Quy định 96-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 96-QĐ/TW
Ngày ban hành 28/05/2012
Ngày có hiệu lực 28/05/2012
Loại văn bản Quy định
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CHÍNH TRỊ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 96-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2012

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC BỘ MÁY, QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CÁC BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC, TÂY NGUYÊN, TÂY NAM BỘ

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XI,

Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của các ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ như sau:

Chương I

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN TỔ CHỨC CỦA CÁC BAN CHỈ ĐẠO

Điều 1. Chức năng và tổ chức bộ máy của các ban chỉ đạo

1- Chức năng của các ban chỉ đạo:

Các ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ là các cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ ghi tại Điều 2 của Quy định này.

2- Cơ cấu tổ chức của các ban chỉ đạo gồm:

2.1- Trưởng ban: là Uỷ viên Bộ Chính trị hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ do Bộ Chính trị phân công.

2.2- Các thành viên kiêm nhiệm gồm: Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tư lệnh quân khu, tư lệnh quân đoàn trên địa bàn và đại diện lãnh đạo của một số bộ, ban, ngành Trung ương tham gia Ban Chỉ đạo với chức danh thành viên kiêm nhiệm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam (Ban Chỉ đạo Tây Bắc), Quân khu 2 (Ban Chỉ đạo Tây Bắc), Quân khu 5 và Quân đoàn 3 (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên), Quân khu 9 (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ).

Khi cần thiết, Ban Bí thư chỉ định bổ sung đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… đóng trên địa bàn tham gia Ban Chỉ đạo.

2.3- Cơ quan thường trực gồm:

- Một đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng làm Phó trưởng ban Thường trực (nếu đồng chí đó không phải Uỷ viên Trung ương Đảng thì do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công) và các Phó trưởng ban chuyên trách.

- Các uỷ viên chuyên trách.

- Văn phòng Ban và các vụ chuyên môn: Vụ Kinh tế, Vụ Văn hoá - Xã hội, Vụ An ninh - Quốc phòng, Vụ Dân tộc - Tôn giáo, Vụ Xây dựng hệ thống chính trị.

3- Ban Tổ chức Trung ương quy định cụ thể biên chế các Ban Chỉ đạo.

4- Các ban chỉ đạo có trụ sở, con dấu riêng.

5- Các ban chỉ đạo là đơn vị dự toán ngân sách thuộc Văn phòng Chính phủ, được mở tài khoản hạn mức tại Kho bạc Nhà nước nơi bộ phận chuyên trách của ban chỉ đạo đóng trụ sở.

Văn phòng Chính phủ bảo đảm điều kiện hoạt động của các ban chỉ đạo; dự toán, phân bổ và quyết toán ngân sách chi cho hoạt động của các ban chỉ đạo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

6- Đảng bộ của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo trực thuộc Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của các ban chỉ đạo

1- Nhiệm vụ

Các ban chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ sau:

1.1- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, công tác dân tộc, tôn giáo, công tác xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.

[...]