Thông báo 10/TB-VPCP năm 2015 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về công tác cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 10/TB-VPCP
Ngày ban hành 13/01/2015
Ngày có hiệu lực 13/01/2015
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Kiều Đình Thụ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2015

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ TƯ PHÁP

Ngày 25 tháng 12 năm 2014, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về công tác cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Tư pháp và ý kiến của lãnh đạo các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

1. Cải cách thủ tục hành chính được xác định là khâu đột phá trong điều hành để phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa, quy trình thực hiện thủ tục được hiện đại hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Kết quả đó có sự đóng góp của Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trong phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, những kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu, công tác cải cách thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính trên phạm vi toàn quốc cũng như trong phạm vi quản lý và trong nội bộ ngành tư pháp vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân. Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội còn rườm rà, là lực cản trong xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống, gây bức xúc trong nhân dân. Đây là vấn đề lớn đặt ra đối với các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Tư pháp.

2. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để tiếp tục quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, yêu cầu Bộ Tư pháp:

- Tập trung triển khai thành công Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015 theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm mục tiêu rà soát đơn giản hóa và cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ đối với các nhóm (13) thủ tục hành chính đề ra năm 2015 và các nội dung theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2014 liên quan đến thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính ngay từ giai đoạn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua hoạt động thẩm định, đánh giá tác động thủ tục hành chính để không ban hành các thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý và hiệu quả.

- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát, hệ thống, chuẩn hóa Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thủ tục hành chính làm cơ sở để thực hiện điện tử hóa, phát triển các hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính.

b) Đối với nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý, yêu cầu Bộ Tư pháp:

- Chỉ đạo bảo đảm công tác giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý cho người dân; nghiêm túc thực hiện việc đánh giá tác động để bảo đảm chất lượng các thủ tục hành chính khi ban hành. Thường xuyên rà soát các quy định, thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả từ kênh thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, loại bỏ những thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn.

- Nghiên cứu việc áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành trình trong một số lĩnh vực, như đối với các thủ tục về cấp chứng chỉ hành nghề công chứng, luật sư...

- Nghiên cứu phương án phân cấp thực hiện thủ tục hành chính theo hướng giảm số lượng thủ tục hành chính thực hiện tại cấp Trung ương (hiện đang là 161 thủ tục) và cấp tỉnh (hiện đang là 209 thủ tục) để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện, phấn đấu giảm 50% số thủ tục hành chính thực hiện tại cấp Trung ương; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính tại cấp cơ sở.

- Tiếp tục rà soát và đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý. Tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp phiếu lý lịch tư pháp, công chứng, giao dịch bảo đảm, tổ chức cán bộ ... theo hướng giảm thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian thực hiện, và công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để người dân dễ thực hiện. Cụ thể:

+ Nghiên cứu, đề xuất cải tiến phương thức giải quyết thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cách thức phối hợp giữa cơ quan Tư pháp và cơ quan Công an để tránh phiền hà, rút ngắn về thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết thủ tục trực tuyến.

+ Đánh giá lại việc sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp, nghiên cứu và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo chung để tránh tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong giải quyết thủ tục hành chính, gây lãng phí, phiền hà và ảnh hưởng bí mật đời tư của công dân.

+ Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu công chứng tại các địa phương.

+ Hoàn thiện nâng cấp chức năng của phần mềm đăng ký trực tuyến về giao dịch bảo đảm theo hướng cho phép khách hàng lựa chọn trung tâm đăng ký để giải quyết đơn yêu cầu và cấp giấy chứng nhận cho khách hàng để không xảy ra tình trạng phân vùng phạm vi đăng ký.

+ Nghiên cứu, thực hiện phương án thí điểm đơn giản hóa thủ tục thi tuyển công chức vào Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ theo hướng: chỉ yêu cầu người dự tuyển nộp đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định để cơ quan tuyển dụng xét duyệt hồ sơ sau khi có kết quả thi tuyển; giảm tối đa các giấy tờ cần xuất trình có những thông tin trùng lắp; hạn chế tối đa các yêu cầu về hình thức đối với các loại giấy tờ như phải chứng thực bản sao, xác nhận... Cần xác định trách nhiệm đối chiếu bản sao với bản chính là thuộc cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

c) Với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ:

Bộ Tư pháp chủ động hỗ trợ tích cực các thành viên Hội đồng, thành viên Ban công tác nhằm đảm bảo các hoạt động của Hội đồng được triển khai đúng tiến độ, có chất lượng, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với công tác kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương; triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.

d) Với vai trò cơ quan thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo 896:

Bộ Tư pháp điều phối, đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ theo Kế hoạch đã được Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt.

đ) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp:

- Để đánh giá chính xác mức độ hoàn thành nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu điều chỉnh chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với vai trò của công tác cải cách thủ tục hành chính.

- Rà soát, bố trí biên chế công chức chuyên trách làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm cho hệ thống cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính thực hiện có kết quả nhiệm vụ được giao.

[...]