THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 901/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 23
tháng 06 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI
HỌC CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2015 - 2017
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng
6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng
11 năm 2009;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày
18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 49/2010/NĐ-CP
ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ
chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ
thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 và Nghị
định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP
ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự
nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày
24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với
các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017;
Căn cứ Quyết định số
70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều
lệ trường đại học;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công
Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động
của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 -
2017 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm
Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Trường) chủ động khai thác, sử dụng hợp
lý, hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học
của Trường, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát
triển của ngành công nghiệp thực phẩm và xã hội; bảo đảm các đối tượng chính
sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập tại Trường.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm
người học sau khi tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng cao hơn quy
định, theo cam kết được công bố của Trường; được tiếp cận việc ứng dụng khoa học
công nghệ; được rèn luyện kỹ năng và trau dồi phẩm chất đạo đức.
b) Phát triển chương trình đào tạo
theo chương trình của các trường đại học hiện đại trên thế giới, đáp ứng nhu cầu
phát triển ngành công nghiệp thực phẩm
nói riêng và của ngành công thương nói chung.
c) Phát triển quy mô đào tạo một cách
hợp lý, phù hợp với nguồn lực của Trường;
chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao, theo đặt hàng; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học và sau đại
học.
d) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gồm
nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; tăng cường nguồn thu từ các hoạt động
nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
đ) Tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy
mạnh phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên và đẩy mạnh hoạt động đào tạo,
nghiên cứu khoa học.
e) Áp dụng phương thức quản lý tiên
tiến, nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị của
Trường.
g) Thực hiện trách nhiệm xã hội của trường
đại học công lập với các chính sách học bổng, khuyến khích học tập và tín dụng
sinh viên; tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên thuộc đối tượng chính sách,
hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học tập tại Trường.
II. NỘI DUNG ĐỔI MỚI
HOẠT ĐỘNG
Trường được thực hiện tự chủ, tự chịu
trách nhiệm về các nội dung sau đây:
1. Về thực hiện
nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học
a) Xây dựng và thực hiện chương trình
đào tạo bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; bảo
đảm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập
và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo đáp ứng các điều kiện theo quy định.
b) Quyết định mở các ngành, chuyên
ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với quy định và điều
kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của Trường, đáp ứng
nhu cầu xã hội.
c) Thực hiện kiểm định chất lượng
giáo dục đại học theo quy định để bảo đảm chất lượng đào tạo.
d) Quyết định chỉ tiêu tuyển sinh và
tổ chức tuyển sinh theo quy định, đáp ứng yêu cầu của xã hội và bảo đảm tính
công khai, minh bạch.
đ) Quyết định chương trình đào tạo,
phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi; kiểm tra đánh giá kết
quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chuẩn đầu ra mà
Trường đã cam kết.
e) Quyết định hoạt động nghiên cứu
khoa học; khuyến khích việc ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học
gắn với thị trường và nhu cầu xã hội; quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học
công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ
chức hội thảo với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; chủ động tìm kiếm
và nhận tài trợ, viện trợ cho các dự án hợp tác
nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế.
g) Quyết định liên kết đào tạo với
các tổ chức, cơ sở đào tạo trong nước; liên kết với các cơ sở đào tạo nước
ngoài là các trường đại học, các tổ chức đào tạo có uy tín trong khu vực, trên
thế giới; thông tin về các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, bảo đảm quyền
lợi chính đáng của người học.
h) Thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp
công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bao gồm cả dịch
vụ do Nhà nước đặt hàng.
2. Về tổ chức bộ
máy, nhân sự
a) Quyết định và chịu trách nhiệm về
việc thành lập mới, tổ chức lại, sáp nhập,
chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy
chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của
bộ máy.
b) Quyết định tiêu chuẩn, tuyển dụng,
sử dụng và bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự làm công tác quản lý của Trường sau khi
Hội đồng trường thông qua. Hội đồng trường bầu Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu
trưởng; Bộ trưởng Bộ Công Thương phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng trường
và Hiệu trưởng.
c) Quyết định số lượng, cơ cấu lao động,
vị trí việc làm; tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ viên chức,
nhân viên hợp đồng trên cơ sở quy chế và
chủ trương được Hội đồng trường thông qua, phù hợp với yêu cầu phát triển của
Trường; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm
dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.
d) Quyết định việc giao kết hợp đồng
lao động với giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và ngoài nước để thực
hiện các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Trường, đáp ứng các điều
kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.
3. Về tài chính
a) Học phí
Trường thu học phí theo kế hoạch như
sau:
Đơn vị:
Triệu đồng/sinh viên/năm
Học phí
Năm học
|
2014 - 2015
|
2015 - 2016
|
2016 - 2017
|
Mức thu học phí
bình quân tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy)
|
14,5
|
16,0
|
17,5
|
- Trường thực hiện tính toán và công
khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình đào
tạo trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí bình quân (của các chương
trình đại trà) không vượt quá mức thu học phí bình quân tối đa của Trường theo
quy định tại Quyết định này.
- Trường quyết định mức trần học phí
đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần; cao đẳng bằng
0,8 lần mức học phí bình quân tối đa nêu trên; học phí đào tạo theo phương thức
giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học
và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.
- Đối với các đối tượng đã nhập học
trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, Trường thu học phí với mức
tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành.
b) Thu sự nghiệp
Trường thực hiện các hoạt động dịch vụ
và hỗ trợ đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ người học. Khoản
thu từ các hoạt động này được công khai trên cơ sở lấy thu bù đắp chi phí, có
tích lũy hợp lý.
c) Tiền lương và thu nhập
Ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy
định, Trường quyết định thu nhập tăng thêm cho người lao động từ chênh lệch thu
lớn hơn chi sau khi đã trích lập các quỹ theo quy
định, theo Quy chế chi tiêu nội bộ, bảo đảm công bằng và minh bạch.
d) Sử dụng nguồn thu
- Thực hiện tự chủ và chịu trách nhiệm
trong việc lập kế hoạch và quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp
pháp của Trường để tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và
bảo đảm chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
- Sau khi thực hiện bù đắp các chi
phí thường xuyên, phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại của Trường được trích
lập các quỹ sau: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (tối thiểu 25% chênh lệch
thu chi), Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng, ổn định thu nhập và các
quỹ hỗ trợ sinh viên.
- Khoản thu học phí và các khoản thu
sự nghiệp được gửi tại ngân hàng thương mại; toàn bộ tiền lãi tiền gửi được sử
dụng để lập các quỹ hỗ trợ sinh viên.
4. Chính sách học bổng,
học phí
a) Trường hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí của Trường với mức
học phí được miễn, giảm theo quy định của Nhà nước đối với sinh viên thuộc đối
tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định kể từ khóa tuyển
sinh sau thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành.
b) Ngoài các đối tượng được miễn, giảm
học phí theo chính sách của Nhà nước, Trường xây dựng, thực hiện chính sách học
bổng, khuyến khích học tập dành cho sinh viên xuất sắc và sinh viên là đối tượng
chính sách.
5. Về đầu tư, mua sắm
a) Chủ động cân đối nguồn thu và huy
động các nguồn hợp pháp khác; quyết định
các dự án đầu tư, mua sắm, sửa chữa để
phát triển tổng thể cơ sở vật chất của Trường theo mô hình trường đại học hiện
đại trên thế giới.
b) Quyết định việc sử dụng tài sản,
cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu của Trường để liên doanh, liên kết thực
hiện các hoạt động khoa học công nghệ, tổ
chức hoạt động kinh doanh, dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn; quyết định
việc cho thuê tài sản để sử dụng cho các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu
khoa học, tư vấn và hỗ trợ sinh viên.
c) Được Nhà nước tiếp tục bố trí vốn
để hoàn thành các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang được triển
khai từ nguồn ngân sách nhà nước; được Nhà nước xem xét hỗ trợ lãi suất đối với
các khoản vay ngân hàng và được ưu tiên vay từ các nguồn vốn ưu đãi khác để thực
hiện các dự án đầu tư phát triển trường theo quy định.
6. Về cơ chế giám
sát
a) Trường sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện
các quy chế bảo đảm công khai, minh bạch; kiện toàn Hội đồng trường, bảo đảm hoạt
động hiệu lực, hiệu quả, phát huy dân chủ, theo đúng quy định của Quyết định
này và các văn bản pháp luật có liên quan. Hội đồng trường quyết định về chiến
lược và phương hướng hoạt động của Trường; giám sát việc thực hiện các nghị quyết
của Hội đồng trường; việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động và việc
triển khai thực hiện Quyết định này.
b) Trường công khai Quy chế chi tiêu
nội bộ. Quy chế chi tiêu nội bộ được thông qua tại Hội nghị Đại biểu cán bộ,
công chức, viên chức của Trường.
c) Trường công khai Quy chế giám sát
của giảng viên, cán bộ, viên chức và người học đối với mọi hoạt động Trường.
7. Trường thực hiện
quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng
10 năm 2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại
học công lập giai đoạn 2014 - 2017 và các văn bản khác có liên quan.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Các Bộ, ngành, địa phương có liên
quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày
24 tháng 10 năm 2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở
giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 và các quy định pháp luật khác
có liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát và hỗ trợ Trường trong quá trình
triển khai Quyết định này.
2. Các cơ quan nhà nước có liên quan
tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ Trường để hoàn thành hoặc mở rộng các dự án đầu tư
xây dựng và phát triển Trường.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệu trưởng
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ trưởng các tổ
chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: CT, GDĐT, TC, KHĐT, NV, KHCN;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBND Thành phố Hồ Chí Minh;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TTK HĐGD, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: PL, KTTH,
TKBT;
- Lưu: VT, KGVX (3b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Văn Ninh
|