Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 967/QĐ-UBND năm 2018 quy định về giải quyết các trường hợp cải tạo đất nông nghiệp có điều kiện sản xuất không thuận lợi bằng cách thay đổi độ cao mặt bằng, đào ao chứa nước, loại bỏ sỏi đá và tầng nghèo dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 967/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/04/2018
Ngày có hiệu lực 16/04/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 967/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 16 tháng 4 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ GIẢI QUYẾT CÁC TRƯỜNG HỢP CẢI TẠO ĐẤT NÔNG NGHIỆP CÓ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT KHÔNG THUẬN LỢI BẰNG CÁCH THAY ĐỔI ĐỘ CAO MẶT BẰNG, ĐÀO AO CHỨA NƯỚC, LOẠI BỎ SỎI ĐÁ VÀ TẦNG NGHÈO DINH DƯỠNG ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Thông báo số 380-TB/VPTU ngày 09 tháng 3 năm 2018 của Văn phòng Tỉnh ủy về kết luận của Thường Trực Tỉnh ủy về dự thảo Quyết định Quy định tạm thời về giải quyết các trường hợp cải tạo đất nông nghiệp;

Căn cứ tình hình thực tiễn quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; tình hình thực tế và kiến nghị của các địa phương, cá nhân, hộ gia đình về nhu cầu cải tạo đất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn liên sở số 1180/LS-TNMT-NNPTNT ngày 22 tháng 3 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định về giải quyết các trường hợp cải tạo đất nông nghiệp có điều kiện sản xuất không thuận lợi bằng cách thay đổi độ cao mặt bằng, đào ao chứa nước, loại bỏ sỏi đá và tầng nghèo dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, cụ thể như sau:

1. Giải thích từ ngữ:

a) Khuyến khích đầu tư vào đất đai: Nhà nước khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư vào việc bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; khai hoang, phục hóa, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

b) Đất nông nghiệp kém hiệu quả: Là đất được cơ quan thẩm quyền xác định có mục đích sản xuất nông nghiệp có điều kiện sản xuất không thuận lợi (đất khô cằn, nghèo dinh dưỡng, tầng canh tác mỏng bị kết von, địa hình lồi lõm không bằng phẳng khó thực hiện cơ giới hóa, khó tưới tiêu, giữ nước kém làm cho sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả).

c) Cải tạo đất sản xuất nông nghiệp: Là áp dụng các biện pháp do người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn vào việc bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất, đạt được cao độ phù hợp cho canh tác, tăng hiệu quả sử dụng đất.

d) Đất, đá dôi dư: Là lượng đất, đá và các vật chất khác thừa ra (gọi chung là đất dôi dư) sau khi tiến hành cải tạo đất nông nghiệp để có độ cao phù hợp canh tác, không có giá trị về dinh dưỡng cho cây trồng và cần chuyển đi nơi khác, thành phần bao gồm các loại đất pha lẫn tạp chất như đá, sỏi sạn, hà ly kết von, đá tổ ong…

đ) Hành vi vi phạm trong sử dụng đất nông nghiệp: Là các hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (Điều 6 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP); Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (Điều 7 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP); Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (Điều 8 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP).

2. Quy định về giải quyết các trường hợp cải tạo đất nông nghiệp có điều kiện sản xuất không thuận lợi bằng cách thay đổi độ cao mặt bằng, đào ao chứa nước, loại bỏ sỏi đá và tầng nghèo dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận:

a) Đất xin cải tạo sản xuất nông nghiệp: Là đất có mục đích sản xuất nông nghiệp có điều kiện sản xuất nông nghiệp không thuận lợi như nêu tại điểm b khoản 1 Điều này; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp của địa phương.

b) Đối tượng áp dụng:

- Cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mục đích sản xuất nông nghiệp. Trường hợp đào ao nuôi trồng thủy sản thì phải được cấp thẩm quyền cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản. Trường hợp cải tạo đất nông nghiệp nhưng không vận chuyển đất, đá dư dôi ra khỏi diện tích cải tạo thì không áp dụng quyết định này.

- Quyết định này không áp dụng đối với tổ chức, tập thể, doanh nghiệp. Các đơn vị này thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận và theo quy định pháp luật hiện hành.

c) Đất nông nghiệp sau khi cải tạo phải đảm bảo có điều kiện sản xuất tốt hơn so với trước khi cải tạo; đáp ứng được các tiêu chí: địa hình bằng phẳng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; đảm bảo nguồn nước tưới tiêu ổn định thông qua các giải pháp có bố trí tưới tiêu (ao chứa nước, hệ thống tưới); cải thiện dinh dưỡng và thành phần cơ giới đất so với trước khi cải tạo; đảm bảo sản xuất nông nghiệp thuận lợi, có hiệu quả.

[...]