản xuất than đạt được những kết quả tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu than để phát triển kinh tế; đời sống của cán bộ, công nhân ngành Than không ngừng được cải thiện; hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Hoạt động than trái phép tuy vẫn còn rải rác ở một số nơi, nhưng chủ yếu là khai thác lén lút, thủ công và được phát hiện, xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đặc biệt từ cuối năm 2007, đầu năm 2008 đến nay, tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển, buôn bán, xuất khẩu than trái phép, gây ô nhiễm môi trường diễn ra hết sức phức tạp, nghiêm trọng, biểu hiện có tổ chức và trên diện rộng, gây thất thoát tài nguyên quốc gia, phát sinh nhiều tiêu cực, tệ nạn xã hội, dư luận nhân dân rất bức xúc. Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép trên địa bàn, xử lý hàng trăm điểm lò, thu giữ hàng chục nghìn tấn than, hàng trăm ô tô, tàu và các phương tiện khác, bắt giữ nhiều đối tượng sai phạm; Bộ Công Thương và liên ngành đã kiểm tra phối hợp xử lý. Nhờ đó, tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép trên địa bàn bước đầu đã được kiềm chế, nhưng nguy cơ tái diễn vẫn còn cao.

2. Nguyên nhân:

- Nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là do nhu cầu than tăng nhanh, chênh lệch giữa giá than trong nước và giá than xuất khẩu cao, ranh giới quản lý giữa các mỏ chưa rõ ràng.

- Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước còn có những hạn chế, bất cập; thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương; việc giải quyết các thủ tục về cấp phép mỏ triển khai chậm; công tác kiểm tra, kiểm soát của chính quyền địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chưa thường xuyên, liên tục; việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân chưa hiệu quả; xử lý vi phạm còn nương nhẹ, không triệt để; một số cán bộ trong và ngoài ngành Than thông đồng, tiếp tay cho hoạt động kinh doanh than trái phép.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã buông lỏng quản lý khai thác trong ranh giới mỏ, để các công ty thành viên ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp tư nhân san gạt, bốc xúc, vận chuyển và khai thác tận thu than thiếu chặt chẽ. Khi xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép chưa báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Công tác quản lý của tỉnh Quảng Ninh đối với khoáng sản than chưa chặt chẽ; việc phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trong kiểm tra giấy phép và khai thác than chưa thường xuyên; việc xử lý vi phạm trong khai thác trái phép, lập bến bãi bất hợp pháp... thiếu kịp thời .

Các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan chưa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước được giao; chưa phối hợp tốt trong kiểm tra, đôn đốc, phát hiện kịp thời tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép.

3. Nhiệm vụ trong thời gian tới:

a) Bộ Công Thương:

- Hoàn chỉnh Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam giai đoạn 2006 đến 2015, có xét đến năm 2025, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 5 năm 2008.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát cơ chế, chính sách để có bổ sung, sửa đổi cho phù hợp; hướng dẫn các đơn vị sản xuất, xuất khẩu than theo kế hoạch được duyệt. Trước mắt, chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu than tiểu ngạch từ ngày 01 tháng 6 năm 2008.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra việc sử dụng than của các hộ cuối nguồn, đặc biệt đối với các hộ có nhu cầu sử dụng than lớn nhằm tránh hiện tượng sử dụng than không đúng mục đích; xây dựng và ban hành quy định quản lý về nguồn than trôi nổi được thu nhặt ở các sông suối, chân bãi thải.

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các Bộ, ngành rà soát ranh giới mỏ, trên cơ sở đó cấp phép hoạt động khoáng sản than cho các tổ chức, cá nhân hiện đang trực tiếp quản lý, khai thác, trong năm 2008. Việc cấp phép phải tuân thủ theo pháp luật về khoáng sản. Trước mắt, đồng ý Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp lại giấy phép khai thác dựa trên cơ sở trữ lượng huy động vào thiết kế theo từng dự án cụ thể đã nêu trong dự thảo Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam giai đoạn 2006 đến 2015, có xét triển vọng đến năm 2025.

c) Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt việc xuất khẩu than.

d) Bộ Công an chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, khởi tố những trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác và kinh doanh than.

đ) Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp quản lý chặt chẽ, không để bất cứ tổ chức, hộ dân nào khai thác than trên diện tích ở (kể cả ao vườn đã được giao quản lý sử dụng) và lập bến, bãi than không theo quy hoạch. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác than trái phép, lập bến, bãi than không đúng quy hoạch thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm; chỉ đạo các lực lượng chức năng của Tỉnh phối hợp với Bộ Công an và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

e) Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam:

- Đình chỉ ngay việc khai thác thác tận thu than của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ.

- Tổ chức kiểm điểm xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép vừa qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2008.

- Chỉ đạo các đơn vị thành viên sớm hoàn chỉnh hồ sơ mỏ than, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để sớm cấp giấy phép hoạt động khoáng sản than.

- Tổng hợp nhu cầu sử dụng than trong nước, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch khai thác, chế biến đáp ứng đủ nhu cầu than cho nền kinh tế. Nghiên cứu công nghệ sàng tuyển, chế biến để tận dụng tối đa những sản phẩm than phục vụ cho nhu cầu trong nước.

[...]