Quyết định 904/QĐ-BNN-KH năm 2007 phê duyệt Đề án: Tăng cướng năng lực hệ thống quản lý Nhà nước chuyên ngành thú y, giai đoạn 2007-2010 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 904/QĐ-BNN-KH
Ngày ban hành 04/04/2007
Ngày có hiệu lực 19/04/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Bùi Bá Bổng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 904/QĐ-BNN-KH

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: TĂNG CƯỚNG NĂNG LỰC HỆ THỐNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CHUYÊN NGÀNH THÚ Y, GIAI ĐOẠN 2007-2010

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Pháp lệnh Thú y, ban hành theo công bố của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12 tháng 5 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Cục Thú y tại tờ trình số 326/TY-KH ngày 13 tháng 3 năm 2007 về việc phê duyệt Đề án: Tăng cường năng lực hệ thống quản lý Nhà nước chuyên ngành Thú y, giai đoạn 2007-2010;
Theo đề nghị cũa Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Tài Chính;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án: Tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước chuyên ngành Thú y, giai đoạn 2007-2010, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước ngành thú y xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi cả nước. Đồng thời, từng bước nâng cao năng lực quản lý nhà nước của ngành Thú y, để đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA HỆ THỐNG THÚ Y.

1. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành Thú y đồng bộ và phù hợp với luật pháp và quy định quốc tế;

2. Kiện toàn hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, đảm bảo có hiệu quả hoạt động của cả hệ thống đáp ứng nhanh nhậy nhu cầu dự báo, phòng trừ dịch bệnh, an toàn dịch bệnh góp phần tăng nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi một cách bền vững.

3. Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn:

a. Về công tác phòng chống dịch:

Từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý dữ liệu, thông tin, dự báo dịch bệnh, xây dựng bản đồ dịch tễ; tăng cường công tác quản lý, giám sát dịch bệnh, đánh giá rủi ro trên phạm vi cả nước;

Xây dựng, thực hiện các chương trình khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây sang người như bệnh cúm gia cầm, bệnh lỡ mồm long móng, bệnh dại, nhiệt thán, dịch tả lợn, niu cát xơn, bò điên; phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, trước mắt an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn do OIE công nhận; nâng cao năng lực chuẩn đoán bệnh.

b. Về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y:

Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống kiểm dịch động vật xuất, nhập khẩu; kiểm dịch vận chuyển trong nước.

Xây dựng quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung, hướng dẫn và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư theo quy hoạch được duyệt; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm động vật (thịt, trứng, sữa, mật ong,...); xử lý các trường hợp vi phạm theo luật định;

c. Về công tác quản lý thuốc thú y: Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y; ban hành tiêu chuẩn chất lượng thuốc thú y; thực hiện việc kiểm tra, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y nhập khẩu, sản xuất trong nước, xử lý các trường hợp vi phạm theo luật định.

d. Thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thú y:

Thực hiện các đề tài điều tra cơ bản dịch bệnh gia súc, gia cầm, quy hoạch hệ thống thú y, giết mổ tập trung cả nước; xây dựng bản đồ dịch bệnh.

Hàng năm xây dựng kế hoạch đặt hàng với các cơ quan khoa học nghiên cứu những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực phòng trừ dịch bệnh, gia súc, gia cầm, thuốc thú y; tổ chức chuyển giao các kết quả khoa học công nghệ vào phòng trừ dịch bệnh, sản xuất thuốc.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện hệ thống pháp lý đối với lĩnh vực thú y:

Giao Cục Thú y, phối hợp với các Vụ, Cục chức năng rà soát lại các văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực thú y; bổ sung các văn bản cần thiết đảm bảo Pháp lệnh Thú y được thực hiện có hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và phát triển chăn nuôi bền vững, phù hợp các thông lệ quốc tế.

Xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng các loại thuốc thú y, quy trình, quy phạm sản xuất, bảo quản thuốc, hướng dẫn các địa phương, cơ sở thực hiện.

2. Kiện toàn hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở và đào tạo.

Hệ thống tổ chức ngành Thú y được kiện toàn theo hướng:

[...]