Quyết định 975/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Lai Châu ban hành

Số hiệu 975/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/09/2015
Ngày có hiệu lực 07/09/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Đỗ Ngọc An
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 975 /QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 07 tháng 9 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CỐ ĐỊNH NỘI TỈNH ĐƯỜNG BỘ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 1854/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Lai Châu giai đoạn 2013 - 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh đường bộ (sau đây gọi tắt là Quy hoạch chi tiết) với các nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm, mục tiêu.

1. Quan điểm.

- Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh đường bộ phù hợp với Chiến lược phát triển giao thông vận tải, chiến lược phát triển dịch vụ vận tải, Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải đường bộ Việt Nam và các chiến lược, quy hoạch đường bộ của địa phương.

- Phát triển mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh đường bộ trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân giữa các vùng, địa phương, đảm bảo an toàn, thuận lợi và chi phí hợp lý. Ưu tiên phát triển các tuyến ở những nơi chưa có tuyến vận tải hành khách.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả khai thác tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh; tăng cường kết nối các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh, liên tỉnh với các phương thức vận tải hành khách khác.

- Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, nâng cao tính cạnh tranh, lành mạnh, trật tự và hiệu quả giữa các đơn vị kinh doanh vận tải.

- Phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, luồng tuyến và phương tiện vận tải. Chú trọng nâng cao chất lượng, phương tiện vận tải hành khách phù hợp với chất lượng hệ thống đường bộ đảm bảo an toàn, hiệu quả, hiện đại, chất lượng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu.

Hình thành tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh có tính đồng bộ, thống nhất với kết cấu hạ tầng, với quy mô phù hợp và đảm bảo kết nối tới từng vùng, từng địa phương và kết nối với các phương thức vận tải hành khách khác, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

3. Nội dung quy hoạch chi tiết đến năm 2020.

a. Giai đoạn đến năm 2020.

Hoàn chỉnh các điều kiện về hạ tầng bến xe, bãi đỗ xe đảm bảo duy trì hoạt động của các tuyến đang khai thác. Bổ sung một số tuyến đi và đến bến xe mới hoặc có hành trình đi theo các tuyến đường bộ mới, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân.

b. Giai đoạn 2021-2030.

Điều chỉnh, bổ sung các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh đường bộ đáp ứng nhu cầu đi lại tăng trưởng bình quân đạt 6,5% năm.

II. Tiêu chí quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh.

Tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh (sau đây viết tắt là tuyến nội tỉnh) quy hoạch phải đáp ứng các tiêu chí sau:

1. Có bến xe nơi đi, bến xe nơi đến đã được cơ quan có thẩm quyền công bố và xếp loại theo quy định.

2. Có hệ thống đường bộ được công bố đưa vào khai thác trên toàn bộ hành trình.

[...]