Quyết định 937/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai

Số hiệu 937/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/12/2017
Ngày có hiệu lực 29/12/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Võ Ngọc Thành
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 937/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 29 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KHUNG KIẾN TRÚC CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH GIA LAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2016;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ các văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông: Công văn số 2384/BTTTT-THH ngày 28/7/2015 về việc hướng dẫn mẫu Đề cương Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, mẫu Đề cương Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh; Công văn số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 về việc ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 1.0; Công văn số 962/THH-KH ngày 08/12/2017 về việc góp ý dự thảo Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Gia Lai;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 116/TTr-STTTT ngày 20/12/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Gia Lai, với các nội dung chủ yếu sau:

I. Tổng quan về Chính quyền điện tử:

1. Khái niệm về Chính quyền điện tử: Chính quyền điện tử là Chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

2. Các giai đoạn phát triển của Chính quyền điện tử:

- Giai đoạn 1 - Thông tin: Trong giai đoạn đầu, Chính quyền điện tử có nghĩa là hiện diện trên trang web và cung cấp cho công chúng các thông tin (thích hợp). Giá trị mang lại: Giúp người dân tiếp cận được thông tin của chính quyền, đảm bảo tính minh bạch trong các quy trình, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhằm tăng cường sự tương tác giữa các cơ quan chính quyền (G2G), trao đổi thông tin với nhau bằng các phương tiện điện tử như Internet hoặc trong mạng nội bộ.

- Giai đoạn 2 - Tương tác: Trong giai đoạn thứ hai, sự tương tác giữa chính quyền và công dân (G2C) và với doanh nghiệp (G2B) được thông qua nhiều ứng dụng khác nhau. Người dân có thể gửi thông tin qua thư điện tử, sử dụng các công cụ tra cứu, tải xuống các biểu mẫu và tài liệu... giúp tiết kiệm thời gian. Việc tiếp nhận đơn thư, kiến nghị có thể thực hiện trực tuyến 24 giờ trong ngày. Giai đoạn này được thực hiện khi thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa điện tử, cơ chế một cửa liên thông điện tử.

- Giai đoạn 3 - Giao dịch: Tăng sự tương tác giữa chính quyền và công dân (G2C) và với doanh nghiệp (G2B). Các giao dịch hoàn chỉnh có thể thực hiện mà không cần đi đến cơ quan hành chính. Mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Về khía cạnh doanh nghiệp, Chính quyền điện tử hỗ trợ các ứng dụng mua bán trực tuyến. Ở giai đoạn này, các quy trình nội bộ (G2G) phải được thiết kế lại để cung cấp dịch vụ được tốt. Chính quyền cần những quy định pháp luật để cho phép thực hiện các giao dịch không sử dụng tài liệu bằng giấy.

- Giai đoạn 4 - Chuyển hóa: Khi mọi hệ thống thông tin được tích hợp hoàn toàn, các dịch vụ điện tử không còn bị giới hạn bởi các ranh giới hành chính. Khi đó người dân có thể hưởng các dịch vụ G2C và G2B tại một bàn giao dịch (điểm giao dịch ảo). Ở giai đoạn này, tiết kiệm chi phí, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu khách hàng đã đạt được mức cao nhất có thể được.

3. Vai trò của Khung Kiến trúc CQĐT trong xây dựng CQĐT:

Việc xây dựng Khung Kiến trúc CQĐT ở các cấp đóng vai trò quan trọng trong phát triển CQĐT, đặc biệt khi việc triển khai ứng dụng CNTT trong các tỉnh, thành phố ngày càng được phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng. Kiến trúc CQĐT thể hiện thiết kế tổng thể các thành phần trong CQĐT của các cơ quan nhà nước (CQNN), chức năng, mối quan hệ giữa các thành phần.

II. Mục đích và phạm vi áp dụng:

1. Mục đích xây dựng Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai:

- Tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) các sở ngành, các địa phương nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính công cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc với mục tiêu chuyển từ Chính quyền quản lý sang Chính quyền phục vụ và kiến tạo;

- Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước;

- Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế;

- Đề xuất danh mục các chương trình/nhiệm vụ cần triển khai để cơ bản hoàn thành hệ thống CQĐT tỉnh Gia Lai vào năm 2020 (gồm nền tảng CQĐT, các ứng dụng và CSDL, hạ tầng CNTT, đào tạo) và lộ trình triển khai các dự án này.

[...]