Thông báo 04-TB/BCĐTB kết luận của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017

Số hiệu 04-TB/BCĐTB
Ngày ban hành 24/01/2017
Ngày có hiệu lực 24/01/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo Tây Bắc
Người ký Hầu A Lềnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 04-TB/BCĐTB

Yên Bái, ngày 24 tháng 01 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA ĐỒNG CHÍ VĂN BÌNH, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, TRƯỞNG BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2016 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2017

Ngày 13 tháng 01 năm 2017 tại tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Tham dự hội nghị có các đồng chí đại biểu đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp, các Ngân hàng Cổ phần Thương mại, Quân khu I, Quân khu II, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục An ninh, Cục An ninh Tây Bắc, các đồng chí thành viên kiêm nhiệm và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 và tham luận của các ban, bộ, ngành, địa phương trong vùng, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc kết luận như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG VÙNG TÂY BẮC VÀ BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC NĂM 2016

Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương trong bối cảnh đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức do tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nước ta; biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, đặc biệt là rét đậm, rét hại, bão lũ; sự chống phá không ngừng của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc,... Tuy nhiên, với sự quyết tâm, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, cùng với sự nỗ lực, cố gắng, vươn lên của nhân dân các dân tộc và sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, năm 2016, các địa phương trong vùng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt công tác: Kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và phát triển. Các hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá; thu ngân sách tăng 9,1% so với năm 2015 (tăng trên 2.800 tỷ đồng), chi ngân sách được quản lý có hiệu quả; Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,4% so với cuối năm 2015; Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; Năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến; Công tác dân tộc, quản lý Nhà nước về tôn giáo và đấu tranh với các thủ đoạn lợi dụng tôn giáo được tăng cường. Đặc biệt là các địa phương đã tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song đời sống của nhân dân trong vùng còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; tình trạng đói giáp hạt còn xảy ra ở nhiều địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (26,53%), cao hơn bình quân của cả nước 3,2 lần. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, là trở ngại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Thu ngân sách mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 chi ngân sách địa phương. An ninh biên giới, hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”, hoạt động của “tổ chức Dương Văn Mình” vẫn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định; di cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiếp diễn; tình trạng người Việt Nam vượt biên sang Trung Quốc làm thuê vẫn gia tăng; tội phạm ma túy, xuất nhập cảnh trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Hoạt động lợi dụng tôn giáo, việc tranh giành, lôi kéo tín đồ, tụ tập sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật còn diễn ra. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng có lúc, có nơi chưa hiệu quả; năng lực quản lý, điều hành của một số cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở còn hạn chế, yếu kém.

Đối với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, tập thể Lãnh đạo Ban và các đồng chí thành viên kiêm nhiệm đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình công tác. Trong năm 2016, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã có nhiều đổi mới trong hoạt động theo hướng chủ động, thiết thực và hiệu quả. Ban đã chủ động tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình tại các địa phương; kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo và xây dựng hệ thống chính trị để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ các giải pháp thực hiện, từng bước góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn trong vùng.

Tuy nhiên, sự phối kết hợp giữa Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo với các đồng chí Thành viên kiêm nhiệm còn một số hạn chế, bất cập. Một số đồng chí Thành viên kiêm nhiệm chưa chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh của vùng liên quan đến ban, bộ, ngành, địa phương mình quản lý; chưa kịp thời cung cấp thông tin đến Cơ quan Thường trực và báo cáo đồng chí Trưởng Ban, nhất là trong dịp sơ kết, tổng kết công tác năm.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2017

Năm 2017 là năm then chốt trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, vùng Tây Bắc cũng còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài như bất ổn về chính trị, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, sự phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới và những mặt hạn chế, yếu kém của từng địa phương về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục; tỷ lệ hộ nghèo cao, thu hút đầu tư xã hội thấp.... Bên cạnh đó các thế lực thù địch lợi dụng nhận thức của một bộ phận đồng bào còn hạn chế, tiếp tục có các hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tình trạng tuyên truyền đạo trái pháp luật, “tà đạo”, “đạo lạ”, di cư tự do vẫn diễn biến phức tạp. Để khắc phục những khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, các địa phương trong vùng và Ban Chỉ đạo Tây Bắc thực hiện tốt các công tác trọng tâm sau:

1. Đối với các địa phương trong vùng

1.1. Về công tác xây dựng Đảng: Tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng và nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã đề ra, nhất là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

1.2. Về phát triển kinh tế: Tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng. Tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng phát huy lợi thế của vùng, địa phương theo hướng tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư vào địa phương.

1.3. Về văn hóa - xã hội: Quan tâm chăm lo đời sống kinh tế - xã hội cho người dân. Chủ động, kịp thời hỗ trợ đối với gia đình bị thiên tai, dịch bệnh, thiếu đói trong những ngày giáp hạt. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

1.4. Về công tác dân tộc, tôn giáo: Thực hiện tốt chính sách dân tộc miền núi, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng di cư tự do. Tiếp tục thể chế hóa Kết luận số 101-KL/TW, ngày 03/9/2014 của Ban Bí thư Trung ương (khóa XI) về chủ trương đối với đạo Tin lành trong tình hình mới. Tăng cường các biện pháp ngăn chặn tuyên truyền đạo trái phép, “tà đạo”, “đạo lạ”, hoạt động mê tín dị đoan, không phù hợp với phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không để các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

1.5. Về công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, tập trung đấu tranh với hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”, hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, hoạt động của tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy. Tăng cường hoạt động đối ngoại, chủ động trao đổi, hội đàm với các địa phương có chung đường biên giới để tăng cường đoàn kết, hợp tác và phát triển.

1.6. Về xây dựng hệ thống chính trị: Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.

2. Đối với Ban Chỉ đạo Tây Bắc

2.1. Công tác tham mưu, đề xuất:

- Phối hợp với các Ban Chỉ đạo: Tây Nguyên, Tây Nam Bộ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế tổ chức thực hiện để tham mưu cho Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung Quy định số 96-QĐ/TW ngày 28/5/2012 của Bộ Chính trị “về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bộ máy, quan hệ công tác của các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ” phù hợp với thực tiễn, yêu cầu đổi mới và các quy định của Trung ương Đảng.

- Tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI “về tiếp tục thực hiện Nghị Quyết 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”. Qua sơ kết, xét điều kiện thực tiễn của vùng và trong trường hợp thực sự cần thiết cần nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị theo hướng đổi mới, phù hợp hơn.

- Tổ chức đánh giá, xác định sự cần thiết, phạm vi, quy mô và mức độ chuyên sâu của từng đề tài khoa học thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai giai đoạn tiếp theo.

- Tham mưu cho đồng chí Trưởng ban: Làm việc với các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Điện Biên về tình hình thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 12/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ; công tác quản lý, bảo vệ rừng huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải về phát triển giao thông vận tải vùng Tây Bắc giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

2.2. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc:

Tập trung vào các nhiệm vụ: Việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; Công tác sắp xếp, ổn định dân cư các dự án thủy điện lớn trong vùng Tây Bắc; Tình hình thực hiện đào tạo nguồn nhân lực gắn với sử dụng lao động ở các địa phương vùng Tây Bắc; Công tác đấu tranh với hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”, hoạt động của “tổ chức Dương Văn Mình”; Tình trạng tuyên truyền đạo trái pháp luật tại vùng Tây Bắc; Việc thực hiện Chỉ thị số 14/2005/CT-TTg, ngày 14/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định và phát triển toàn diện; Việc thực hiện chính sách dân tộc, trọng tâm là chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, trọng tâm là Kết luận số 101-KL/TW, ngày 03/9/2014 của Ban Bí thư “về chủ trương công tác đối với đạo Tin lành trong tình hình mới”; Kiểm tra, đánh giá sau 01 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ở các địa phương trong vùng.

2.3. Công tác phối hợp:

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ