Quyết định 980/QĐ-BGDĐT năm 2022 về Kế hoạch triển khai Quyết định 142/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030" do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 980/QĐ-BGDĐT
Ngày ban hành 13/04/2022
Ngày có hiệu lực 13/04/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Ngô Thị Minh
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 980/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 142/QĐ-TTG NGÀY 27/01/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC MÔN HỌC TIẾNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phthông và trung tâm giáo dục thường xuyên;

Căn cứ Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030";

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Ông (bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ VH-TT-DL
;
- UBND các tỉnh/thành phố;
- Các Thứ trưởng;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Các trường đại học;
- Cổng thông tin điện tử Bộ;
- Lưu: VT; Vụ GDDT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Ngô Thị Minh

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 142/QĐ-TTG NGÀY 27/01/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC MÔN HỌC TIẾNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 980/QĐ-BGDĐT ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thực hiện Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030", Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 142/QĐ-TTg (sau đây gọi là Kế hoạch) với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ để đạt mục tiêu được giao tại Quyết định số 142/QĐ-TTg về nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông.

2. Yêu cầu

- Xác định đầy đủ các hoạt động cho từng nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 142/QĐ-TTg; phân công các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng các nhiệm vụ được giao gắn với trách nhiệm quản lý; đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa Bộ GDĐT với các cơ quan, đơn vị trong triển khai Kế hoạch.

- Tập trung các nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các điều kiện dạy học có tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu học tập tiếng dân tộc thiểu số của học sinh.

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Đến năm 2025:

- Hoàn thành biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng dân tộc thiểu số đã được ban hành chương trình môn học gồm các tiếng: Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái.

- Bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng dân tộc thiểu số sau khi biên soạn.

- Ban hành mới ít nhất 01 chương trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông.

[...]