Thứ 4, Ngày 06/11/2024

Quyết định 96-CT năm 1988 phê duyệt Hiệp định về vệ sinh thú y giữa Chính phủ nước CHXHCNVN và Chính phủ liên bang CHXHCN Xô Viết do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 96-CT
Ngày ban hành 05/04/1988
Ngày có hiệu lực 20/04/1988
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 96-CT

Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 1988

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT HIỆP ĐỊNH VỀ VỆ SINH THÚ Y GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA XÔ-VIẾT

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (công văn số 239-NN-HTQT/CV ngày 24-2-1988).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê chuẩn Hiệp định về vệ sinh thú y giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hoà xã hội chủa nghĩa Xô-viết do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm nước Việt Nam và đại diện Chính phủ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô-viết ký ngày 19 tháng 1 năm 1988 tại Mát-xcơ-va.

Điều 2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Thủ trưởng các ngành có liên quan ở Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆP ĐỊNH

VỀ VỆ SINH THÚ Y GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚCCỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA XÔ-VIẾT

Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô-viết (dưới đây gọi tắt là hai bên ký kết), với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác trong lĩnh vực thú y nhằm mục đích ngăn ngừa sự nguy hại của dịch bệnh động vật, đã thoả thuận như sau:

Điều 1. Hai Bên ký kết sẽ tiến hành hợp tác trong lĩnh vực thú y và sử dụng những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan các bệnh truyền nhiễm từ lãnh thổ nước một Bên ký kết sang lãnh thổ nước Bên ký kết thứ 2.

Điều 2. Hai Bên ký kết thoả thuận uỷ nhiệm cho cơ quan thú y có thẩm quyền của hai nước cùng nhau quy định những quy tắc về các điều kiện xuất nhập khẩu, quá cảnh động vật, sản phẩm, nguyên liệu nguồn gốc động vật và thức ăn gia súc.

Điều 3. Với mục đích ngăn ngừa và tiêu diệt các bệnh truyền nhiễm của gia súc, cơ quan thú y có thẩm quyền của hai Bên ký kết sẽ trao đổi các thông báo hàng tháng về tình hình dịch bệnh gia súc thuộc nhóm "A" do Văn phòng dịch tễ quốc tế quy định và các bệnh truyền nhiễm khác.

Điều 4. Cơ quan thú y có thẩm quyền của hai Bên ký kết sẽ tiến hành trao đổi các văn bản pháp lý và các tài liệu chuyên ngành về các vấn đề thú y, thuốc thú y.

Điều 5. Trong trường hợp cần thiết, theo sự thoả thuận với nhau hai Bên ký kết có thể trao đổi các đoàn đại biểu và chuyên gia để tiến hành hội thảo và thực tập về các vấn đề khoa học và thực tiễn trong lĩnh vực thú y mà hai Bên cùng quan tâm.

Điều 6. Tất cả những chi phí đi lại và lưu trú của các đoàn đại biểu hoặc các chuyên gia từ nước này sang nước kia theo Hiệp định này sẽ do nước cử tự đài thọ. Tuỳ theo khả năng, nước tiếp đón chịu các phương tiện đi lại ở nước mình.

Điều 7. Trách nhiệm thực hiện Hiệp định này ở Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam giao cho Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Việt Nam, còn ở Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô-viết giao cho Tổng cục Thú y thuộc Uỷ ban Nông công nghiệp Nhà nước Liên Xô.

Điều 8. Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực sau khi được phê duyệt ở hai nước phù hợp với Luật pháp của mỗi nước và sau khi trao đổi công hàm phê duyệt. Hiệp định này sẽ có hiệu lực cho đến khi một trong hai Bên ký kết thông báo cho Bên kia về ý muốn chấm dứt hiệu lực Hiệp định. Trong trường hợp này Hiệp định sẽ hết liệu lực sau 6 tháng kể từ ngày một trong hai Bên ký kết trao cho Bên kia văn bản thông báo về việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định.

Làm tại Mát-xcơ-va ngày 19 tháng 1 năm 1988 bằng hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt Nam và tiếng Nga, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

HIỆP ĐỊNH

GIỮA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ UỶ BAN NÔNG CÔNG NGHIỆP NHÀ NƯỚC LIÊN BANG CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA XÔ-VIẾT VỀ CÁC ĐIỀU KIỆN VỆ SINH THÚ Y TRONG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀ QUÁ CẢNH ĐỘNG VẬT, CÁC SẢN PHẨM, NGUYÊN LIỆU NGUỒN GỐC ĐỘNG VẬT, THỨC ĂN GIA SÚC VÀ CÁC VẬT CÓ THỂ LÀ NHỮNG THỨ MANG BỆNH TRUYỀN NHIỄM GIA SÚC.

Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Uỷ ban Nông công nghiệp Nhà nước Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô-viết, phù hợp với điều 2 của Hiệp định về vệ sinh thú y giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô-viết ký ngày 19 tháng 1 năm 1988 đã thoả thuận như sau:

Điều 1. Các điều khoản trong Hiệp định này áp dụng đối với:

a) Động vật:

- Động vật một móng;

- Động vật móng chẵn (gia súc lớn có sừng, lợn, cừu và dê);

- Gia cầm các loại và gà con 1 ngày tuổi;

- Trứng giống;

- Tinh dịch động vật;

- Phôi động vật;

- Chó, mèo, thú cho lông, thỏ rừng, thỏ nhà;

- Động vật và chim dùng cho xiếc và các vườn thú;

- Ong;

- Cá, tôm, ếch và nhuyễn thể;

- Chim hoang dã và các động vật hiếm.

b) Các sản phẩm nguồn gốc động vật:

- Thịt, các sản phẩm phụ và mỡ thực phẩm của gia súc lớn có sừng, lợn, cừu, dê, gia cầm, ngựa và động vật hoang dã;

- Sữa và các sản phẩm sữa;

- Cá và các sản phẩm của cá, tôm, ếch, nhuyễn thể, giáp xác;

- Trứng và các sản phẩm của trứng;

- Mật ong và các sản phẩm khác của ngành ong.

c) Nguyên liệu nguồn gốc động vật:

- Lông thú, da, lông cứng, lông cừu, lông tơ, lông vũ, sừng, móng, xương, bột thịt xương, bột cá, chất nội tiết và các sản phẩm nguồn gốc động vật khác.

d) Thức ăn dùng cho gia súc và các vật thể có thể là nguồn mang bệnh truyền nhiễm:

- Thức ăn thô và thức ăn tinh, khô dầu, bã trích ly, thức ăn hỗn hợp:

- Các loại thức ăn có nguồn gốc động vật;

- Thiết bị và dụng cụ của các toa tầu hoả, tầu thuỷ, máy bay, xe tải dùng để chuyên chở động vật;

- Vật liệu đóng gói và bao bì.

Điều 2. Việc chuyên chở động vật, các sản phẩm và nguyên liệu nguồn gốc động vật, thức ăn nêu trong Hiệp định này chỉ được thực hiện qua những cửa khẩu, ga xe lửa, bến cảng và sân bay, nơi có sự kiểm soát thú y quốc gia.

Điều 3. Những lô động vật, sản phẩm và nguyên liệu nguồn gốc động vật, thức ăn gia súc và các vật có thể là nguồn mang bệnh truyền nhiễm phải kèm theo giấy chứng nhận miễn dịch động vật về nguồn gốc và tình trạng sức khoẻ của gia súc do bác sĩ thú y được chính thức uỷ quyền của nước xuất cấp phù hợp với mẫu đã được kỳ họp lần thứ 44 Ban thường trực Hội đồng Tương trợ kinh tế về nông nghiệp phê chuẩn.

Điều 4. Giấy chứng nhận kiểm dịch có thể cấp chung cho lô gia súc cùng loại gửi đi cho cùng một nơi và chuyên chở bằng cùng một phương tiện vận chuyển.

Giấy chứng nhận kiểm dịch phải được viết bằng tiếng Việt Nam và tiếng Nga.

Thời hạn có giá trị của giấy chứng nhận kiểm dịch là 10 ngày. Nếu thời hạn đó kết thúc trước khi lô hàng đến biên giới nước xuất thì bác sĩ thú y ở biên giới có thể gia hạn thêm 10 ngày nữa, với điều kiện khi khám lâm sàng lại không phát hiện thấy các triệu chứng nào của bệnh truyền nhiễm. Kết quả khám nghiệm đó phải được ghi vào giấy chứng nhận kiểm dịch.

Điều 5. Các phương tiện dùng để chuyên chở động vật, các sản phẩm và nguyên liệu nguồn gốc động vật phải được làm vệ sinh cơ giới và khử trùng theo quy định hiện hành của mỗi nước.

Việc vận chuyển hàng có nguồn gốc động vật trên lãnh thổ của cả hai nước phải được thực hiện với sự chấp hành những điều kiện vệ sinh thú y hiện hành ở mỗi nước.

Điều 6. Thịt, mỡ và các sản phẩm thịt phải lấy từ những động vật được giết mổ ở các xí nghiệp liên hợp chế biến thịt hoặc lò mổ và đã gia công ở các phân xưởng pha lọc được phép giết mổ động vật để xuất khẩu.

Các xí nghiệp liên hợp chế biến thịt, lò mổ và các phân xưởng pha lọc phải có số hiệu cho phép của thú y do cơ quan thú y quốc gia của nước xuất cấp. Số hiệu đó phải được ghi trên bao bì và trên dấu đóng lên thịt.

Thịt, mỡ và các sản phẩm của thịt không được chứa các chất hoá học và sinh học dư thừa với số lượng vượt quá giới hạn quy định của nước nhập.

Điều 7. Những động vật mà thịt dùng để xuất khẩu phải được thú y khám trước khi giết mổ, còn thân thịt và các cơ quan phủ tạng phải được cơ quan thú y quốc gia giám định vệ sinh thú y sau khi giết mổ.

Việc chuyên chở hoặc di chuyển những lô động vật dùng để giết mổ tới các xí nghiệp giết mổ chỉ được tiến hành qua những vùng không có bệnh lở mồm, long móng trong ba tháng cuối cùng.

Thịt phải lấy từ những động vật khoẻ mạnh thu mua ở những cơ sở sản xuất và địa phương an toàn đối với các bệnh truyền nhiễm sau:

a) Đối với đại gia súc có sừng: bệnh lở mồm, long móng trong vòng 12 tháng cuối cùng ở cơ sở sản xuất và địa phương có phạm vi bán kính cách đơn vị sản xuất 30 kilômét - trong vòng 3 tháng cuối cùng.

- Đối với bệnh lao, sẩy thai truyền nhiễm và bạch cầu trong vòng 12 tháng cuối cùng ở cơ sở sản xuất;

- Đối với bệnh nhiệt thán, ung khi thán trong vòng 20 ngày cuối cùng ở cơ sở sản xuất.

b) Đối với lợn:

- Bệnh lở mồm, long móng và bệnh viêm da mụn nước trong vòng 12 tháng cuối cùng ở cơ sở sản xuất và trong phạm vi bán kính 30 kilômét cách cơ sở sản xuất;

- Bệnh đóng dấu lợn trong vòng 20 ngày ở cơ sở sản xuất;

- Bệnh dịch tả lợn, Aujeski, viêm da mụn nước của lợn, viêm não tuỷ truyền nhiễm (bệnh tesen), viêm ruột dạ dày truyền nhiễm siêu vi trùng, viêm phổi truyền nhiễm siêu vi trùng trong vòng 12 tháng cuối cùng ở cơ sở sản xuất và trong phạm vi bán kính 30 kilômét cách cơ sở sản xuất.

Thân thịt của trâu bò phải được xét nghiệm bệnh gạo bò, thân thịt lợn xét nghiệm bệnh gạo và giun soắn với kết quả âm tính và có đóng dấu xét nghiệm của thú y quốc gia, với số hiệu hoặc tên của xí nghiệp nơi tiến hành giết mổ và ngày giết mổ.

Không được xuất khẩu thịt:

- Trong trường hợp ở trong nước phát sinh các type ngoại lai của bệnh lở mồm, long móng, dịch tả trâu bò, sốt lưỡi xanh và dịch tả lợn châu Phi;

- Thịt mà trong khi giám định vệ sinh thú y có thấy những biến đổi đặc trưng đối với những bệnh lở mồm, long móng, bạch cầu, lao, sẩy thai truyền nhiễm và những bệnh truyền nhiễm khác, cũng như những bệnh trường hợp nhiễm ký sinh trùng (gạo bò, gạo lợn, giun xoắn, Echinococco-sis, onchocercosis);

- Thịt lấy từ những động vật không thiến và cả những động vật quá 6 năm tuổi;

- Thịt lấy từ những động vật mới được tiêm chủng phòng bệnh lở mồm, long móng trong vòng 14 ngày trước khi giết mổ hoặc tiêm chủng phòng bệnh lở mồm, long móng bằng vắcxin sản xuất từ các type virus ngoại lai đối với nước nhập;

- Thịt đã bị giã đông trong quá trình bảo quản;

- Thịt còn sót những mẩu phủ tạng, các cục máu đông, những ổ áp xe chưa cắt bỏ, ấu trùng ruồi nhặng, bị bóc màng phúc mạc và các hạch lâm ba, có lẫn bẩn cơ học cũng như có mùi vị của cá;

- Có chứa các chất bảo quản;

- Đã xử lý bằng các chất nhuộm màu, các tia ion và các tia cực tím;

- Lấy từ các động vật bị tác dụng của các chất kích dục tố tự nhiên hay tổng hợp, các chất hoóc môn, các chế phẩm giáp trạng tố, kháng sinh và các chất an thần được tiêm ngay trước khi giết mổ.

Vật liệu dùng để đóng gói phải là vật liệu được sử dụng lần đầu tiên và phải đáp ứng được các yêu cầu vệ sinh thú y cần thiết.

Mỗi một lô thịt xuất đi phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch ghi bằng tiếng Việt Nam và tiếng Nga do bác sĩ thú y quốc gia ký.

Trong giấy chứng nhận kiểm dịch phải xác nhận việc đã thực hiện những điều kiện nêu trên, ngày tháng và kết quả giám định vệ sinh thú y, xét nghiệm bệnh gạo và giun xoắn, các kết quả xét nghiệm đó, và cả việc chứng nhận thịt lấy từ gia súc khoẻ mạnh và có thể làm thức ăn cho người không hạn chế.

Điều 8. Thịt gia cầm giết mổ phải lấy từ những cơ sở chăn nuôi gia cầm lớn, an toàn đối với các bệnh truyền nhiễm của gia cầm và nằm dưới sự kiểm soát của thú y quốc gia và phải được cơ quan đó cho phép.

Thịt gia cầm giết mổ phải lấy từ gia cầm khoẻ mạnh về lâm sàng, được nuôi ở nước xuất và xuất phát từ những cơ sở hay địa phương trong phạm vi bán kính 30 kilômét không có những bệnh sau:

- Dịch tả gia cầm;

- Psittacosis;

- Newcastle;

- Marec;

- Salmonellosis;

- Tụ huyết trùng;

- Lở mồm, long móng trong vòng 3 tháng cuối.

Sự an toàn dịch bệnh của các cơ sở cung cấp gia cầm giết mổ đối với bệnh newcastle và salmonellosis phải được xác nhận theo luật thú y hiện hành của nước bán.

Gia cầm trước khi giết mổ phải được thú y khám lâm sàng, còn thân thịt và phủ tạng sau khi giết mổ phải được khám chọn do đại diện cơ quan thú y tiến hành.

Trong trường hợp phát hiện có salnmo-nella trong cơ thịt hay phủ tạng thì toàn lô gia cầm giết mổ không được xuất.

Thịt gia cầm giết mổ phải được xác nhận là có thể dùng làm thức ăn cho người không hạn chế trên cơ sở giám định vệ sinh thú y tiến hành phù hợp với các điều kiện quy định ở nước xuất trong việc xuất khẩu thịt gia cầm.

Thịt gia cầm giết mổ không được chứa các chất bảo quản và xử lý bằng các chất nhiệm mầu, tia ion, hoặc tia cực tím.

Thịt gia cầm giết mổ phải được lấy từ các gia cầm không bị tác dụng của các chất kích dục tố tự nhiên hay tổng hợp, các chất hoóc môn, các chế phẩm giáp trạng tố, các chất kháng sinh, v.v...

Không được dùng các túi PE và bao bì đã sử dụng để đóng gói thịt gia cầm.

Các phương tiện vận chuyển, các điều kiện bốc xếp và vận chuyển thịt gia cầm giết mổ phải phù hợp với các điều kiện vệ sinh thú y của nước xuất.

Giấy chứng nhận kiểm dịch được cấp cho từng lô thịt gia cầm xuất khẩu.

Người mua có quyền thực hiện kiểm tra gia cầm trước khi giết mổ và giám định vệ sinh thú y thân thịt sau khi giết mổ bằng lực lượng chuyên gia thú y của mình.

Điều 9. Cá, tôm, sò, ếch, nhuyễn thể và các sản phẩm chế biến từ chúng phải phù hợp với điều kiện vệ sinh, có thể dùng làm thức ăn cho người và không chứa các chất phóng xạ và các chất khác có hại cho sức khoẻ của người.

Cá tươi hay cá đông lạnh có thể nguyên con, cắt đầu, cắt vây, cắt đuôi, bỏ ruột hoặc lọc xương.

Cá và các sản phẩm của cá được đóng trong các hộp hay các loại bao bì đóng kín khác có thể xuất khẩu với điều kiện đã được thanh trùng hay bảo quản và không chứa những chất mà nước nhập cấm sử dụng.

Điều 10. Nếu trên lãnh thổ của một trong các bên ký kết phát hiện thấy các bệnh lở mồm, long móng do các typevirus ngoại lai gây ra, dịch tả lợn châu Phi, dịch tả và viêm màng phổi trâu bò, dịch tả ngựa, sốt lưỡi xanh thì phải đình chỉ ngay việc xuất khẩu và quá cảnh qua lãnh thổ của các nước khác các động vật mẫn cảm đối với những bệnh truyền nhiễm trên, cùng như nguyên liệu và các sản phẩm nguồn gốc động vật, thức ăn gia súc và các vật khác có thể trở thành nguồn mang mầm bệnh truyền nhiễm không phụ thuộc vào nơi xuất hiện bệnh trong cả nước.

Điều 11. Nếu trên lãnh thổ của một trong các Bên ký kết phát hiện thấy có bệnh lở mồm, long móng do các typevirus cổ điển gây nên dịch tả lợn cổ điển hoặc bệnh viêm da mụn nước của lợn thì phải lập tức đình chỉ việc xuất khẩu, cả việc quá cảnh qua các nước khác các động vật mẫn cảm đối với những bệnh kể trên, cũng như nguyên liệu và các sản phẩm nguồn gốc động vật, các vật có thể là nguồn mang mầm bệnh truyền nhiễm từ những vùng không an toàn và cả những vùng lân cận trong vòng bán kính 30 kilômét.

Điều 12. Các điều khoản của Hiệp định này cũng liên quan đến những bệnh đã xác định hoặc chưa xác định mà việc lây lan có thể gây nguy hiểm cho các động vật của cả hai Bên ký kết. Thông tin về vấn đề này sẽ do các cơ quan thú y quốc gia cung cấp.

Điều 13.- Hiệp định này có hiệu lực đồng thời với Hiệp định về vệ sinh thú y giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô-viết và sẽ có giá trị trong suốt thời gian Hiệp định về vệ sinh thú y có hiệu lực.

Làm tại Hà Nội ngày 2 tháng 3 năm 1988 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt Nam và tiếng Nga. Cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.