Quyết định 929/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 929/QĐ-TTg
Ngày ban hành 22/06/2010
Ngày có hiệu lực 22/06/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 929/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ngày 10 tháng 12 năm 1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Ngành Khí tượng Thủy văn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đầu tư cho ngành Khí tượng Thủy văn cần đi trước một bước để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học về khí tượng thủy văn cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh thiên tai ngày càng khắc nghiệt và gia tăng do biến đổi khí hậu.

2. Phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đồng bộ theo hướng hiện đại hóa; lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.

3. Đổi mới phương thức phục vụ của ngành Khí tượng Thủy văn theo hướng Nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đáp ứng các yêu cầu phục vụ công cộng, phòng tránh thiên tai, bảo vệ cuộc sống, tài sản cho toàn xã hội; đồng thời, khuyến khích xã hội hóa, thương mại hóa các hoạt động khí tượng thủy văn và tăng cường sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2020, ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, có đủ năng lực điều tra cơ bản, dự báo khí tượng thủy văn, phục vụ yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể

a. Công tác quan trắc khí tượng thủy văn

- Đến năm 2015, phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn đồng bộ có mật độ trạm tăng ít nhất 50% so với hiện nay và tự động hóa 75% số trạm trong mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Đến năm 2020, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn có mật độ trạm tương đương với các nước phát triển và tự động hóa trên 90% số trạm quan trắc, đồng thời tăng cường các hệ thống đo đạc từ xa, bảo đảm theo dõi liên tục các biến động về thời tiết, khí hậu, tài nguyên nước, đáp ứng đầy đủ dữ liệu cho dự báo khí tượng thủy văn theo phương pháp tiên tiến và các nhu cầu khác.

b. Công tác truyền tin và dự báo khí tượng thủy văn

- Hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống thông tin truyền dẫn số liệu khí tượng thủy văn, nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành.

- Nâng cao chất lượng và thời hạn dự báo:

+ Bảo đảm dự báo thời tiết hàng ngày đạt độ chính xác 80 - 85%;

+ Tăng thời hạn dự báo bão, không khí lạnh lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á;

+ Tăng thời hạn dự báo, cảnh báo lũ cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ lên đến 2 - 3 ngày, ở Trung Bộ lên đến 2 ngày, ở Nam Bộ lên đến 10 ngày với độ chính xác 80 - 85%;

+ Nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn 10 ngày, 1 tháng, mùa cho các khu vực trong cả nước.

- Đa dạng hóa các sản phẩm dự báo:

+ Dự báo khí tượng thủy văn biển hàng ngày và 5 - 7 ngày;

+ Dự báo khí tượng thủy văn cực ngắn (6 - 12 giờ), đặc biệt là dự báo định lượng mưa; cảnh báo lũ quét, nguy cơ lốc, tố, vòi rồng;

+ Dự báo khí tượng thủy văn phục vụ các ngành kinh tế, xã hội.

[...]