Sắc lệnh số 175/SL về việc quy định việc quản chế do Chủ tịch nước ban hành

Số hiệu 175/SL
Ngày ban hành 18/08/1953
Ngày có hiệu lực 02/09/1953
Loại văn bản Sắc lệnh
Cơ quan ban hành Chủ tịch nước
Người ký Hồ Chí Minh
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH PHỦ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 175-SL NGÀY 18 THÁNG 8 NĂM 1953

CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu sắc lệnh số 133-SL ngày 20 tháng 1 năm 1953 trừng trị Việt gian phản động;

Căn cứ sắc lệnh số 150-SL ngày 12 tháng 4 năm 1953 thành lập Toà án nhân dân đặc biệt;

Căn cứ vào sắc lệnh số 151-SL ngày 12 tháng 4 năm 1953 trừng trị địa chủ chống pháp luật;

Theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ;

Sau khi Ban Thường trực Quốc hội thoả thuận,

RA SẮC LỆNH :

MỤC ĐÍCH QUẢN CHẾ

Điều 1

Quản chế là dùng quyền lực của chính quyền và của nhân dân để xử trí những phần tử đã phạm tội với cách mạng, với nhân dân những tội chưa đáng phạt tù, hoặc đã mãn hạn tù nhưng chưa thực sự hối cải.

Điều 2

Quản chế nhằm mục đích:

- Ngăn ngừa những phần tử nói trên hoạt động trái phép;

- Đồng thời cải tạo chúng thành những người tốt.

Điều 3

Phương châm quản chế là:

- Kết hợp kiểm soát của chính quyền với kiểm soát của nhân dân;

- Kết hợp giáo dục với bắt buộc lao động để sinh sống.

NHỮNG HẠNG NGƯỜI CẦN PHẢI QUẢN CHẾ

Điều 4

Căn cứ vào điều 1, những hạng người dưới đây sẽ bị quản chế:

- Địa chủ, cường hào có tội nhẹ;

- Bọn đã làm gián điệp, bọn đã tham gia đảng phái phản động, nói chung bọn đã làm tay sai cho địch nhưng tội nhẹ mà nay chưa thực sự hối cải;

- Bọn lưu manh trước kia đã chuyên sinh sống bằng trộm cắp;

- Kẻ đã mãn hạn tù nhưng chưa thực sự hối cải.

KỶ LUẬT QUẢN CHẾ

Điều 5

Những kẻ bị quản chế:

a) Phải tuân theo pháp luật của Chính phủ và quy ước của nhân dân trong xã;

b) Bắt buộc phải lao động mà sinh sống, để được cải tạo thành người tốt;

c) Chỉ được đi lại trong xã mình ở. Muốn đi ra ngoài xã thì phải được công an xã cho phép ; đối với những trường hợp đặc biệt thì phải được công an cấp trên (huyện hay tỉnh) cho phép;

d) Không được làm những nghề nghiệp mà chúng có thể lợi dụng để tiếp tục hoạt động trái phép;

e) Đúng kỳ hạn phải đến trình diện với công an xã để báo cáo về sinh hoạt và sự cố gắng sửa chữa của mình.

Bất cứ lúc nào chính quyền gọi thì phải đến ngay;

g) Nếu biết kẻ nào có những âm mưu và hành động trái phép thì phải báo cáo ngay với chính quyền.

Điều 6

Kẻ bị quản chế bị mất quyền công dân trong thời gian quản chế.

THỜI HẠN QUẢN CHẾ

Điều 7

Thời hạn quản chế định từ một năm đến ba năm.

Nếu kẻ bị quản chế tích cực sửa chữa, thời hạn quản chế có thể được giảm.

Nếu kẻ bị quản chế không chịu sửa chữa, thời hạn quản chế có thể tăng thêm từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu kẻ bị quản chế phạm tội khác, thì sẽ bị truy tố và trừng phạt về tội đó.

CƠ QUAN CÓ QUYỀN QUYẾT ĐỊNH QUẢN CHẾ

Điều 8

Lệnh phạt quản chế do các cơ quan sau đây quyết định vào báo cáo lên Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu:

- Toà án nhân dân (thường) tỉnh, khu;

- Toà án nhân dân đặc biệt;

- và Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh.

Việc tăng hoặc giảm thời hạn quản chế do Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh quyết định và báo cáo lên Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu.

CƠ QUAN THI HÀNH VIỆC QUẢN CHẾ

Điều 9

Công an các cấp chịu trách nhiệm thi hành lệnh quản chế dưới sự lãnh đạo và sự kiểm soát trực tiếp của Uỷ ban kháng chiến hành chính cấp tương đương.

NHIỆM VỤ CỦA NHÂN DÂN TRONG VIỆC QUẢN CHẾ

Điều 10

Nhân dân xã có trách nhiệm quan trọng trong việc quản chế.

Nhân dân xã nhận xét, bình nghị những kẻ nào đáng bị quản chế, thời hạn quản chế, để đề nghị Uỷ ban kháng chiến hành chính xã báo cáo lên Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh quyết định.

Nhân dân có trách nhiệm theo dõi, giáo dục và giúp đỡ kẻ bị quản chế sửa chữa.

Điều 11

Một nghị định của Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định chi tiết thi hành sắc lệnh này.

Điều 12

Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thứ trưởng Thứ Bộ Công an chịu trách nhiệm thi hành sắc lệnh này.

 

Hồ Chí Minh

(Đã ký)