Thỏa thuận về tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự giữa Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 12/04/2010
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam,Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc
Người ký ***
Lĩnh vực Quyền dân sự

Bản dịch tiếng Việt

THỎA THUẬN

GIỮA VĂN PHÒNG KINH TẾ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM TẠI ĐÀI BẮC VÀ VĂN PHÒNG KINH TẾ VÀ VĂN HÓA ĐÀI BẮC TẠI VIỆT NAM VỀ TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ

Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam (sau đây gọi là hai Bên),

Nhằm mục đích tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi;

Đã thỏa thuận những điều dưới đây:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi tương trợ

1. Theo quy định của Thỏa thuận này, hai Bên thực hiện việc tương trợ tư pháp cho nhau về các vấn đề dân sự sau đây:

a) Tống đạt giấy tờ;

b) Xác minh, và thu thập chứng cứ;

c) Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án về các vấn đề dân sự và phán quyết của Trọng tài;

d) Các vấn đề khác theo qui định của Thỏa thuận này.

2. Thuật ngữ “các vấn đề dân sự” được nêu trong Thỏa thuận này bao gồm các vấn đề về dân sự, thương mại, hôn nhân, gia đình và lao động.

3. Thuật ngữ “các cơ quan có thẩm quyền” được nêu trong Thỏa thuận này nghĩa là Tòa án, cơ quan kiểm sát và các cơ quan khác có thẩm quyền với các vấn đề dân sự.

Điều 2. Bảo hộ pháp lý

1. Cá nhân của một Bên được hưởng trên lãnh thổ của Bên kia sự bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân dân và tài sản như cá nhân của Bên kia và có quyền liên hệ và thực hiện các hành vi tố tụng tại Tòa án và các cơ quan khác có thẩm quyền với các vấn đề dân sự theo cùng các điều kiện dành cho cá nhân của Bên kia.

2. Những quy định tại khoản 1 Điều này cũng áp dụng đối với pháp nhân và tổ chức khác có thể tham gia tố tụng pháp lý với tư cách đương sự được thành lập trên lãnh thổ của một trong hai Bên theo qui định của pháp luật Bên đó.

Điều 3. Giảm hoặc miễn án phí và trợ giúp pháp lý

1. Cá nhân của một Bên được giảm hoặc miễn thanh toán án phí và được cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí trên lãnh thổ của Bên kia theo cùng các điều kiện và mức độ như đối với cá nhân của Bên kia.

2. Nếu đơn đề nghị giảm hoặc miễn án phí hoặc đề nghị trợ giúp pháp lý miễn phí được quyết định căn cứ vào tình trạng tài chính của người đề nghị, thì giấy xác nhận tình trạng tài chính phải do các cơ quan có thẩm quyền của Bên nơi người đề nghị thường trú hoặc cư trú cấp. Nếu người đề nghị không có nơi thường trú hoặc cư trú ở cả hai Bên thì giấy xác nhận tình trạng tài chính có thể do cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài được chỉ định của Bên đó cấp.

3. Cá nhân của một Bên đề nghị giảm hoặc miễn án phí hoặc đề nghị trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định tại khoản 1 Điều này, có thể nộp đơn đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền của Bên nơi người này thường trú hoặc cư trú. Cơ quan có thẩm quyền này phải chuyển đơn đề nghị kèm theo giấy xác nhận được cấp theo qui định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền của Bên kia. Người đề nghị cũng có thể nộp đơn trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền của Bên kia.

Điều 4. Cách thức liên hệ

Vì mục đích đưa ra hoặc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp, hai Bên phải liên hệ với nhau thông qua cơ quan có thẩm quyền được chỉ định của mình, trừ trường hợp Thỏa thuận này có quy định khác.

Điều 5. Ngôn ngữ

Một yêu cầu tương trợ tư pháp và bất kỳ tài liệu nào kèm theo được lập trên cơ sở Thỏa thuận này, phải kèm theo một bản dịch có chứng thực hợp lệ sang ngôn ngữ chính thức của Bên được yêu cầu hoặc sang tiếng Anh.

Điều 6. Chi phí tương trợ tư pháp

1. Hai Bên phải thực hiện tương trợ tư pháp miễn phí cho nhau.

2. Các chi phí liên quan tới người làm chứng, người giám định của một Bên được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thỏa thuận này.

[...]