THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
142/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC CÁC MÔN TIẾNG DÂN TỘC
THIỂU SỐ TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2021 -2030”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng
6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP
ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 82/2010/NĐ-CP
ngày 15 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ
viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo
dục thường xuyên;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày
01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;
Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg
ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương
trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy
học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai
đoạn 2021 - 2030” (sau đây gọi là Chương trình) với những nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu đến năm 2025:
- Hoàn thành biên soạn sách giáo
khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng dân tộc thiểu số
đã được ban hành chương trình môn học (gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer,
Jrai, Mnông, Mông, Thái).
- Bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài
liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng dân tộc thiểu số sau khi
biên soạn.
- Ban hành mới ít nhất 01 chương
trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết để đưa vào dạy học
trong chương trình giáo dục phổ thông.
- Đảm bảo đủ giáo viên tiếng dân tộc
thiểu số, trong đó 45% giáo viên có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản
lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng
cao năng lực.
2. Mục tiêu đến năm 2030:
- Ban hành mới ít nhất 02 chương
trình môn học của tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết để đưa vào dạy học
trong chương trình giáo dục phổ thông.
- Ban hành sách giáo khoa, tài liệu
hướng dẫn dạy học bậc trung học đối với những tiếng dân tộc thiểu số có nhu cầu
và đủ điều kiện biên soạn; sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu
học đối với những tiếng dân tộc thiểu số mới ban hành chương trình.
- Bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài
liệu hướng dẫn dạy học đối với các tiếng dân tộc thiểu số sau khi biên soạn.
- Phấn đấu đạt 100% giáo viên dạy tiếng
dân tộc thiểu số có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục
có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP
1. Phát triển chương trình, sách giáo
khoa và tài liệu dạy học tiếng dân tộc thiểu số
a) Biên soạn sách giáo khoa, tài liệu
dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng dân tộc thiểu số đã được ban hành chương
trình môn học (gồm tiếng Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái);
sách giáo khoa, tài liệu dạy học bậc trung học đối với những tiếng dân tộc thiểu
số có nhu cầu và đủ điều kiện biên soạn.
b) Xây dựng và ban hành mới chương
trình môn học đối với tiếng dân tộc thiểu số có đủ điều kiện để đưa vào dạy học
trong chương trình giáo dục phổ thông; biên soạn các bộ sách giáo khoa, tài liệu
dạy học bậc tiểu học đối với các tiếng dân tộc thiểu số mới ban hành chương
trình.
2. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội
ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếng dân tộc thiểu số
a) Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục
đại học trong việc phát triển chương trình, mở ngành đào tạo giáo viên tiếng
dân tộc thiểu số, giáo viên liên môn (trong đó có tiếng dân tộc thiểu số).
b) Đẩy mạnh đào tạo giáo viên tiếng
dân tộc thiểu số đạt chuẩn trình độ theo quy định; thực hiện đào tạo giáo viên
tiếng dân tộc thiểu số theo các phương thức phù hợp (văn bằng hai, cử tuyển,
đào tạo theo địa chỉ,...).
c) Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo
viên tiếng dân tộc thiểu số về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá;
nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về kiến thức
dân tộc và quản lý dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
3. Tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng
công nghệ thông tin trong dạy học tiếng dân tộc thiểu số
a) Nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị
trong các cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu về dạy học
tiếng dân tộc thiểu số.
c) Ứng dụng công nghệ thông tin trong
phát triển kho học liệu và dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
4. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy
học tiếng dân tộc thiểu số
Rà soát, đánh giá các quy định pháp
luật hiện hành về dạy học tiếng dân tộc thiểu số; nghiên cứu, đề xuất chế độ
chính sách đối với người dạy và người học tiếng dân tộc thiểu số.
5. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận
thức về dạy học tiếng dân tộc thiểu số
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến
để nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng,
Nhà nước đối với dạy học tiếng dân tộc thiểu số; về quyền lợi và trách nhiệm
gìn giữ, phát triển ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số.
b) Tổ chức sơ kết, tổng kết Chương
trình và biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân
rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong dạy học tiếng dân tộc
thiểu số.
III. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của
Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện
hành, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
2. Hằng năm, căn cứ nhiệm vụ tại
Chương trình, các bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch và dự
toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm của bộ,
ngành trung ương và địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì:
a) Xây dựng kế hoạch triển khai
Chương trình; tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chương
trình; tổ chức sơ kết Chương trình vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030 và đề xuất
Thủ tướng Chính phủ khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân tiêu biểu.
b) Phát triển chương trình, tổ chức
biên soạn sách giáo khoa, tài liệu dạy học tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với
các quy định của pháp luật hiện hành.
c) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ
quản lý giáo dục, giáo viên tiếng dân tộc thiểu số.
d) Rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi,
bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách theo thẩm quyền; tuyên truyền, phổ biến,
nâng cao nhận thức về dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương
xây dựng các điều kiện đảm bảo chất lượng và tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu
số.
2. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với
các bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, dự án, đề
án hỗ trợ giữ gìn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; tuyên
truyền, vận động cộng đồng và phát huy vai trò của trí thức dân tộc, người có
uy tín tham gia vào việc dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số.
3. Bộ Tài chính chủ trì xem xét, phân
bổ nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện Chương trình
theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ
trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí kinh phí tổ chức các hoạt động
khôi phục, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian của đồng
bào dân tộc thiểu số tại các Chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê
duyệt.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương:
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển
khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng nhu
cầu học của học sinh và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
b) Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật
chất, trang thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định.
c) Phát triển đội ngũ giáo viên tiếng
dân tộc thiểu số đạt chuẩn về trình độ được đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy học tiếng
dân tộc thiểu số trên địa bàn.
d) Hằng năm, bố trí nguồn lực tài
chính phục vụ việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định hiện hành về
phân cấp ngân sách nhà nước.
đ) Báo cáo sơ kết, tổng kết theo hướng
dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- Lưu: VT, KGVX (2b). Sơn.
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức Đam
|