Quyết định 9307/QĐ-BCT năm 2014 về Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 49/NQ-CP tiếp tục thực hiện Nghị quyết về chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 9307/QĐ-BCT
Ngày ban hành 16/10/2014
Ngày có hiệu lực 16/10/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9307/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 49/NQ-CP NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ;
- Lưu: VT, VPUBQG.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 49/NQ-CP NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 9307/QĐ-BCT ngày 16 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

I. MỤC TIÊU

Ngày 10 tháng 7 năm 2014, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 49/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó yêu cầu các Bộ, ngành địa phương xây dựng các Chương trình hành động riêng để triển khai Chương trình hành động của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Chương trình hành động này được Bộ Công Thương ban hành với mục tiêu cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 49/NQ-CP của Chính phủ gắn với các chức năng, nhiệm vụ của ngành Công Thương, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Chương trình hành động xác định các nội dung công việc cụ thể, lộ trình, thời gian thực hiện cho các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương tập trung triển khai trong thời gian tới.

II. NHỮNG NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế

a) Chủ trì thực hiện nghĩa vụ rà soát chính sách thương mại và nghĩa vụ thông báo của Việt Nam trong khuôn khổ WTO. Hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và ban hành các văn bản mới rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế.

b) Xây dựng và hoàn thiện các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2020. Trong năm 2014 hoàn thành Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đến năm 2020.

c) Tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ song phương (với Liên minh Châu Âu, Hiệp hội Thương mại tự do Châu Âu - Khối EFTA, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazkhstan, Hàn Quốc, Hồng Kông) và khu vực (Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP). Tiến hành đàm phán nâng cấp các hiệp định thương mại đã ký kết, đồng thời nghiên cứu, tiến tới đàm phán các hiệp định thương mại mới, phù hợp với lợi ích và nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam.

d) Tham gia các hoạt động xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 và tiếp tục hội nhập sâu hơn trong khuôn khổ AEC sau năm 2015.

đ) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành. Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể trên các trang thông tin do Bộ quản lý.

2. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm

a) Triển khai Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia. Xây dựng đồng bộ chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ.

b) Xây dựng Chương trình hành động quốc gia về tạo thuận lợi cho thương mại, tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại. Tiếp tục thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030.

[...]