ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 998/QĐ-UBND
|
Quảng Ninh, ngày 01 tháng 4 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ QUẢN LÝ ĐỘI TÀU DU LỊCH
HOẠT ĐỘNG TRÊN VỊNH HẠ LONG, VỊNH BÁI TỬ LONG NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26/11/2003; Luật Tổ chức chính quyền
địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy
nội địa ngày 15/6/2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông
đường thủy nội địa ngày 17/6/2014 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Quyết định số 2622/QĐ-TTg
ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê
duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1418/QĐ-UBND
ngày 4/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030;
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận
tải tại Tờ trình số 756/TTr-SGTVT ngày 02/3/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch nâng cao chất lượng và quản
lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (Kế hoạch chi
tiết kèm theo).
Điều 2. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì phối
hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực
hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban
hành; các quy định trước đây trái với quy định ban hành kèm theo Quyết định này
đều không còn hiệu lực thi hành.
Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND Tỉnh,
Giám đốc các sở, ngành: Công an Tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Tỉnh, Giao
thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch
UBND các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Quảng
Yên, các tổ chức, chủ doanh nghiệp, cá nhân có tàu hoạt động trong lĩnh vực du
lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy,
TT HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Đài PTTH Tỉnh, Báo Quảng Ninh;
- V0;
- Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, GT2.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Quang Tùng
|
KẾ HOẠCH
NÂNG
CAO CHẤT LƯỢNG VÀ QUẢN LÝ ĐỘI TÀU DU LỊCH HOẠT ĐỘNG TRÊN VỊNH HẠ LONG, VỊNH BÁI
TỬ LONG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 01/4/2016 của Ủy ban nhân dân Tỉnh)
Hiện nay trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái
Tử Long (sau đây gọi tắt là Vịnh) có 533 tàu được cấp phép hoạt động du lịch,
trong đó có 331 tàu tham quan với tổng số ghế là 15.619 ghế và 202 tàu lưu trú
với tổng số giường là 4.159; tổng công suất vận chuyển hiện
tại là 4,3 triệu lượt khách/năm, vượt quá cao so với nhu cầu
vận chuyển khách thực tế (năm 2015, số lượng khách du lịch
tham quan trên Vịnh là 2,5 triệu lượt).
Hoạt động của đội tàu du lịch trong
thời gian qua đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển du
lịch trên Vịnh và cũng đã có quan tâm trong công tác chỉnh trang, đổi mới thiết kế hình thức tàu, các loại hình dịch vụ và phục vụ du khách
chất lượng ngày một nâng cao, tốt hơn; tuy nhiên trước yêu cầu đòi hỏi từ thực
tiễn hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại cụ thể như
sau:
(1) Số lượng tàu
từ trước đến nay tăng nhanh, chủ yếu là tự phát, chưa có quy hoạch, kế hoạch cụ
thể để phát triển
đội tàu; do vậy số lượng tàu hiện nay quá lớn, phương thức điều hành vận tải
chưa hợp lý dẫn đến hiệu suất khai thác thấp (hệ số lấp đầy đối với tàu tham
quan là 42%, tàu lưu trú là 76%), gây lãng phí nguồn lực
xã hội. Công tác quản lý thuế còn thất thoát, hoạt động tàu gia tăng ô nhiễm
môi trường Vịnh; nguy cơ rất cao mất an toàn giao thông đường thủy; khó khăn
trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của đội tàu; đã xảy ra cạnh tranh,
kinh doanh không lành mạnh trong đội tàu du lịch.
(2) Đa phần tàu đang hoạt động là vỏ
gỗ (chiếm 81%), số lượng tàu nhỏ nhiều (tàu có công suất dưới 100CV chiếm 46%), thiết kế tàu theo kinh nghiệm dân gian chưa đẹp, chưa tiện
lợi, chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, phòng chống
cháy nổ, đặc biệt là các tàu hoạt động trong khu vực Vịnh
chịu ảnh hưởng của thời tiết, điều kiện thủy hải văn đặc trưng của khu vực ven
biển, có luồng hàng hải giao cắt nên còn tiềm ẩn rất lớn
nguy cơ mất an toàn; điều kiện để nâng cao chất lượng dịch
vụ du lịch đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách chưa đảm bảo.
(3) Hoạt động phục vụ khách ngủ đêm
trên Vịnh (lưu trú) là loại hình dịch vụ có tính đặc thù của Tỉnh; tính rủi ro
rất cao trong điều kiện thời tiết ngày càng có những diễn biến bất thường, cực
đoan; hiện nay chưa có quy định trong các văn bản của các cơ quan quản lý nhà
nước Trung ương và không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch (rất khó
khăn trong quản lý, đảm bảo an ninh trật tự ban đêm; nguy cơ xảy ra cháy, chìm
tàu không được phát hiện kịp thời rất cao; khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu
nạn kịp thời khi xảy ra cháy, chìm tàu trong đêm ngoài điểm lưu trú...).
(4) Trong công tác quản lý nhà nước bộc
lộ những hạn chế, yếu kém không theo kịp với yêu cầu thực tiễn như: Công tác kiểm
soát toàn diện việc hoạt động của đội tàu; trong quản lý chất lượng đóng tàu;
trong việc kiểm soát cung cấp các dịch vụ; công tác an toàn; tiêu chuẩn chất lượng
dịch vụ; năng lực của thuyền trưởng, thuyền viên; quản lý, điều hành du khách
lên xuống tàu...
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy
hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm
2030, ước tính lượng khách du lịch đến với Vịnh đến năm 2020 là 4,8 triệu lượt;
nhằm phục vụ an toàn cao nhất với chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch
thăm Vịnh; Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch “Nâng
cao chất lượng và quản lý đội tàu hoạt động
trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2020” với
các nội dung như sau:
I. Mục tiêu chung.
- Tập trung nâng cao chất lượng đội
tàu hoạt động du lịch trên Vịnh về hình thức thiết kế, chất lượng dịch vụ, điều
kiện kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ
nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn và đáp ứng chất lượng dịch vụ tốt
cho khách du lịch, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản
thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
- Chấn chỉnh và nâng cao chức năng,
nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động tàu hoạt động du lịch
trên Vịnh hiệu lực, hiệu quả theo hướng nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản
lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức,
cá nhân, doanh nghiệp có tàu hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên Vịnh ổn định và hiệu quả.
II. Mục tiêu cụ thể.
a) Có kế hoạch hàng năm giảm dần số
lượng tàu du lịch hiện tại phù hợp với nhu cầu thực tiễn phục vụ khách đến Quảng
Ninh có nhu cầu thăm Vịnh, nhằm tăng hiệu suất khai thác tàu và góp phần bảo tồn,
phát huy giá trị di sản và bảo vệ môi trường Vịnh.
b) Kiên quyết không được tăng số lượng
tàu lưu trú hiện tại và từng bước giảm số lượng tàu lưu trú theo lộ trình, tiến
tới chấm dứt hoạt động tàu lưu trú trên Vịnh;
c) Dần thay thế,
tiến tới xóa bỏ các tàu vỏ gỗ đang hoạt động vận chuyển khách bằng tàu vỏ thép
(hoặc vật liệu tương đương) với tiêu chí tàu đóng mới phải hiện đại, mẫu mã đẹp,
phù hợp với cảnh quan Vịnh, theo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật cao, chất lượng dịch
vụ cơ bản đạt chuẩn quốc tế.
d) Kiểm soát chặt
chẽ hình thức thiết kế, chất lượng tàu được đóng mới và hoạt động đón, trả và
phục vụ khách du lịch; áp dụng mô hình quản lý khai thác tàu tập trung đón
khách để nâng cao hiệu suất khai thác tàu, tăng hiệu quả đầu
tư và kinh doanh của chủ tàu.
đ) Hàng năm có kế hoạch đầu tư, nâng
cấp các cảng, bến, tuyến, điểm tham quan đồng bộ với lộ trình nâng cao chất lượng
đội tàu du lịch.
e) Quản lý chặt chẽ công tác đăng ký,
khai và nộp thuế; động viên khen thưởng những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực
hiện tốt nghĩa vụ thuế Nhà nước; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
luật thuế, phí.
III. Nội dung, giải
pháp thực hiện đến năm 2020.
1. Nâng cao chất lượng đội tàu
du lịch.
a. Xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm dần
số lượng tàu hoạt động vận chuyển khách du lịch tham quan, lưu trú trên Vịnh có chất lượng hạn chế chuyển sang hoạt động dịch vụ khác
và không được vận chuyển khách tham quan, lưu trú trên Vịnh. Tàu hoạt động trên
Vịnh có tính đặc thù cao với tính chất là vận chuyển khách
tham quan và khách lưu trú; do vậy thời hạn hoạt động tàu vận chuyển tham quan và lưu trú trên Vịnh theo quy định của Tỉnh.
b. Đóng mới tàu du lịch.
Hàng năm, trên cơ sở các tàu (tham
quan và lưu trú) hết niên hạn sử dụng, cho phép đóng mới tàu tham quan thay thế
trên nguyên tắc:
1- Tàu đóng mới theo mẫu thiết kế thống
nhất được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.
2- Mẫu tàu được thiết kế theo tiêu chí quy định, đạt tiêu chuẩn cao về an
toàn kỹ thuật, đảm bảo thẩm mỹ, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và các
điều kiện để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch; tải trọng tàu từ 60 ghế trở
lên; kích thước, mớn nước tàu phù hợp khả năng đáp ứng của luồng tuyến, cảng bến;
kết cấu tàu tiện lợi cho khách du lịch lên, xuống, sinh hoạt trên tàu.
3- Tổng số ghế của tàu tham quan đóng
mới bằng 50% tổng số ghế, giường của tàu hết niên hạn sử dụng hàng năm.
4- Tổ chức lựa chọn và cấp quyền đóng
mới tàu tham quan (xây dựng quy định cụ thể riêng, có tiêu chí ưu tiên đối với
các chủ tàu hết niên hạn sử dụng trong năm).
5- Không đóng mới tàu lưu trú.
- Khuyến khích chủ các tàu đến 2020
chưa hết niên hạn sử dụng, đăng ký đóng mới thay thế trong giai đoạn đến 2020
(theo quy định giảm 50% số ghế, giường) để được hưởng ưu
đãi trong lựa chọn cấp quyền đóng mới tàu tham quan.
Căn cứ vào niên hạn sử dụng tàu trên
Vịnh, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành danh mục số tàu, số ghế, giường giảm và số
ghế đóng thay thế trong giai đoạn 2016 - 2020. Hàng năm, Ủy
ban nhân dân Tỉnh công bố số lượng và cỡ tàu đóng mới đảm bảo thực hiện đầy đủ
theo mục tiêu của Kế hoạch này.
2. Nâng cao hiệu suất khai thác tàu.
- Tăng hệ số lấp đầy khách cho tàu
tham quan thông qua việc tổ chức Phương án tổ chức điều
hành, sắp xếp tàu du lịch đón khách tại các cảng, bến (có Phương án cụ thể
riêng). Qua đó các tàu du lịch sẽ được quản lý tập trung, sắp xếp
đón trả khách đảm bảo tối ưu công suất vận chuyển của tàu, tăng hiệu quả đầu tư
và kinh doanh của các chủ tàu.
(Tăng hệ số lấp đầy của tàu tham
quan từ 42% tới 75% ngày thường và 90%-100% ngày cao điểm, duy trì hệ số lấp đầy của tàu lưu trú là 76%).
- Thông qua Phương án, kiểm soát chặt
chẽ hoạt động đón, trả và phục vụ khách du lịch; tiếp nhận phản hồi về điều kiện
an toàn và chất lượng phục vụ của tàu du lịch để kịp thời
chấn chỉnh; triệt tiêu tình trạng cạnh tranh, kinh doanh
không lành mạnh của các chủ tàu.
- Thành lập Trung tâm điều hành tàu
và phục vụ khách du lịch đi tham quan trên Vịnh.
4. Đầu tư cảng, bến, luồng phục
vụ tàu du lịch.
- Các cảng, bến trên đất liền: Tập
trung đầu tư, sửa chữa nâng cấp các cảng, bến chính là Cảng tàu khách quốc tế
Tuần Châu; Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hòn Gai; Bến
khách Hòn Gai (bến thủy nội địa); Cảng khách du lịch Cọc 3
(thay thế Bến khách Hòn Gai).
- Các bến cập tàu đón trả khách trên
Vịnh: Đầu tư nạo vét luồng vào, nâng cấp bến. Trước mắt giữ nguyên theo quy mô
như hiện nay và phát triển thêm khi có nhu cầu hoặc hình
thành thêm tuyến, điểm tham quan mới; đồng thời tiến hành rà soát để đầu tư hiện đại, phù hợp với công suất tàu để đón được các tàu lớn. Khi
nhu cầu tăng cao sẽ xem xét bổ sung một
số cảng ở khu vực Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Quảng Yên... để
phục vụ các tuyến du lịch mới mở thêm.
- Duy trì cấp luồng đường thủy nội địa
hiện tại, hoàn thiện hệ thống báo hiệu; rà soát đầu tư mở mới, nâng cấp theo
Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh.
5. Nâng cao trách nhiệm trong
công tác quản lý nhà nước.
- Thực hiện nghiêm các quy định của
Trung ương và địa phương về quản lý hoạt động của tàu du lịch; tăng cường thanh
tra giám sát, kiểm soát công tác đóng mới, đăng ký, đăng
kiểm, cấp phép hoạt động tàu du lịch.
- Kiểm soát chặt
chẽ số lượng và chất lượng đội tàu du lịch hoạt động trên Vịnh trong việc giảm
số lượng tàu theo niên hạn và đóng mới thay thế tàu chất lượng cao hàng năm
theo Kế hoạch này; đảm bảo thực hiện đúng lộ trình thay thế,
tiến tới xóa bỏ các tàu vỏ gỗ, lộ trình khống chế, giảm dần và tiến tới chấm dứt hoạt động tàu lưu trú đêm.
- Xây dựng quy định cụ thể về lựa chọn
và cấp quyền đóng mới tàu tham quan (có tiêu chí ưu tiên đối với các chủ tàu hết
niên hạn sử dụng trong năm); xây dựng tiêu chí ưu tiên lựa chọn và cấp quyền
đóng mới bổ sung tàu tham quan đối với tàu vỏ gỗ (có tàu vỏ gỗ niên hạn hoạt động
tới sau năm 2020) đăng ký giảm trước thời hạn (tỷ lệ 50%); tổ chức lựa chọn và cấp quyền đóng mới tàu tham quan theo mẫu thiết kế được
duyệt;
- Xây dựng Phương án tổ chức điều
hành, sắp xếp tàu du lịch đón khách tại các cảng, bến và triển khai áp dụng;
thông qua Phương án, các tàu du lịch được quản lý, điều hành tập trung, sắp xếp
đón khách và xuất bến theo thứ tự đạt hệ số lấp đầy tối ưu, tăng hiệu suất khai
thác của tàu du lịch lên mức hợp lý.
- Áp dụng Phương án tổ chức điều
hành, sắp xếp tàu du lịch đón khách tại các cảng, bến; Thành lập và triển khai
áp dụng Trung tâm điều hành tàu du lịch:
+ Trung tâm là đầu mối để khách du lịch
liên hệ sử dụng dịch vụ thăm Vịnh và phản ánh chất lượng dịch vụ; là nơi bán vé
tập trung cho tất cả khách tham quan, lưu trú (giá vé bao gồm đủ các chi phí dịch
vụ thăm Vịnh và các khoản thuế, phí theo quy định); là nơi điều hành hoạt động
vận chuyển khách của đội tàu du lịch trên Vịnh.
+ Trung tâm hoạt động trên nguyên tắc
điều hành tàu đón khách đảm bảo công khai, minh bạch, quản lý chặt chẽ hoạt động
của toàn bộ tàu du lịch nhằm đảm bảo hiệu suất khai thác của tàu, đón tiếp và
phục vụ chu đáo, văn minh, lịch sự toàn bộ khách du lịch đến với Vịnh; chấm dứt
sự cạnh tranh, kinh doanh không lành mạnh của tàu và kiểm soát nguồn thu ngân
sách nhà nước.
IV. Tổ chức thực
hiện.
1. Sở Giao thông vận tải chủ
trì:
- Kiểm soát số
lượng và chất lượng đội tàu du lịch: Quản lý chất lượng kỹ thuật, dịch vụ, niên
hạn hoạt động của đội tàu du lịch hiện có; kiểm soát việc giảm số lượng tàu
theo niên hạn hoạt động.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tổ chức lựa chọn mẫu
thiết kế tàu, lấy ý kiến của các chuyên gia, các chủ tàu du lịch có kinh nghiệm
để thống nhất chọn mẫu thiết kế tàu áp dụng chung, trên
nguyên tắc phải đảm bảo thẩm mỹ, điều kiện an toàn kỹ thuật
cao và khai thác hiệu quả nhất trọng tải tàu trong từng thời điểm; hoàn thành
trong quý II/2016.
- Thực hiện giám sát, kiểm soát công tác đóng mới, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép hoạt động cho
các tàu đóng mới bổ sung hàng năm theo Kế hoạch.
- Tham mưu cho Ủy
ban nhân dân Tỉnh phân công nhiệm vụ cho các cơ quan tham gia quản lý tàu; chủ
trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng quy trình, tiêu chí lựa chọn
và cấp quyền đóng mới bổ sung tàu tham quan; hoàn thành và
báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh trong quý II/2016.
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị có
liên quan xây dựng tiêu chí ưu tiên lựa chọn và cấp quyền đóng mới bổ sung tàu
tham quan đối với các chủ tàu (có tàu vỏ gỗ niên hạn hoạt động tới sau năm
2020) đăng ký giảm tàu vỏ gỗ trước thời hạn; hoàn thành trong quý II/2016.
- Xây dựng và triển khai ngay Phương án tổ chức điều hành, sắp xếp tàu du lịch đón khách
tại các cảng, bến đối với các tàu không có hợp đồng đoàn khách (tàu lẻ) trong
tháng 3/2016.
- Xây dựng phương án thành lập Trung
tâm điều hành tàu du lịch, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh phê
duyệt hoạt động từ ngày 01/5/2016.
- Chỉ đạo Cơ quan Cảng vụ không cấp
phép rời cảng, bến đối với các tàu không đảm bảo các quy định hiện hành.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì:
- Tham mưu công tác đầu tư mới, nâng
cấp các cảng, bến trên đất liền và luồng đường thủy nội địa
phục vụ phát triển du lịch và phù hợp với đội tàu du lịch.
3. Sở Tài chính chủ trì:
- Tham mưu ban hành giá vé tại Trung
tâm điều hành tàu du lịch, giá vé bao gồm đủ các chi phí của các doanh nghiệp
tham gia phục vụ tham quan Vịnh và các khoản thuế, phí theo quy định.
- Chủ trì xây dựng các khoản thu thuế,
phí, lệ phí... theo quy định.
4. Cục Thuế chủ trì:
- Hướng dẫn, đôn đốc các chủ tàu tuân
thủ các quy định về đăng ký thuế, khai và nộp thuế, phí, lệ phí... theo đúng
các quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật về thuế, phí, lệ
phí hiện hành.
5. Các Sở, ban, ngành, địa
phương, Chi hội tàu du lịch Hạ Long và các chủ tàu:
- Ủy ban nhân dân các địa phương: Hạ
Long, Cẩm Phả, Vân Đồn và các địa phương liên quan chịu
trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý nhà nước đối với các tàu hoạt động du
lịch trên địa bàn.
- Chi hội tàu du lịch Hạ Long tuyên
tuyền tới các chủ tàu về chủ trương tại Kế hoạch này để
tuân thủ; tổng hợp các nguyện vọng chính
đáng của các chủ tàu để gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước
xem xét, giải quyết.
- Các cơ quan quản lý nhà nước liên
quan, các chủ tàu nắm vững các nội dung quy định tại Kế hoạch
này để thực hiện nghiêm túc nhằm nâng cao chất lượng và
công tác quản lý nhà nước đối với đội tàu du lịch trên Vịnh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu
phát sinh những vấn đề mới, chưa phù hợp với thực tiễn và
yêu cầu quản lý thì Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm tổng hợp đề xuất báo
cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với
tình hình thực tế đáp ứng với yêu cầu quản lý để nâng cao chất lượng đội tàu hoạt
động du lịch./.