Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2012 về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 03/CT-TTg
Ngày ban hành 17/01/2012
Ngày có hiệu lực 17/01/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Mười năm qua, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là công tác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Thể chế, cơ chế quản lý DNNN và chuyển đổi DNNN được ban hành khá đồng bộ. DNNN giảm về số lượng, nhưng doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực quan trọng thì quy mô vốn tăng lên, hiệu quả hoạt động tốt hơn, cơ bản thực hiện được vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DNNN hoạt động trong những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa phải chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được giao; quản trị doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu phát triển trong cơ chế thị trường. Việc quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN còn bất cập.

Quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2011 - 2015 là phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN nhằm tạo ra khu vực DNNN có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn, thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ được giao. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung làm tốt những công việc sau:

1. Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đối với DNNN; đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho đổi mới tổ chức hoạt động, quản lý, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN; trong quý I năm 2012, các Bộ trình Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền:

a) Bộ Tài chính:

- Quy định về quản lý tài chính, đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại các DNNN.

- Quy chế quản lý, giám sát tài chính đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.

- Ban hành tiêu chí và hướng dẫn DNNN đánh giá đúng đắn, khách quan hiệu quả hoạt động; làm rõ các yếu tố cơ chế, nhiệm vụ chính sách (nếu có), ảnh hưởng đến kết quả chung của doanh nghiệp.

- Cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp còn vốn nhà nước sau khi thực hiện cổ phần hóa.

- Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy định phù hợp để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà Nhà nước không cần nắm giữ, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, có hiệu quả, theo cơ chế thị trường và thu hút cổ đông chiến lược có kinh nghiệm quản lý và năng lực tài chính, công nghệ; để đẩy nhanh việc giảm vốn nhà nước tại những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vốn chi phối.

- Hướng dẫn việc chuyển vốn, chuyển doanh nghiệp.

- Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam.

- Quy định về tổ chức, hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Nghiên cứu cơ chế, mô hình tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; trong đó, cần tập trung làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Bộ quản lý ngành kinh doanh chính và Hội đồng thành viên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thí điểm thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước phù hợp với Luật Doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển và thực tiễn quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước.

- Hướng dẫn việc chuyển nhượng dự án, chuyển giao dự án gắn với việc chuyển nhượng vốn, chuyển giao vốn giữa các doanh nghiệp (nếu có) khi thực hiện tái cơ cấu DNNN.

d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Quy định về quản lý tiền lương đối với viên chức quản lý trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

- Cơ chế quản lý tiền lương trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn hoặc đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai về quản lý sử dụng đất trong nông, lâm trường quốc doanh, trong đó có việc đất đai của hộ nông dân góp giá trị quyền sử dụng đất vào các công ty nông nghiệp cổ phần hóa; đất đai (giao khoán và chưa giao khoán) chưa được xử lý trong các nông, lâm trường quốc doanh đã cổ phần hóa, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích tại công ty nông, lâm nghiệp.

e) Bộ Nội vụ: Chủ trì, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương phối hợp nghiên cứu quy định về công tác cán bộ trong DNNN, đặc biệt là đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

2. Các Bộ quản lý ngành kinh tế, kỹ thuật cần rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả năng, điều kiện, cách thức tổ chức lại, từ đó xây dựng đề án tái cơ cấu đối với DNNN hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý trong quý I năm 2012 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện tạo ra chuyển biến căn bản về sắp xếp DNNN.

[...]