Thông báo 105/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 105/TB-VPCP
Ngày ban hành 24/02/2017
Ngày có hiệu lực 24/02/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Lê Mạnh Hà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 105/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐẮK LẮK

Ngày 13 tháng 01 năm 2017, tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh về tình hình an toàn giao thông; cải cách hành chính; phòng chống buôn lậu; phòng chống tội phạm, một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2016 và một số đề xuất, kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan tham dự, Phó Thủ tướng kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk đã triển khai quyết liệt, huy động sức mạnh đồng bộ của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2016.

Tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 36,7 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 112,05% kế hoạch trung ương giao. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả. Phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản của cộng đồng các dân tộc trong Tỉnh; chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo cả về quy mô và chất lượng; bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng cao; thực hiện tốt các chính sách an sinh, bảo trợ xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,87%;

Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt và đạt được kết quả khá toàn diện trên cả 6 nội dung: từ cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác thanh tra công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; triển khai Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 tăng 07 bậc so với năm 2014, từ xếp hạng 30/63 lên 23/63; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng một bậc, lên thứ 42/63. Công tác tiếp dân có nhiều tiến bộ, chủ động xử lý những vấn đề nổi cộm; tuy nhiên, số vụ khiếu nại tố cáo còn tăng so với năm 2015. Công tác bảo đảm an ninh quốc phòng được củng cố, nâng cao. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tổ chức tốt, được các ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia và đạt kết quả tốt. Công tác phòng chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại được tăng cường phối hợp, kiểm tra, kiểm soát và bám sát địa bàn, không để xảy ra những vấn đề nổi cộm tác động xấu đến thị trường, quyền lợi, sức khỏe của người dân. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc.

Tuy nhiên, Đắk Lắk còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; mặt bằng dân trí còn nhiều chênh lệch giữa các vùng trong tỉnh, an ninh trật tự luôn tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa có xu hướng giảm, nhất là số đơn thư khiếu nại liên quan đến tranh chấp đất đai, trong khi đó việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành, các địa phương còn một số tồn tại cần phải khắc phục; tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên các tuyến quốc lộ đi qua tỉnh.

II. VỀ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Về cơ bản nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Tỉnh đã đề ra cho năm 2017 và cả giai đoạn 2016 - 2020, nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh đã đề ra.

2. Thực hiện tái cơ cấu, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tăng cường công tác dự báo và đề ra giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Làm tốt công tác quy hoạch thủy lợi đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng hệ thống hồ chứa, kênh mương tưới tiêu đồng bộ để sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống; phòng chống có kết quả cả hạn hán và lũ lụt.

3. Là trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, lợi thế, tỉnh cần tập trung đề ra các giải pháp đột phá, mạnh mẽ, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển nhanh các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Tiếp tục triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của Tỉnh thực hiện các Nghị quyết số 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công,

Phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng; tăng cường liên kết với các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung và cả nước, qua đó phát triển nhanh và nâng cao tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh.

4. Chủ động rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh; chú trọng phát triển các loại cây trồng chiến lược, tiếp tục tái canh cây cà phê, cây tiêu, cao su...; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh để gia tăng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

5. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục có các giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm chăm lo đời sống người có công, gia đình chính sách, người nghèo. Tiếp tục làm tốt công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

6. Về cải cách hành chính: Tỉnh cần tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhóm nhiệm vụ, giải pháp về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương” đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

7. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; tăng cường bảo đảm an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền quốc gia; có giải pháp quản lý lao động sang bên kia biên giới. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông; có biện pháp kiên quyết giảm thiểu tai nạn giao thông.

8. Giải quyết, xử lý đúng pháp luật và dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại tố cáo có đông người tham gia, không để trở thành điểm nóng.

9. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về đề nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình thẩm định và phê duyệt phương án sử dụng đất lâm nghiệp: Tỉnh thực hiện nghiêm kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 (Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22 tháng 7 năm 2016).

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp hướng dẫn thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01 tháng 3 năm 2017.

2. Về đề nghị hỗ trợ kinh phí năm 2017 để tỉnh hoàn thành nhiệm vụ lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận đối với các công ty nông, lâm nghiệp: Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, xác định nhu cầu kinh phí thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2394/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt và phân bổ kinh phí đo đạc, lập bản đồ địa chính, cắm mốc ranh giới sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Về đề nghị hỗ trợ 100% kinh phí từ ngân sách Trung ương cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân 2 huyện biên giới và diện tích đất đã thu hồi của các công ty nông, lâm nghiệp: Tỉnh khẩn trương hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định trước khi gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Về đề nghị kéo dài thời gian giải thể Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên từ 1 năm lên 2 năm: Tỉnh chủ động xem xét, áp dụng giải quyết cụ thể đối với từng đơn vị có vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.

[...]